Gửi tiết kiệm Apple hay đầu tư chứng khoán

Với lãi suất lên đến 4,15%/năm, tài khoản tiết kiệm của Apple đang là một trong những dịch vụ có lãi suất hấp dẫn nhất nước Mỹ.

Theo trang tin Bloomberg, ngày 17/4 vừa qua, Apple sau khi kết hợp với Goldman Sachs đã chính thức cho ra mắt tài khoản tiết kiệm Apple Card với lãi suất hàng năm 4,15%.

Theo tuyên bố của hãng, tài khoản này không yêu cầu người dùng phải duy trì số dư tối thiểu hay đặt cọc, thậm chí người dùng còn có thể thiết lập tài khoản ngay trên ứng dụng Wallet của iPhone. Tuy nhiên, người dùng vẫn cần phải có thẻ Apple Card để mở được tài khoản.

 Với lãi suất 4,15%/năm, dịch vụ tiết kiệm của Apple đang là một trong số các dịch vụ có lãi suất cao nhất. Ảnh: CNBC.

Với lãi suất 4,15%/năm, dịch vụ tiết kiệm của Apple đang là một trong số các dịch vụ có lãi suất cao nhất. Ảnh: CNBC.

Trên thực tế, điều đáng chú ý là mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn mà Apple mang đến cho người dùng. Rất ít ngân hàng tại Mỹ có thể đưa ra mức lãi suất cao hơn mà đi kèm với nhiều ưu đãi như vậy.

Ví dụ ngân hàng CTI Banks đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 4,75%/năm, cao hơn so với Apple nhưng lại yêu cầu khách hàng duy trì tối thiểu 5.000 USD trong tài khoản. Ngân hàng Marcus của Goldman Sachs dù không yêu cầu số dư tối thiểu hay phí hàng tháng nhưng chỉ có lãi suất 3,9%/năm.

Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi rằng liệu có nên tiếp tục mạo hiểm trên thị trường chứng khoán khi lợi suất của các sản phẩm tiết kiệm lại cao như vậy?

Chi phí cơ hội lớn

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường dễ bị thu hút bởi các sản phẩm tiết kiệm lãi suất cao. Tuy nhiên, họ phải hiểu rằng mức lợi tức 4,15%/năm này vẫn thấp hơn nhiều so với lạm phát thực tế tại Mỹ - vốn đã tăng 5% so với tháng 3/2022.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên suy nghĩ về sức mua khi đầu tư thay vì gửi tiết kiệm. Theo ông Jarrod Sandra - nhà sáng lập Chisholm Wealth Management (Texas) - đương nhiên tổng số dư tài khoản tiết kiệm của bạn vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ đó khó mà theo kịp mức tăng giá của hàng hóa hàng ngày.

Còn theo bà Karen Ogden - người đứng đầu Envest Asset Management - đầu tư chứng khoán vẫn là một trong những cách tốt nhất để chống lại lạm phát dài hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đặt mục tiêu trong thời gian dài và nắm chắc khả năng chịu rủi ro.

Trong khi đó, ông Mike Hunsberger - chủ sở hữu công ty lên kế hoạch tài chính Next Mission - thì cho biết đối với những người không dùng nhiều đến tiền trong vòng 5 năm tới, đầu tư cổ phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu nhất.

Dù vậy, các chuyên gia cũng hiểu rằng tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trong ngắn hạn không phải là không có cơ sở. Các quỹ phòng hộ gần đây đã dự đoán thị trường sẽ giảm và lượng lớn tiền mặt đang chảy ra khỏi các quỹ trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, các khảo sát từ Bloomberg cho thấy những người gửi tiết kiệm vào tài khoản lãi suất cao thường không nhận ra rằng những khoản lợi tức này cũng phải chịu thuế, kể cả khi không rút tiền.

"Trái ngược với việc đầu tư trái phiếu chính phủ - loại tài sản yêu cầu gửi tiền lâu hơn và lãi suất cao hơn - việc nhận lãi từ ngân hàng sẽ yêu cầu bạn trả thuế hàng năm và khiến mức lợi tức bị giảm", ông Elliot Pepper - Giám đốc thuế tại Northbrook Financial cho biết.

Đương nhiên là các khoản đầu tư - bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu - cũng bị đánh thuế nhưng chỉ cần trả một lần khi bán chứ không phải hàng năm.

 Người dùng phải có Apple Card mới có thể mở được tài khoản. Ảnh: Apple.

Người dùng phải có Apple Card mới có thể mở được tài khoản. Ảnh: Apple.

Rủi ro bảo mật cao

Tương tự những khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của SVB vào tháng trước, việc gửi tiền vào các tổ chức có bảo hiểm là rất quan trọng.

Theo ông Noah Damsky - Giám đốc tại Marina Wealth Advisors - Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) hiện chỉ chi trả bảo hiểm cho những khoản gửi dưới 250.000 USD. Vì vậy, bạn cần nhớ chia nhỏ các khoản tiền của mình ra trước khi gửi.

"Nếu tài khoản của bạn chạm đến mức 250.000 USD, hãy đầu tư vào trái phiếu kho bạc hoặc chia nhỏ chúng ra để gửi vào ngân hàng khác", ông Damsky cho biết.

Đặc biệt, đối với sản phẩm tiền gửi của Apple, ông cảnh báo khách hàng nên cẩn thận với những rủi ro về bảo mật vì có quá nhiều thông tin tài chính cá nhân cần chia sẻ với công ty.

"Khi sử dụng sản phẩm này, việc mất điện thoại hoặc ID Apple sẽ khiến bạn đau đầu hơn bao giờ hết khi chính chiếc iPhone ấy có thể trở thành một ngân hàng di động", ông Damsky nhấn mạnh.

Ngoài ra, một vấn đề khác là bạn cần phải có thẻ Apple để lập tài khoản tiết kiệm, và việc làm thẻ đôi khi có thể khiến chúng ta tiêu nhiều hơn dự kiến.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gui-tiet-kiem-apple-hay-dau-tu-chung-khoan-post1423375.html