GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Hành trình tìm kiếm đỉnh cao khoa học nhiều gian nan

Trải qua quá trình tuyển chọn, xem xét toàn diện, hội đồng khoa học cấp Nhà nước tìm ra các ứng viên sáng giá cho Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Ngày 17/9 tới, tại Nhà hát lớn sẽ diễn ra lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V.Đây chính là những giải thưởng danh giá đối với các nhà khoa học, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/9 tới. Ảnh minh họa

Nhân dịp này, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã giành cho phóng viên VietQ.vn.

Theo ông, những công trình được xét chọn trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN có xứng đáng là diện mạo của nền khoa học nước nhà trên trường quốc tế ?

GS.TSKH.Vũ Minh Giang: Khi xây dựng Giải thưởng HCM và Giải thưởng NN về KH&CN, chúng ta đã nghĩ tới uy tín quốc tế của những giải thưởng này.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó cần một quá trình phấn đấu vì khoa học Việt Nam so với trình độ quốc tế vẫn còn khoảng cách.

Chính vì vậy, trong xét tuyển lần này, ảnh hưởng quốc tế, uy tín quốc tế của các công trình được đặc biệt quan tâm. Với những công trình đã được Hội đồng NN đề nghị tôi tin đều là những công trình đỉnh cao, xứng đáng là diện mạo của khoa học Việt Nam trong thời gian qua. Những công trình này đã có ảnh hưởng tích cực trên trường quốc tế

Có thể nhắc đến cụm công trình do Giáo sư Ngô Việt Trung đại diện. Những kết quả của cụm công trình này đã được công bố trong hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Công trình về y học do Giáo sư Phạm Minh Thông chủ trì về công nghệ điều trị nội mạch và công trình về ứng dụng ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư do Giáo sư Mai Trọng Khoa chủ trì đều đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất của thế giới hiện nay.

Trong lĩnh vực KHXH&NV, công trình của Giáo sư Phan Huy Lê đã từng được giới khoa học quốc tế viết bài đánh giá cao. Qua đó, có thể khẳng định những công trình được xét chọn xứng đáng là diện mạo của khoa học nước nhà trên trường quốc tế.

Cũng phải nói thêm rằng, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được tổ chức xét tặng 5 năm 1 lần nhưng điều kiện về thời gian công bố công trình cách thời điểm xét ít nhất là 36 tháng, do đó các công trình được xét chọn có thể được coi là diện mạo khoa học Việt Nam trong nhiều năm chứ không chỉ giới hạn trong 5 năm.

Giáo sư có thể cho biết những tiêu chí quan trọng để một công trình/cụm trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN?

GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Các công trình được đề nghị xét giải thưởng HCM và Giải thưởng NN cần đạt được 3 tiêu chí sau: Đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh: Phải là một công trình KH&CN đặc biệt xuất sắc; Về giá trị khoa học: phải có một giá trị KH đặc biệt, thể hiện diện mạo KH của đất nước trong 1 thời kỳ; Phải có những đóng góp đặc biệt lớn với đất nước, với sự nghiệp cách mạng và có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Đối với Giải thưởng NN: Cũng dựa trên ba tiêu chí ấy nhưng chỉ cần đạt ở mức độ rất xuất sắc, có giá trị khoa học rất cao và có đóng góp rất lớn.

Các giá trị này được cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể. Chú ý tới giá trị tiêu biểu đối với Việt Nam trong một thời kỳ (cụ thể là 5 năm một lần).

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN

Ông có nhận xét gì về đóng góp và hiệu quả của các công trình thuộc lĩnh Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước? Thời gian gần đây, nghiên cứu về Khoa học Xã hội và Nhân văn có được Nhà nước quan tâm đầu tư?

GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Đóng góp của KHXH&NV đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước khó có thể nhìn thấy trực tiếp nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi tác động của các kết quả nghiên cứu này liên quan tới đường lối chính sách và con người. Do đó, cần có thời gian và cần đánh giá thông qua rất nhiều mặt khác của đời sống.

Có thể lấy 1 ví dụ là chúng ta nói nhiều tới thành tựu là Việt Nam trở thành nước dẫn đầu về xuất khẩu lương thực nhưng đó không chỉ là kết quả của lĩnh vực nông nghiệp, cây trồng mà chủ yếu lại là sự đổi mới về cơ chế, là kết quả của KHXH&NV.

Hay những lĩnh vực về ngôn ngữ học sẽ có tác động rất lớn đến tiếng nói của cả dân tộc nhưng không dễ để nhìn thấy đó là tác động của ngôn ngữ học.

Đóng góp của KHXH&NV có thể nói rất nhiều và những đóng góp đó cũng phải nói đến sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn lĩnh vực KHXH&NV có hẳn một chương trình trọng điểm cấp Nhà nước Mã số KX.04 và những chương trình trọng điểm khác khoa học xã hội cũng đóng vai trò quan trọng như chương trình về Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Đặc biệt, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ KH&CN đã thành lập một đề án cấp Nhà nước “Nghiên cứu và Biên soạn bộ lịch sử Việt Nam” mà trong giới sử học thường gọi là bộ Quốc sử.

Đề án huy đã huy động tới trên 250 nhà sử học trên cả nước và một số nhà sử học nước ngoài tham gia. Giới khoa học đánh giá đây là sự quan tâm hết sức đặc biệt của các cấp lãnh đạo đối với lĩnh vực KHXH&NV.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gstskh-vu-minh-giang-hanh-trinh-tim-kiem-dinh-cao-khoa-hoc-nhieu-gian-nan-d101694.html