GV mách thí sinh cách khai thác Atlat, vẽ dạng biểu đồ khi làm bài thi Địa lý

Phân loại kiến thức theo các mức độ nhận thức, cùng kỹ năng đọc hiểu Atlat Địa lí Việt Nam, nhận dạng và phân tích biểu đồ giúp thí sinh đạt được điểm cao.

Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6.

Môn thi Địa lý thuộc Bài thi Khoa học xã hội sẽ diễn ra vào sáng ngày 28/6 với thời gian làm bài 50 phút, hình thức làm bài thi trắc nghiệm.

Môn thi Địa lý sẽ diễn ra vào sáng ngày 28/6 với thời gian làm bài 50 phút. Ảnh minh họa: PM

Phân loại kiến thức theo các mức độ nhận thức

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những lưu ý trong ôn thi, làm bài thi môn Địa lý, cô Hà Diệu Hương - giáo viên bộ môn Địa lí Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho biết, kiến thức địa lí lớp 12 bao gồm các nội dung như Địa lí tự nhiên Việt Nam; Địa lí dân cư Việt Nam; Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí các vùng kinh tế Việt Nam.

Ở từng phần, thí sinh nên phân loại kiến thức theo các mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Việc chia các đơn vị bài học theo mức độ nhận thức sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo ôn tập đúng trọng tâm, đủ kiến thức để làm bài thi.

Theo đó, ở mức độ nhận biết và thông hiểu, thí sinh cần học kĩ, nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cùng một chút hiểu biết xã hội là có thể làm bài tốt.

Với mức độ vận dụng và vận dụng cao, bên cạnh kiến thức cơ bản cần bổ sung và trau dồi kiến thức về quy luật địa lí nói chung, cập nhật tình hình thực tế của đất nước và các vùng miền thì mới có thể làm tốt các dạng câu hỏi này.

Cô Hương cho hay, kiến thức khối khoa học xã hội rất rộng, vận dụng thực tế rất nhiều, do đó nếu không có kỹ năng ôn tập khoa học và hợp lý, thí sinh sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn “nước rút" như hiện nay.

Để có thể ôn tập hiệu quả, thí sinh cần hệ thống hóa kiến thức một cách rõ ràng, ngắn gọn theo các dàn ý của địa lí để hình thành tư duy và kỹ năng phản xạ. Khi học bài cần gạch chân các từ khóa quan trọng để nắm bắt nội dung chính, dễ học và dễ nhớ.

Cụ thể, ví dụ nếu ôn tập về gió cần chú ý các đặc điểm như hướng gió, thời gian hoạt động, tính chất, phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của gió đến khí hậu.

Ôn tập về các ngành kinh tế Việt Nam, các ngành của các vùng kinh tế cần hệ thống theo nội dung vai trò, điều kiện phát triển, tình hình phát triển và phân bố, giải pháp phát triển…..

Ôn tập về sự phân hóa tự nhiên phải hệ thống đủ nội dung phân hóa Bắc Nam, phân hóa Đông Tây, phân hóa đai cao.

Với nội dung ôn tập liên quan đến điều kiện phát triển các ngành kinh tế hệ thống đủ nội dung vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội….Tình hình phát triển của một ngành kinh tế thường bao gồm tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất, năng suất, sản lượng, diện tích….

Hình ảnh trang 1 trong đề thi tham khảo môn Địa lý của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

“Xác định đúng từ khóa trong đề bài là việc rất quan trọng. Việc nhiều thí sinh vẫn coi thường bước này dẫn tới hấp tấp và vội vàng, không đọc kĩ đề dẫn đến làm sai ở những câu hỏi đơn giản.

Trong khi đó, kỹ năng xác định từ khóa lại rất đơn giản và dễ thực hiện. Có 2 dạng từ khóa thí sinh cần ghi nhớ là từ khóa phân biệt dạng câu hỏi và từ khóa xác định đối tượng được hỏi.

Với từ khóa phân biệt câu hỏi, cần chú ý đến các cụm từ “ý nghĩa chủ yếu", “nguyên nhân chủ yếu", “biện pháp chủ yếu"....

