Hà Giang: Nỗi nhọc nhằn của phụ nữ ở bản Đề Chia B

Đề Chia B (xã Cán Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang) là một bản nhỏ với 100% là hộ nghèo, khó khăn đủ đường: Không có điện, không có đường và không có trường học. Do đó, phụ nữ ở bản Đề Chia B gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và lao động sản xuất.

Đường bê tông mới làm dẫn vào bản Đề Chia B

Đề Chia B là bản nhỏ nằm biệt lập trong một thung lũng trên núi đá, cách trung tâm xã 13km, cả bản có 23 hộ dân với 150 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông.

Do bàn làng nằm biệt lập, lại ở trên vùng núi cao, hàng năm người dân luôn gặp cảnh thiếu nước. Để có nước sinh hoạt vào mùa khô, chị em phải đi bộ theo đường mòn xuống sông Nho Quế để gùi nước về. Thời gian cho mỗi chuyến mang nước về tới nhà cũng mất hơn 2 tiếng đồng hồ.

Cho đến nay, bản Đề Chia B chưa có điện lưới, nên việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông như tivi, đài cũng rất hạn chế. Vì sống biệt lập, thiếu điều kiện tiếp cận với không gian xã hội bên ngoài, khả năng nghe nói tiếng phổ thông của bà con nơi đây càng thêm khó khăn, nhất là đối với phụ nữ.

Ruộng nương của bản Đề Chia B nằm trên vùng núi đá nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn

Cho đến nay, người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề làm nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi là chính. Thế nhưng diện tích đất canh tác chủ yếu là nằm trên vùng núi đá, nên người dân chỉ có thể canh tác cây ngô xen trong đá. Lượng lương thực sản xuất ra cũng không đáp ứng đủ cho nhu cầu cuộc sống hàng năm.

Chị Sùng Thị Mỷ cho biết: “Đời sống khó khăn, đi lại cũng khó khăn, nên chị em phụ nữ ở bản chỉ biết làm nương thôi. Nhưng đất ít quá, làm nương cũng không đủ ăn. Cả bản vẫn còn nghèo, chỉ mong được nhà nước quan tâm đầu tư để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân chúng tôi”.

Chị Vàng Thị Sua chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất với chị em và người dân ở đây là chưa có điện lưới nên bị hạn chế tiếp cận thông tin thị trường, thông tin đời sống xã hội. Khu vực cư trú biệt lập càng bị cách xa hơn nữa khi không cập nhật được thông tin kịp thời vì không có điện".

Với những khó khăn ở bản Đề Chia B, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội LHPN xã Cán Chu Phìn cũng tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, động viên người dân và chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhằm từng bước tháo gỡ và giảm bớt khó khăn cho cuộc sống của người dân nói chung và chị em phụ nữ người Mông ở Đề Chia B nói riêng.

Làm đường bê tông vào bản Đề Chia B

Bà Sùng Thị Pà, Chủ tịch Hội LHPN xã Cán Chu Phìn, cho biết: "Do vị trí Đề Chia B nằm biệt lập, còn khó khăn về đường giao thông, thiếu điện, thiếu trường học và cả thiếu nước nên chị em phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Hội LHPN xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho chị em cố gắng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển chăn nuôi để tạo thêm nguồn thu nhập, thay cho việc phụ thuộc vào trồng trọt là chính.

Đồng thời, chính quyền địa phương cũng kêu gọi các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho người dân làm đường bê tông, xây dựng trường học. Mới đây đã giải quyết được một số vấn đề như trẻ em được đến trường đầy đủ, và có đường bê tông về bản".

Hội LHPN huyện Mèo Vạc và xã Cán Chu Phìn có nhiều hoạt động hỗ trợ chị em phụ nữ Đề Chia B thay đổi nếp nghĩ cách làm để vươn lên, vượt qua khó khăn

"Trước kia, người dân bản Đề Chia B còn tục cúng bái, làm ma chay dài ngày, trong khi kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn. Trong quá trình triển khai Dự án 8, chúng tôi vẫn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ đi những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, tiết giảm chi phí làm ma chay tốn kém. Làm được những việc này hy vọng giải quyết bớt được những khó khăn cho chị em " - bà Pà cho hay.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ha-giang-noi-nhoc-nhan-cua-phu-nu-o-ban-de-chia-b-20240325182552954.htm