Gồng mình trước “áp lực” dịch tai xanh

(VOV) - Tuy chưa phát hiện có dịch nhưng trước nguy cơ lây lan từ các tỉnh, thành giáp ranh nên công tác phòng chống dịch tai xanh ở TP HCM đang trong thời điểm quyết liệt nhất.

Theo số liệu từ Cục Thú y, đến nay cả nước có tới 32 tỉnh, thành phố có dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày. Tại TP HCM, tuy chưa phát hiện có dịch, nhưng cũng đã phát hiện virus lợn tai xanh lưu hành với mật độ cao trong đàn lợn. Trong khi đó, hầu hết các tỉnh, thành giáp ranh đã công bố dịch. Cũng như bao nhiêu bà nội trợ khác, khi nghe tin dịch lợn tai xanh bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành, chị Nguyễn Minh Khánh ở quận 3 rất lo lắng. Ban đầu, gia đình chị cũng ngần ngại khi dùng thịt lợn nhưng nhờ có các thông tin kịp thời về tình hình kiểm soát dịch bệnh và việc đảm bảo sản phẩm an toàn của các cơ quan chức năng tại TP HCM nên đã yên tâm hơn. Chị Khánh cho biết đã chủ động chọn lại món thịt lợn cho bữa ăn gia đình, dĩ nhiên là chọn thịt đã qua kiểm dịch, nơi bán có uy tín. “Tôi nghĩ bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần có sự hợp tác trong việc chọn nguồn thịt hoặc khi phát hiện có dịch thì cũng nên có động thái tích cực hơn”, chị Khánh chia sẻ. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y TP HCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 850 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, phần lớn trong số đó là thịt lợn. Trong khi đó, đàn lợn của Thành phố chỉ mới đáp ứng hơn 20% nhu cầu tiêu thụ, vì vậy, một số lượng lớn lợn từ các tỉnh khác được vận chuyển vào Thành phố hàng ngày. Công tác kiểm tra, kiểm soát được duy trì liên tục và đồng bộ. Tại Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Thủ Đức– nơi kiểm dịch nguồn lợn từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai trung bình mỗi ngày có hơn 190 xe vận chuyển lợn qua chốt với hơn 8.300 con lợn. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là lợn từ tỉnh Đồng Nai với hơn 89 xe, vận chuyển gần 2.500 con. Công tác kiểm soát các nguồn lợn và phương tiện vận chuyển được triển khai nghiêm ngặt ở tất cả các khâu, quan trọng nhất là kiểm tra hồ sơ và kiểm dịch lâm sàng từng lô lợn. Điều đáng ghi nhận tại đây là sự phối hợp của Công an phường Linh Trung, đội Cảnh sát Giao thông Rạch Chiếc và trạm kiểm dịch trong thời gian qua khá hiệu quả, vì thế đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển thịt lợn né trạm, vượt chốt kiểm dịch. Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, Trạm vẫn thực hiện theo quy trình kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, trong đó chú trọng kiểm tra hồ sơ kiểm dịch lâm sàng lô lợn xem có biểu hiện dịch bệnh hay không. Các phương tiện phải đảm bảo không rơi vãi chất thải và đảm bảo tiêu chuẩn vận chuyển. Theo bà Tuyết, để ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn lợn Thành phố, công tác tiêu độc khử trùng được thực hiện nghiêm, đảm bảo 100% xe trước khi rời trạm. UBND phường Linh Trung cũng phối hợp xử lý nên công tác kiểm tra không gặp khó khăn. Hiện công an giao thông các tuyến đường đều có phối hợp với trạm kiểm dịch để xử lý nghiêm các trường hợp vượt chốt kiểm dịch. Cùng với việc lập 4 đội phản ứng nhanh, TP HCM còn huy động cả lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng thanh niên xung phong tăng cường kiểm soát tại các tuyến đường, bến xe, nơi cửa ngõ thành phố. Chi cục Thú y Thành phố cũng yêu cầu các địa phương giám sát chặt tình hình dịch tễ tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, các địa bàn chăn nuôi trọng điểm và các cơ sở giết mổ. Chi cục cũng ký kết văn bản thỏa thuận với ngành thú y các địa phương, thống nhất tiêu thụ lợn khỏe mạnh từ các trang trại chăn nuôi tập trung vận chuyển đến các cơ sở giết mổ được chỉ định. Đặc biệt, không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất tỉnh đối với đàn lợn thu gom từ nhiều nguồn, không đảm bảo an toàn dịch tễ tại các vựa trung chuyển. UBND Thành phố cũng quyết định ứng kinh phí 7 tỷ đồng để các quận, huyện có nguồn kinh phí chủ động và kịp thời trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, công tác kiểm tra giáp sát cũng gặp không ít khó khăn khi hàng ngày, các lò giết mổ hoạt động với công suất 8.000 con lợn. Vẫn còn không ít lượng lợn được nhập từ nhiều địa phương khác vào Thành phố, giết mổ trái phép nên rất khó kiểm tra nguồn gốc. Ngoài ra, nhiều chợ tự phát, chợ chiều vẫn còn tình trạng tiêu thụ lợn chưa qua kiểm tra nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho biết, dịch lợn tai xanh là một áp lực rất lớn do hàng tuần có từ 19 đến 22 tỉnh cung cấp nguồn thịt lợn cho Thành phố. Do đó, ngoài ý thức của người chăn nuôi, của người kinh doanh giết mổ thì người tiêu dùng cũng cần có sự hợp tác tích cực, có như vậy mới đẩy lùi được diễn biến phức tạp của dịch. Mặc dù còn những hạn chế nhưng công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh của TP HCM đang phát huy hiệu quả tốt nhờ vào công tác phòng chống dịch kịp thời và đồng bộ. Tuy nhiên, để kết quả này bền vững, người dân cần tuân thủ nghiêm những hướng dẫn về phòng chống dịch của ngành Thú y, lựa chọn sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm tra và thông báo kịp thời khi phát hiện nguồn dịch./. Bích Huyền

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/gong-minh-truoc-ap-luc-dich-tai-xanh/20109/155894.vov