Từ khóa để xác định đối tượng được hỏi cần lưu ý đến các cụm từ như nhiệt độ cao/thấp; mưa nhiều/ít; sinh vật nhiệt đới/cận nhiệt; nâng cao hiệu quả kinh tế; nâng cao giá trị sản xuất; phát triển hàng hóa….

Việc gạch chân đúng từ khóa giúp thí sinh xác định được nội dung kiến thức liên quan đến đối tượng được nhắc đến trong câu hỏi. Do đó, kỹ năng nhận định phương án đúng cũng rất quan trọng”, cô Hương cho hay.

Đối với những câu hỏi nhận biết, thông hiểu, theo cô Hương, khi chọn 1 phương án đúng thì phải chắc chắn các phương án còn lại là sai.

Với các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, 4 phương án đưa ra thường có dạng đúng/đúng nhất gây loạn cho thí sinh. Do đó, để có thể tìm được đáp án đúng thì cần vận dụng rất nhiều kiến thức liên quan đến đối tượng được hỏi như vai trò, điều kiện phát triển, tình hình phát triển, phương hướng phát triển…Thí sinh hãy ưu tiên các phương án có tính bao quát, đầy đủ nhất. Trường hợp không có phương án nào bao quát nhất thì ưu tiên các phương án nói đến các nhân tố tác động trực tiếp hoặc ý nghĩa trực tiếp.

Rèn luyện kỹ năng khai thác Atlat Địa lí Việt Nam và nhận dạng biểu đồ

Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông bộ môn Địa lí, cô Hà Thị Diễm Lộc - giáo viên bộ môn Địa lý Trường Trung học phổ thông Vân Tảo (Hà Nội) chia sẻ những lưu ý cho thí sinh trong quá trình ôn luyện và khi làm bài.

Theo đó, cô nhận định thí sinh cần xác định rõ trọng tâm ôn tập và đa dạng hóa hình thức ôn như lập sơ đồ tư duy, bảng biểu để dễ ghi nhớ kiến thức mà không cảm thấy nhàm chán. Cô cũng nhấn mạnh, kỹ năng đọc hiểu và sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam là bắt buộc và cấp thiết nếu thí sinh muốn đạt được điểm 9, điểm 10.

Chiếm phần lớn trong đề thi là các câu hỏi liên quan đến Atlat, theo cô Lộc, thí sinh cần rèn luyện thành thạo kỹ năng đọc Atlat bằng việc thường xuyên đọc và làm thử các câu hỏi xem Atlat để có thể nhận biết kí hiệu, hiểu chú thích và khai thác nội dung đúng trang, đúng chủ đề.

Với các câu hỏi yêu cầu xử lý, nhận xét bảng số liệu, thí sinh cần nắm rõ công thức tính mật độ dân số, tỉ lệ dân thành thị, năng suất, bình quân lương thực, cán cân thương mại… Ngoài ra, việc nắm bắt và hiểu rõ được vai trò, ý nghĩa của từng dạng biểu đồ cùng kỹ năng xác định từ khóa trong yêu cầu đề bài để có thể phân biệt và nhận dạng là rất cần thiết, giúp thí sinh có thể chinh phục được những dạng câu hỏi ở mức độ khó.

Với biểu đồ tròn là dạng biểu đồ thường được dùng để vẽ các biểu thị cơ cấu, tỷ lệ các thành phần trong một tổng thể chung hoặc cũng có thể vẽ biểu đồ tròn khi tỷ lệ (%) trong bảng số liệu cộng lại tròn 100.

Để nhận biết trường hợp nào sử dụng biểu đồ tròn, học sinh cần nắm chắc các từ khóa gợi mở như cơ cấu, tỉ trọng, tỉ lệ và đơn vị là (%). Trong đó, trường hợp sử dụng 1 hình tròn khi muốn thể hiện cơ cấu của đối tượng tại 1 năm nhất định. Biểu đồ có 2-3 hình tròn cùng bán kính sử dụng khi đề bài cho bảng số liệu (%) tương đối và yêu cầu thể hiện cơ cấu, sự thay đổi/chuyển dịch cơ cấu. Biểu đồ tròn có 2-3 hình tròn bán kính khác nhau được dùng nếu đề bài cho bảng số liệu tuyệt đối và có cột tổng số của đối tượng, yêu cầu thể hiện quy mô và cơ cấu.

