Gương sáng người chiến sĩ can trường

Cuối năm 2014, Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 1, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức gặp mặt truyền thống.

Tại cuộc gặp, nhiều cựu chiến binh rất ngạc nhiên khi thấy ông Phạm Văn Đắc vẫn còn sống. “Dính” 4 viên đạn AR15 của kẻ thù, bị bắt và bị tra tấn dã man nên đồng đội cứ nghĩ Trung đội phó Phạm Văn Đắc đã hy sinh.

Mới đây, gặp lại cựu chiến binh Phạm Văn Đắc (78 tuổi), quê ở thôn Ngọc Tiến, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi được nghe ông kể về những trận chiến ác liệt năm xưa. Ngày 17-11-1965, trong lúc cùng đồng đội thọc sâu đánh chiếm trận địa của địch ở thung lũng Ia Đrăng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), Phạm Văn Đắc, Trung đội phó Trung đội 3, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 1) trúng bom napan của địch làm cháy cả lưng. Đau đớn, lăn lộn với lửa nhưng Đắc vẫn cố gắng cởi quần áo ra khỏi thân người. Giữa trận địa khói lửa mù mịt, thấy có chiếc chăn dù hoa của lính Mỹ, Đắc vội khoác lên người để ngụy trang, che chắn đất bụi, đồng thời vớ lấy quả lựu đạn gài thắt lưng, nằm ẩn mình bên bụi cây.

Cựu chiến binh Phạm Văn Đắc.

Cựu chiến binh Phạm Văn Đắc.

Cựu chiến binh Phạm Văn Đắc thuật lại: "Một tên lính phát hiện tôi nằm sấp bất động và đưa tay kiểm tra. Thấy tôi còn sống, mấy tên lính Mỹ xúm lại giương súng và kéo tôi đứng dậy. Lúc đó, tôi định sử dụng lựu đạn để diệt địch, nhưng lại nghĩ, cho nổ lựu đạn bây giờ thì chỉ giết được một tên, nên tôi giấu đi, nén đau đớn chờ cơ hội. Sau đó, chúng đưa tôi đến bãi trống-nơi có chiếc trực thăng chờ sẵn”.

Bị áp giải đến sát chiếc trực thăng, tên lính Mỹ yêu cầu ông Đắc đưa tay để kéo ông lên. Lúc đó ông định sử dụng quả lựu đạn để tiêu diệt địch nhưng lại thấy hai chiến sĩ Quân giải phóng cũng bị chúng bắt đang đứng trong đó nên ông chưa thể hành động. Khi trực thăng chuẩn bị cất cánh, thấy hai chiến sĩ của ta đứng gần cửa máy bay, Phạm Văn Đắc đã nhanh chóng chớp cơ hội dùng hết sức lực đẩy hai chiến sĩ ra khỏi máy bay rồi rút lựu đạn ném vào bên trong. Một tiếng nổ rất đanh, máy bay bốc cháy, toàn bộ lính Mỹ bị tiêu diệt.

Sau trận đánh, đồng chí Lã Ngọc Châu, Chính ủy Trung đoàn 66 chỉ huy bộ đội đi kiểm tra, thấy Phạm Văn Đắc nằm bất động và đưa về Viện 2 (Gia Lai) cứu chữa. Ngày 10-3-1966, Phạm Văn Đắc ra viện, về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu. Ngày 11-8-1966, trong một trận đánh quyết liệt tại Chư Prông 2 (Gia Lai), Đắc bị địch dùng súng AR15 bắn xuyên hai cánh tay, một viên vào bụng và một viên sát cột sống, rồi lại rơi vào tay địch nên đồng đội nghĩ Đắc đã hy sinh.

Thế nhưng bắt được một chỉ huy của Quân giải phóng, địch không dễ bỏ qua, chúng đưa anh vào bệnh viện cứu chữa. Sau nhiều lần phẫu thuật, sức khỏe Đắc dần hồi phục, chúng tra tấn anh để lấy thông tin nhưng Đắc không khai một lời. Biết không thể khai thác, địch đưa Đắc ra Nhà tù Phú Quốc giam giữ. Ngày 10-3-1973, Phạm Văn Đắc được trao trả tù binh và ra an dưỡng ở Tuyên Quang. Năm 1975, ông trở về quê hương với nhiều thương tích trên thân thể.

Trao đổi với Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 1, chúng tôi được biết Phạm Văn Đắc không chỉ dũng cảm trong các trận chiến đấu ác liệt kể trên mà còn mưu trí, gan dạ trong nhiều lần đối mặt với kẻ thù. Cựu chiến binh Sư đoàn 1 mong muốn các cấp có thẩm quyền làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với ông Phạm Văn Đắc.

Bài và ảnh: CHÍ PHAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/guong-sang-nguoi-chien-si-can-truong-719367