Góp ý… xách mé

Anh thầy võ Đoàn Bảo Châu vừa đăng trên trang Facebook cá nhân cái gọi là ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nội dung quy chụp, chủ quan, xách mé, bôi nhọ chính quyền, hoàn toàn không có tinh thần xây dựng. Theo cách nói của giới võ sỹ Quyền Anh thì đây là đòn đánh dưới thắt lưng, lối chơi xấu của phường hạ lưu…

Bài viết của Đoàn Bảo Châu được chantroimoimedia đăng tải lại.

Cái tên Đoàn Bảo Châu mới xuất hiện, được mọi người chú ý từ sự kiện anh thầy võ này thách đấu và bị võ sư Francois Flores phái Vịnh Xuân Nam Anh tại Canada hạ knock-out trong trận đấu chóng vánh chưa đầy bốn phút giữa năm 2017. Chẳng hiểu có phải do đòn đánh trực diện của ông võ sư Canada quá mạnh hay muốn lãng quên nhanh “chiến tích” chẳng mấy vẻ vang này mà mấy năm gần đây, Đoàn Bảo Châu như “ăn phải bả” của đám dân chủ cực đoan, thường xuyên có những phát ngôn hằn học, nặng mùi chống phá chính quyền trên trang facebook cá nhân. Mới đây, nhân Quốc hội tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), anh thầy võ đã viết trên Facebook nội dung: “Các vị lấy ý kiến nhân dân, tôi là dân nên có ý kiến sau:

Điều “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu” là một điều luật mơ hồ và vô nghĩa. Không có một thứ đất đai nào thuộc sở hữu toàn dân. Nói vậy thì tôi, một cá nhân có thể đi vào một mảnh đất nào đấy và nói tôi cũng là chủ sở hữu, như vậy tôi có quyền ngồi ở đấy bao lâu tùy ý?”; Đoàn Bảo Châu ngụy biện: “Đã có nhiều người phải vào tù vì đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Đây là một việc vô cùng đau lòng, vô cùng cay đắng nhưng các vị không thực tâm nhìn ra vấn đề để thay đổi, đa phần đại biểu quốc hội chỉ đấu tranh hời hợt, vào làm đại biểu để chen vai trong đám người có quyền lực, không thực sự đại diện cho dân, lờ đi nỗi khổ của dân…”;… Rất nhanh, bài viết đã được mấy trang phản động có tiếng ở hải ngoại đăng tải lại với những lời bình luận xuyên tạc, bôi nhọ nhà nước Việt Nam.

Thế này anh thầy võ ạ, biết mình tài hèn sức mọn mà vẫn cao giọng thách đấu với người ta thì hậu quả cùng lắm cũng chỉ sưng mồm, gẫy răng, nằm viện ít ngày là lại có thể ngồi cào phím ba hoa một tấc đến trời, thiên hạ có cười thì cũng chỉ mấy bữa là lãng quên, ai hơi đâu cười mãi tay võ sư, võ sĩ nửa mùa đã phải nhận đòn đau. Nhưng đã gọi là đóng góp ý kiến, bàn luận, phản biện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thì yếu tố quan trọng đầu tiên phải là cái tâm, hay nói cụ thể hơn là tinh thần xây dựng, chứ không phải thái độ xách mé, mượn chuyện góp ý để chống phá. Cùng với đó, muốn bàn luận, phản biện thì ít nhiều phải có kiến thức, hiểu biết về vấn đề, lĩnh vực đề cập đến, chứ không thể nói bừa, nói ẩu làm trò cười cho thiên hạ như những câu anh thầy võ viết ra.

Thực tế khách quan nhiều năm nay đã chứng minh quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là cần thiết và quan trọng nhằm duy trì ổn định chính trị - xã hội của đất nước, bảo đảm sinh kế cho người nông dân. Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều 54 quy định: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”…Theo Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất đều là các hoạt động trao quyền sử dụng đất từ Nhà nước cho người sử dụng hoặc cho phép người sử dụng đất chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo cho đất đai được phân phối và phân phối lại cho các đối tượng sử dụng được sử dụng hợp pháp, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, thúc đẩy nền kinh tế phát triển; đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng sử dụng đất cả trong nước và nước ngoài. Có thể thấy, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là một trong những chế định quan trọng nhất; thể hiện tính đặc thù của pháp luật đất đai Việt Nam. Chế định này ra đời trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai...

Quy định pháp luật đã rất rõ ràng, cụ thể, không hiểu sao anh thầy võ bị thiểu năng thật hay cố tình hiểu ngây ngô thành “một cá nhân có thể đi vào một mảnh đất nào đấy và nói tôi cũng là chủ sở hữu, như vậy tôi có quyền ngồi ở đấy bao lâu tùy ý…”.

Tất nhiên, văn bản luật nào cũng có khoảng cách so với thực tế khách quan vận động hàng ngày hàng giờ, và theo thời gian, khoảng cách này sẽ càng lớn, kéo theo những bất cập phát sinh. Luật Đất đai cũng vậy, thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để. Chính vì thế Quốc hội mới xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể để bộ luật có chất lượng, hiệu quả cao nhất. Đóng góp ý kiến vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi công dân. Tuy nhiên, đó phải là những ý kiến mang tinh thần xây dựng, trách nhiệm với cộng đồng chứ không phải những câu chữ ngô nghê, xách mé như anh thầy võ cuồng ngôn…

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/gop--xach-me/190324.htm