Với dạng biểu đồ đường được sử dụng để thể hiện tiến trình phát triển, động thái phát triển của một đối tượng hay một nhóm đối tượng nào đó qua thời gian, có các cụm từ thể hiện sự phát triển, tốc độ tăng trưởng… với các mốc thời gian nhất định.

Từ khóa nhận biết dạng biểu đồ này thường là các từ gợi mở như tăng trưởng, biến động, phát triển, tốc độ tăng trưởng (%), tốc độ phát triển (%) và có kèm theo một chuỗi thời gian qua các năm, thường là trên 4 năm.

Biểu đồ cột có chức năng thể hiện được động thái phát triển, so sánh tương quan về độ lớn giữa các đại lượng hoặc thể hiện một thành phần cơ cấu trong một tổng thể: hơn, kém; nhiều, ít; so sánh các yếu tố và tình hình phát triển để thể hiện quy mô, độ lớn, khối lượng, số lượng và sản lượng, giá trị, tình hình phát triển….

Với dạng biểu đồ này cần chú ý đến mốc thời gian thường trên 4 năm với cột đơn và dưới 3 năm với cột ghép, 1 năm cho các đối tượng nhóm sản phẩm, tỉnh/thành, các vùng kinh tế….

Đơn vị sử dụng cho dạng biểu đồ này thường có dấu gạch chéo (/), ví dụ như người/km, USD/người, kg/người, lượng mưa/năm….

Trường hợp câu hỏi yêu cầu xác định bảng số liệu cần có từ 3 đơn vị năm trở lên, biểu đồ miền sẽ được sử dụng để thể hiện cơ cấu, tỷ lệ hoặc tỷ lệ xuất nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu hoặc tỷ lệ sinh tử.

Dấu hiệu nhận biết biểu đồ miền là khung biểu đồ được vẽ theo giá trị tương đối thường là một hình chữ nhật, trong đó được chia làm các miền khác nhau, chồng lên nhau. Mỗi miền thể hiện một đối tượng địa lí cụ thể.

Biểu đồ kết hợp (cột đơn - đường, cột ghép - đường, cột chéo - đường) được sử dụng khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ.

Từ khóa nhận biết sử dụng biểu đồ kết hợp như quy mô, cơ cấu và sự biến đổi; quy mô và sự phát triển; quy mô, cơ cấu và tình hình phát triển.

Cô Lộc cho biết, đối với các câu hỏi nhận dạng và lựa chọn biểu đồ thích hợp, cần chú ý đến số liệu phải được đổi sang giá trị tương đối. Bước này tuy rất đơn giản nhưng lại dễ gây nhầm lẫn và mất điểm cho thí sinh. Do đó, cần phải tính toán và kiểm tra thật kỹ lưỡng khi lựa chọn đáp án cuối cùng.

Ngược lại, đối với câu hỏi phân tích bảng số liệu phải dựa vào số liệu tuyệt đối. Thí sinh cần chú ý đến các mốc đột biến như tăng vượt bậc hay giảm mạnh để đối chiếu với những nhận định, nhận xét trong đáp án.

Lưu ý quan trọng khi làm bài thi trực tiếp

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là các sĩ tử sẽ chính thức bước vào kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024. Hiện nay, tại các trường trung học phổ thông trên cả nước đang tích cực kết hợp ôn luyện cho học sinh để có đủ thời gian trang bị kiến thức giúp các em chinh phục kỳ thi một cách tốt nhất.

Cô Hà Thị Diễm Lộc cho hay, nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp môn Địa lí từ đầu học kì 2. Đối với những học sinh có sức học yếu, nhà trường cũng có các lớp phụ đạo riêng cho nhóm học sinh này với phương châm “cầm tay chỉ việc" giúp các em nắm vững kiến thức và kỹ năng hơn.

Thí sinh cần phân biệt Atlat Địa lí Việt Nam được phép sử dụng trong phòng thi là Atlat biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Để buổi thi diễn ra trọn vẹn, theo cô Lộc, thí sinh cần nắm rõ và thực hiện theo đúng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Theo đó trong năm nay, thí sinh chỉ được mang theo Atlat Địa lí Việt Nam biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và sử dụng trong phòng thi (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Đối với Atlat Địa lí Việt Nam biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện chưa được áp dụng sử dụng trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay nên tuyệt đối sẽ không được mang và sử dụng trong phòng thi.

