Góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Linh

Thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), Dự án 8 về 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Linh triển khai thực hiện từ năm 2021. Qua gần 2 năm triển khai, dự án đã mang lại những tín hiệu tích cực, từng bước giải quyết cơ bản những vấn đề bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh- Ảnh: M.H

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Để thuận lợi trong triển khai thực hiện dự án, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch, rà soát, lựa chọn cơ sở để triển khai. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân đối với chính sách bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở hội thành lập và vận hành có hiệu quả các mô hình thuộc dự án như: “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; “Tổ truyền thông cộng đồng”, Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đến nay, tại 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà đã thành lập được 10 tổ truyền thông cộng đồng; 10 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 3 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học”.

Trong đó, đối với mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gồm 30 thành viên là các em học sinh có độ tuổi từ 11 -16 tuổi. Các thành viên CLB sẽ là hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành, địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” do UBND xã ban hành quyết định thành lập mô hình và ban điều hành. Mỗi địa chỉ có 15- 28 thành viên, tổ chức các hoạt động: hỗ trợ người bị bạo lực thông qua cung cấp chỗ tạm lánh, sơ cứu, ổn định tâm lý người bị bạo lực cũng như có nhiệm vụ hỗ trợ, kết nối người bị bạo lực tới các dịch vụ an sinh xã hội khác tại địa phương.

Đối với mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” được thành lập tại các thôn, bản, khu dân cư có từ 7-10 thành viên.

Tùy theo địa bàn, mỗi địa phương cơ cấu thành phần, số lượng khác nhau nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu.

Các mô hình, hoạt động của dự án đã được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; góp phần nâng cao quyền năng về mọi mặt cho phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tìm hiểu về việc triển khai Dự án 8 ở xã Vĩnh Khê, chị Hồ Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã bày tỏ với chúng tôi: “Hội LHPN xã Vĩnh Khê có 225 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội. Nếu như trước đây, phụ nữ trong các thôn, bản chỉ biết lên nương làm rẫy, thêu thùa may vá, mọi việc lớn nhỏ đều do người chồng quyết định thì bây giờ thông qua các buổi chia sẻ kiến thức, chị em đã nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền năng của bản thân nên đã mạnh dạn, cởi mở hơn để cùng chồng phát triển kinh tế gia đình cũng như tham gia các công việc xã hội. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra. Trước thực trạng này, Hội LHPN xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể để tuyên truyền, vận động các hộ gia đình này thay đổi tư duy, nhận thức, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, do tuyên truyền không thường xuyên nên thực trạng này vẫn còn tái diễn, mặc dù không nhiều. Khi Dự án 8 được triển khai thực hiện, từ sự chỉ đạo, quan tâm của Hội LHPN cấp trên, Hội LHPN xã đã thành lập được các “địa chỉ tin cậy”, “tổ truyền thông cộng đồng”. Các tổ này duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần nên công tác tuyên truyền trở nên hiệu quả hơn. Tại các buổi sinh hoạt, ngoài nội dung truyền thông tập trung về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kế hoạch hóa gia đình... các thành viên trong tổ đã lắng nghe những câu chuyện của các hộ gia đình, của chị em; chia sẻ, tư vấn giúp họ giải quyết được những trăn trở, lo lắng để có thêm sự tự tin, phát huy tốt vai trò của mình trong gia đình, cộng đồng”.

Chị Thoa cũng chia sẻ thêm, mới đây tổ truyền thông cộng đồng cũng đã tuyên truyền, vận động thành công 2 trường hợp ở thôn Mới không tổ chức hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn. Đó là trường hợp của em Hồ Văn S. (sinh năm 2007) và em Hồ Thị H. (sinh năm 2006). Qua quá trình tuyên truyền vận động, các gia đình hiểu rõ hệ lụy từ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn nên đã tự nguyện, cam kết làm theo.

Cũng từ công tác truyền thông mà nhiều chị em phụ nữ đã tự tin, vươn lên làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu có chị Hồ Thị Chiến, thôn Khe Cát với mô hình chăn nuôi lợn; chị Hồ Thị Ngoan, thôn Xung Phong mở rộng quy mô trồng rừng tràm trên 10 ha; Hồ Thị Tâm, thôn Xung Phong với mô hình trồng cao su. Đến cuối năm 2023, qua khảo sát, thu nhập bình quân của hội viên phụ nữ xã Vĩnh Khê đạt 42 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trong hội viên phụ nữ chỉ có 2 hộ, chiếm tỉ lệ 0,8%.

Không chỉ ở Vĩnh Khê, mà cả 2 địa phương còn lại là Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số phụ nữ đã tăng lên đáng kể. Những tư tưởng lạc hậu, trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ từ bên ngoài hay phụ thuộc vào chồng, con đã giảm nhiều.

Chị em thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con để giảm áp lực trong nuôi dạy con cái. Đồng thời chủ động, mạnh dạn vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Qua rà soát sơ bộ cuối năm 2023, số hội viên phụ nữ là chủ hộ nghèo ở xã Vĩnh Ô còn 10 hộ giảm 10 hộ; Vĩnh Hà còn 8 hộ, giảm 4 hộ so với năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết thêm, trong thời gian tới, để tạo sức lan tỏa sâu rộng về chủ trương và mục tiêu mà Dự án 8 đặt ra, các cấp Hội LHPN huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong triển khai thực hiện Dự án 8; tăng cường công tác tập huấn, thông tin, truyền thông trong cộng đồng và củng cố, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình thuộc dự án.

Mỹ Hằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gop-phan-nang-cao-quyen-nang-cua-phu-nu-va-tre-em-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-vinh-linh/182388.htm