Góp vốn mua nhà đất thông qua vi bằng và cổ phần, nhiều người mất trắng

Gần đây không ít người vì chủ quan đã trở thành nạn nhân khi mua bất động sản thông qua hình thức lập vi bằng tại văn phòng thừa phát lại. Tương tự, nhiều người mất trắng tài sản khi góp vốn thông qua chứng nhận cổ phần mà chưa tìm hiểu kỹ về rủi ro pháp lý.

Gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, gia đình chị Lưu Thị Hiền chắt bóp mua được căn hộ bình dân ở khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Đầu năm nay, được một số bạn bè giới thiệu, chị cắm sổ đỏ vay ngân hàng và dự định góp vốn mua chung lô đất ở huyện Chương Mỹ theo một số nhà đầu tư mới nổi.

"Ở Chương Mỹ là hợp đồng hợp tác đầu tư, sổ đỏ chung nên ký vi bằng, giá hơn 5 triệu/m2, sau khi làm cảnh quan và đường xá thì giá khoảng 7-8 triệu/m2, dự kiến bán ra là 15 triệu/m2. Giờ chủ yếu là góp vốn đầu tư chứ không có sổ nhỏ để đứng tên. Vì bây giờ Hà Nội không cho sang tên với tách thửa nên toàn sổ to, chủ yếu dưới dạng góp vốn đầu tư", chị Hiền cho biết.

Lô đất ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đường vào nham nhở, bên cạnh có mồ mả chưa di dời và miếu thờ, được giới thiệu là lô đất tiềm năng, sau khi hoàn thiện mặt bằng sẽ có giá từ 15-17 triệu đồng/m2.

Ban đầu, chị Hiền định xuống tiền ngay nhưng thấy lăn tăn nên kịp dừng lại. Bởi khác với những gì được giới thiệu, lô đất ở khá xa, đường xá nham nhở, bên cạnh có mồ mả chưa di dời, và quan trọng nhất là chị cảm thấy việc mua bán thông qua vi bằng không có gì chắc chắn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn dừng lại đúng lúc như chị Hiền. Đã có không ít người mua nhà đất nhầm tưởng vi bằng do Văn phòng thừa phát lại lập như là một giao dịch mua bán hợp pháp, dẫn đến mất trắng khi xảy ra tranh chấp.

Theo ghi nhận của phóng viên, gần đây trên thị trường xuất hiện những chiêu trò mới, đó là góp vốn thông qua việc cấp giấy chứng nhận cổ phần. Trong vai một nhà đầu tư mong muốn tham gia góp vốn mua chung lô đất ở Đồng Lư, huyện Quốc Oai, phóng viên nhận được lời mời chào và cam kết vô cùng hấp dẫn từ nhà đầu tư Nguyễn Chung: "Bên em có hợp tác với cá nhân, thứ nhất từ 50 triệu đến 300 triệu sẽ đối ứng bằng cổ phần của tập đoàn Đại Minh, ghi giấy chứng nhận. Hợp đồng cam kết lãi suất theo 3 kỳ hạn, 6 tháng lãi suất 25%/năm; 12 tháng lãi suất 30%/năm và 18 tháng lãi suất 36%/năm. Thứ hai sẽ có tài sản đối ứng để mọi người làm tin, từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng sẽ được đối ứng bằng yến hoặc gỗ; từ 1-3 tỷ sẽ được đối ứng bằng đất, sang tên một sổ đỏ có giá trị bằng 50-70% vốn góp".

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, người dân nên thận trọng với mức lãi suất “khủng” như vậy. Bởi nếu là hình thức góp vốn mua cổ phần sẽ không có chuyện chia ra 3 mức lợi nhuận như trên, đây là hình thức vay “nóng” trá hình, người dân nên cảnh giác kẻo tiền mất tật mang.

"Giao dịch bằng cổ tức thì rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra, còn việc mình nhận sổ đỏ giá trị thấp hơn thì đương nhiên cũng là rủi ro rồi. Ở đây chia mức cổ tức, lãi suất siêu lợi nhuận như vậy có khả thi không? Phần lớn không công ty nào chia được mức lợi nhuận đó, thực ra ở đây là hình thức vay nóng, làm sao đảm bảo được khoản tiền của mình có bị mất đi hay không", ông Thanh cho biết.

Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các hình thức góp vốn đối với bất động sản. Vì thế, các công ty thường lợi dụng hình thức góp vốn không hình thành pháp nhân mới để huy động vốn từ những người thiếu hiểu biết, thay cho hình thức mua bất động sản hình thành trong tương lai với nhiều điều kiện khắt khe.

"Hình thức góp vốn chứng nhận đã góp vốn cho công ty, thực sự cái chứng nhận ấy không phù hợp với pháp luật, ít nhất nó phải là một cái hợp đồng góp vốn nói rõ cụ thể góp vốn để làm gì, cách kiểm soát lợi nhuận, ăn chia lợi nhuận, phải được ghi rõ trên hợp đồng", Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Giáo sư Đặng Hùng Võ lưu ý thêm, khi sửa Luật Nhà ở 2014 cần lưu ý quy định cụ thể các hình thức góp vốn và các điều kiện được phép huy động vốn, tránh tình trạng lách luật gây thiệt hại cho người góp vốn.

Ngoài ra, Văn phòng thừa phát lại chỉ là đơn vị dân sự, không phải cơ quan nhà nước, việc lập vi bằng chỉ là sự ghi nhận mối quan hệ dân sự đã được cam kết giữa 2 bên, họ không có trách nhiệm đảm bảo và xử lý những xung đột về lợi ích khi phát sinh mâu thuẫn.

Vì thế, người dân không nên thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thông qua vi bằng, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra./.

Hoàng Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/gop-von-mua-nha-dat-thong-qua-vi-bang-va-co-phan-nhieu-nguoi-mat-trang-post966119.vov