Do đó, lưu ý đến các thí sinh cần kiểm tra thật kĩ về phiên bản tài liệu được phép sử dụng để tránh xảy ra những trường hợp mang lẫn, mang nhầm.

Cùng quan điểm trên, cô Hà Diệu Hương có chia sẻ thêm về lưu ý và kỹ năng khi thí sinh làm bài thi trực tiếp. Theo đó cô khuyên, vì đề thi môn Địa lí được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nên khi làm bài, thí sinh nên làm từ trên xuống dưới, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đối với những câu chưa làm được thì nên đánh dấu, ghi nhớ lại làm sau để tránh bị sót, bị quên.

Các câu hỏi lí thuyết nên đọc kĩ đề bài, xác định đúng từ khóa và tìm câu trả lời đúng. Lưu ý những phương án có chứa các cụm từ “hoàn toàn, toàn bộ, tất cả, đồng đều, chỉ có…” thường là phương án đánh lừa và không chính xác.

Với những câu hỏi vận dụng cao, phương án thường có nhiều vế, do đó chỉ cần xác định được một vế bị sai thì toàn bộ phương án đó sai và loại trừ.

Với những câu hỏi áp dụng kỹ năng khai thác Atlat Địa lí Việt Nam, thí sinh cần chú ý xác định đúng đối tượng và trang Atlat cần sử dụng, đọc kĩ bảng chú giải và tìm kí hiệu tương ứng với đối tượng.

Khi sử dụng Atlat cần nắm vững cấu trúc và các trang, biết cách xác định phương hướng, khoanh vùng các đối tượng trong một trang bản đồ để tìm kiếm nhanh, tiết kiệm thời gian. Tìm và đọc chú giải các đối tượng địa lí trên bản đồ ở từng trang, trường hợp không tìm thấy kí hiệu ở bảng chú giải thì hãy tìm ở trang Kí hiệu chung (trang 3).

Đặc biệt, thí sinh cần chú ý phân chia thời gian hợp lý cho từng phần, kiểm tra và rà soát thật kỹ trước khi nộp bài thi để tránh những thiếu sót.

Đánh giá về đề thi tham khảo môn Địa lí năm nay, thầy Nguyễn Mạnh Hà - giáo viên bộ môn Địa lí trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận định đề thi năm nay không có quá nhiều thay đổi so với đề tham khảo của các năm trước.

Về bố cục câu hỏi, thầy Hà nhận xét đề có sự phân hóa tốt, các câu hỏi được phân hóa từ mức độ nhận biết thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao.

Theo đó, với câu hỏi ở dạng thông hiểu, nội dung sẽ liên quan đến những kiến thức Địa lí mà học sinh đã được học trong chương trình lớp 11,lớp 12 bao gồm Kiến thức tự nhiên; Dân cư; Các ngành kinh tế, Vùng kinh tế.

Ở phần vận dụng cao, nội dung câu hỏi liên quan đến kỹ năng thực hành trên Atlat và bảng biểu, xử lý số liệu cho sẵn.

Theo thầy, đây chính là phần để phân loại thí sinh giỏi đạt điểm 9, điểm 10.

Cùng nhận xét về đề thi tham khảo môn Địa lí năm 2024, cô Hà Thị Diễm Lộc nhận định, với mức độ phân hóa của đề thi, điểm số thí sinh có thể đạt được nhiều nhất là 6-6,5.

“Thí sinh có thể dễ lấy điểm ở các câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu. Để đạt được điểm 10, thí sinh cần lưu ý dạng câu nhận dạng biểu đồ thích hợp với bảng số liệu, xác định nội dung thể hiện của biểu đồ. 2 dạng câu này được đánh giá khá mới mẻ trong đề thi chính thức năm 2023”, cô Lộc cho biết.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-mach-thi-sinh-cach-khai-thac-atlat-ve-dang-bieu-do-khi-lam-bai-thi-dia-ly-post242183.gd