Hạ cước 4G: Chất lượng bị bỏ ngỏ

Đều đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường 4G, các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone liên tục tung ra các gói cước hấp dẫn. Nhưng dù là người được hưởng lợi, người tiêu dùng vẫn còn khá băn khoăn về chất lượng dịch vụ cũng như lo lắng về kiểm soát dung lượng.

Viettel là đơn vị đầu tiên tung ra thị trường dịch vụ 4G, với các gói cước như: 40.000 đồng/tháng sử dụng dung lượng 1GB, 70.000 đồng/tháng với dung lượng 2GB. Theo chân Viettel, Vinaphone cũng bung ra các gói cước 70.000 đồng/tháng được 2,4GB, 90.000 đồng/tháng được sử dụng 3,5GB.

Và dĩ nhiên, một ông lớn như Mobifone không thể đứng ngoài cuộc chơi. Nhà mạng này đã tung ra hàng loạt gói cước 70.000 đồng/tháng được sử dụng dung lượng 2,4GB, gói cước 90.000 đồng/tháng sử dụng dung lượng 3,5GB, gói 120.000 đồng/tháng được sử dụng dung lượng 6GB…

Không chỉ đầu tư mạnh về giá cước, cuộc chiến dịch vụ 4G đang thật sự bước vào giai đoạn gay cấn khi các nhà mạng đua nhau giảm giá để lôi kéo người dùng. Dù gói cước của mỗi doanh nghiệp khác nhau, nhưng tất cả đều khẳng định sẽ cung cấp các dịch vụ ở tốc độ cao, ổn định.

Phía Viettel cho rằng mục tiêu chính của doanh nghiệp này là đẩy mạnh mọi lợi thế về giá so với đối thủ và giảm giá cước chỉ bằng 40-60% so với 3G trước đây.

Trong khi đó, Vinaphone đang tạo dấu ấn riêng về sự đa dạng gói cước thông qua việc đan xen giữa 3G và 4G; Xây dựng các gói mua thêm giá rẻ từ 15.000-35.000 đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm của khách hàng.

Ẩn mình hơn, Mobifone đang khá cẩn trọng trong việc dò xét đối thủ. Sau khi Viettel, Vinaphone tung ra các “con bài” về giá cước thấp, đa dạng dịch vụ thì Mobifone đang nhắm đến các gói cước tiện ích giá rẻ trên nền tảng 4G chất lượng cao, tăng trải nghiệm cho khách hàng về giải trí, phim ảnh…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường viễn thông trong nước. Tuy nhiên, việc giá rẻ nhưng chất lượng dịch vụ có bảo đảm hay không vẫn còn nhiều nghi vấn.

Bởi lẽ, hiện có khá nhiều thắc mắc từ phía người tiêu dùng trên các trang thông tin, cộng đồng mạng liên quan đến chất lượng dịch vụ cũng như mức giá trên có phải là mức thấp nhất hay không.

Một khách hàng tên Hưng bình luận trên một trang công nghệ: “Điều mà khách hàng chờ đợi không chỉ là chất lượng dịch vụ. Mức giá bán cho người tiêu dùng luôn được khách hàng quan tâm nhiều nhất. Với giá 3G hiện nay, chúng ta đang chịu mức giá khá cao và người tiêu dùng trong nước luôn bị thiệt thòi về giá dịch vụ so với những nước trung bình trên thế giới”.

Bên cạnh đó, một bạn đọc khác cho rằng: “Cạnh tranh về giá là một chiến lược dễ hiểu bởi người tiêu dùng Việt Nam luôn bị thu hút về giá rẻ. Có thể thấy, người mua dịch vụ 3G trước đó luôn bị trừ dung lượng dữ liệu một cách khó hiểu. Vì vậy, phải làm sao để người tiêu dùng có thể kiểm soát dung lượng 4G trong quá trình sử dụng. Mặt khác, giá giảm nhưng chất lượng dịch vụ còn được bảo đảm không, bởi người tiêu dùng đã ngán ngẩm cảnh dung lượng tốc độ cao bị ngốn nhanh chóng rồi chấp nhận tốc độ chậm như “rùa bò”.

Thời điểm này, cả 3 ông lớn vẫn chưa có thông tin mới liên quan đến kế hoạch sẽ giảm giá. Nhưng theo nhận định chung từ những người trong cuộc, việc giảm giá 4G thấp hơn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường, vì việc đưa ra các gói cước rẻ hoặc rất rẻ còn liên quan đến kinh phí hoạt động doanh nghiệp. Riêng đối với chất lượng dịch vụ 4G trong thời gian tới, các ông lớn tham gia cuộc chơi này đều khẳng định chất lượng sẽ tăng 7-10 lần so với 3G.

Đức Hùng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ha-cuoc-4g-chat-luong-bi-bo-ngo-d59895.html