Hà Đông (Hà Nội): 'Hô biến' đất nông nghiệp để trục lợi?

Theo phản ánh của một số hộ dân trên địa bàn phường Phúc La về việc HTX Yên Phúc tự ý san lấp mặt bằng trên khu đất nông nghiệp Điện Tín bằng phế thải xây dựng để phục vụ cho việc kinh doanh cây cảnh khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Được biết khu đất Điện Tín là đất nông nghiệp do HTX Yên Phúc quản lý với diện tích khoảng 10.000 m2 nhưng do công tác quản lý lỏng lẻo của chính quyền nên đã bị người dân lấn chiếm khoảng gần 1000 m2. Đến cuối tháng 7 vừa qua, UBND phường Phúc La phối hợp với xã Tân Triều – huyện Thanh trì thực hiện cưỡng chế lấy lại gần 1000 m2 đất bị người dân lấn chiếm sử dụng sai mục đích.

Phế thải xây dựng được dùng để san lấp mặt bằng

Tuy nhiên ngay sau khi cưỡng chế HTX Yên Phúc đã cho xe ủi và máy xúc vào san lấp hàng nghìn m2 đất nông nghiệp để làm khu vực kinh doanh cây cảnh và các mục đích kinh doanh khác…Để làm rõ vấn đề PV đã có buổi làm việc với đại diện phường Phúc La và HTX Yên Phúc. Bà Đỗ Thị Dung, Giám đốc HTX Yên Phúc cho biết “ngay sau khi thực hiện cưỡng chế xong để bảo đảm việc tái lấn chiếm không diễn ra UBND quận Hà Đông đã giao cho HTX Yên Phúc cùng với UBND phường Phúc La thực hiện xây tường bao che chắn toàn bộ diện tích khu đất giáp danh với khu dân cư thôn Yên Xã – xã Tân Triều.Vì vậy, ngay sau đó chúng tôi đã tiến hành xây tường bao xung quanh khu đất và tiến hành san lấp mặt bằng để tiếp tục sản xuất”

Bà Dung cũng cho biết thêm, toàn bộ kinh phí cho việc san lấp mặt bằng được lấy từ kinh phí của HTX.

Không biết việc UBND quận Hà Đông có chủ trương cho san lấp mặt bằng khu đất nông nghiệp này bằng phế thải hay không? Nhưng theo ông Đỗ Lý, Phó Chủ tịch phường Phúc La thì việc san lấp mặt bằng để chống tái lấn chiếm là hoàn toàn đúng. Nhưng khi PV hỏi Quận có chủ trương như vậy không thì ông Lý nói có báo cáo bằng miệng và đã được lãnh đạo quận đồng ý?

Hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đang bị san lấp

Dư luận đặt câu hỏi là việc chống lấn chiếm thì đã được xây tường rào ngăn cách khu đất với các hộ dân rồi sao lại san lấp mặt bằng để nhằm mục đích gì? Có phải việc chống tái lấn chiếm chỉ là cái cớ để biến diện tích đất nông nghiệp thành mặt bằng kinh doanh?

Hơn nữa việc san lấp đất nông nghiệp như thế liệu đã được cơ quan chức năng cho phép và có đúng quy định hay không? Một điều kỳ lại nữa là tại sao lại lấy phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng?

Được biết khu đất trên theo quy hoạch phân khu S4 của Hà Nội thì đây là khu vực trồng cây xanh, tạo cảnh quan cho dân cư trong khu vực. Việc dùng phế liệu để san lấp mặt bằng sẽ để lại nhiều hệ lụy sau này nếu nhà nước có thu hồi để làm các dự án. Đề nghị quận Hà Đông xác minh làm rõ vấn đề trên.

Congluan.vn sẽ tiếp tục đưa tin về việc trên.

Việt Cường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ha-dong-ha-noi-ho-bien-dat-nong-nghiep-de-truc-loi/