Gốm Hương Canh: Bản sắc mới làm tăng thêm sự hấp dẫn của sản phẩm làng nghề

Cuối tháng 3 dệt nắng vàng, con sông Tranh chảy qua mảnh đất Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) xanh đến nao lòng, đẹp như màu men lam pha biếc trên đồ gốm Hương Canh nổi tiếng.

"Ai về mua vại Hương Canh, Ai lên mình gửi cho anh với nàng"

Khởi nguồn sự nghiệp

Ngay gần Thủ đô Hà Nội, có một làng nghề làm gốm tuổi đời ngót 300 năm, ở đó người dân ngày ngày vẫn đang giữ gìn văn hóa với cái nghề thủ công truyền thống của cha ông.

 Những sản phẩm gốm sành độc đáo, đa dạng tại Hương Canh. Ảnh: Hoàng Diệp

Những sản phẩm gốm sành độc đáo, đa dạng tại Hương Canh. Ảnh: Hoàng Diệp

Hương Canh hôm nay giống như nhiều làng quê Việt. Đó là sự đan xen của cuộc sống đô thị hiện đại với những dãy nhà cao tầng, chợ búa, hàng hóa, siêu thị,... cạnh bên những cây đa, giếng nước, sân đình đặc trưng của làng quê Việt xưa.

Rẽ vào con ngõ nơi có xưởng gốm Quang Đức, người ta lại càng thấy nét quê hiện ra rõ hơn. Gạch, ngói, bình, vại, thậm chí cả tiểu sành đồng hiện trên một bức tường rào.

Anh Nguyễn Hồng Quang là người nghệ nhân mặn mòi hơi thở đồng đất bởi ngấm nghề hơn 25 năm có lẻ. Anh luôn yêu thương nâng niu từng món đồ quê.

 Với anh Nguyễn Hồng Quang, mỗi sản phẩm đều phải đặt hết tâm huyết của mình vào đó. Ảnh: NVCC

Với anh Nguyễn Hồng Quang, mỗi sản phẩm đều phải đặt hết tâm huyết của mình vào đó. Ảnh: NVCC

Với mong muốn hiểu rõ hơn về gốm, anh Quang vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đưa những thứ học hỏi thu nhặt được từ sách vở vào lò gốm gia đình.

"Người ta không thể hiểu vì sao thời kỳ đầu tôi lại dám cầm sổ đỏ đi vay tiền về mua than, mua củi, nổi lửa lại lò gốm? Mẻ gốm này thất bại, thay vì bỏ cuộc, tôi lại vuốt, lại nặn, lại tỉa tót rồi lại đốt mẻ gốm khác. Dân làng ái ngại cho tôi, rằng những sản phẩm gốm chẳng giống ai, không thể ủ tương, muối dưa, đựng nước, hạ thổ rượu... rồi để làm gì. Đã thế, giá bán lại “trên trời”? Rồi tôi lại đổ bao nhiêu tiền để sáng tác, rồi tham gia các triển lãm", anh Quang bồi hồi nhớ lại một thời.

Thời điểm đó, cả làng chỉ còn 3 gia đình duy trì nghề gốm. Sau đó, một tổ chức phi chính phủ tìm đến với dự án khôi phục nghề truyền thống. Anh Quang được hỗ trợ đi hành trình xuyên Việt, qua nhiều làng nghề gốm khắp cả nước để hiểu đặc trưng của từng chất gốm. Bằng tình yêu, đam mê, nghệ nhân Hồng Quang đã đưa gốm Hương Canh lên một tầm cao mới.

 Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang và các sản phẩm được tham dự tại triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang và các sản phẩm được tham dự tại triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Ảnh: NVCC

Gốm Quang là xưởng gốm nổi tiếng nhất làng với đặc trưng thô, mộc với màu đất nung cháy. Đất, nước dưới bàn tay nhào trộn của người nghệ nhân, kết hợp với lửa tạo nên những món đồ có bề mặt độ bóng, sáng, giống như được phủ một lớp men, người trong nghề vẫn nói là “men trong đất”. Lớp men tự nhiên uyển chuyển, đậm nhạt độc đáo, độc bản trên mỗi sản phẩm.

 Tất cả những sản phẩm gốm sành đều được anh Quang vẽ bằng tay

Tất cả những sản phẩm gốm sành đều được anh Quang vẽ bằng tay

Người thợ gốm Hương Canh vẫn sử dụng kỹ thuật thủ công nặn vuốt gốm bằng tay trên bàn xoay cùng với những lò tự xây, nung theo kiểu truyền thống. Cũng chính vì vậy mà đã tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm của các lò gốm với độ nung khác nhau.

 Những nghệ nhân lão luyện vẫn miệt mài tình yêu gốm sành. Ảnh: Hoàng Diệp

Những nghệ nhân lão luyện vẫn miệt mài tình yêu gốm sành. Ảnh: Hoàng Diệp

Sản phẩm của các nghệ nhân trong quá trình chế tác cũng có thể được sáng tạo thay đổi một số họa tiết. Đây cũng là điểm tạo nên nét đặc trưng cho mỗi lò, thể hiện được phong cách khác nhau qua sự sáng tạo của các nghệ nhân.

“Nâng niu từng thớ đất, tỉ mỉ từng nét vẽ. Mỗi sản phẩm gốm được tạo ra không chỉ để mưu sinh mà còn có cả những câu chuyện bình dị của làng quê Việt Nam trong đó", anh Quang chia sẻ.

Phát triển hồn gốm Hương Canh

Xưởng gốm Quang Đức của gia đình anh Hồng Quang hiện nay đã ứng dụng một số công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất gốm như làm đất bằng máy, bàn vuốt chạy điện... Nhưng có một số khâu anh nhất định duy trì theo truyền thống. Việc đốt lò phức tạp, tùy từng thời điểm, lò phải đạt nhiệt độ khác nhau do vậy đích thân anh sẽ thức để canh lò.

 Những cỗ máy thay thế sức người đẩy mạnh quá trình sản xuất gốm Hương Canh. Ảnh: Hoàng Diệp

Những cỗ máy thay thế sức người đẩy mạnh quá trình sản xuất gốm Hương Canh. Ảnh: Hoàng Diệp

 Lò nung thủ công với than và củi. Ảnh: Hoàng Diệp

Lò nung thủ công với than và củi. Ảnh: Hoàng Diệp

Bên cạnh đó, anh còn mở lớp dạy thợ làm gốm tại xưởng, nhằm đào tạo những bạn trẻ có năng lực trong ngành gốm. Từ kiến thức và trải nghiệm có được, họ sẽ có cơ hội phát triển nghề truyền thống trong tương lai.

Anh Quang cho biết: “Với một người thợ chưa biết gì về nghề, cá nhân phải học nhanh nhất từ 3-6 tháng cho một công đoạn của sản phẩm gốm. Tôi sẽ truyền tải những gì tôi học được, chỉ mong thế hệ trẻ sau này nắm bắt tinh thần, hiểu được giá trị tinh hoa mà ông cha để lại”.

 Số lượng người trẻ theo học nghề làm gốm ngày càng đông. Ảnh: Hoàng Diệp

Số lượng người trẻ theo học nghề làm gốm ngày càng đông. Ảnh: Hoàng Diệp

Có thể nói, với bất kỳ một làng nghề, nghề truyền thống nào, dù có lúc thăng trầm nhưng luôn là nơi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Trong quá trình phát triển, cùng với việc lưu giữ, truyền nghề cho thế hệ sau, hoạt động của làng nghề cũng tạo ra nhiều bản sắc văn hóa mới.

 Tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật làm gốm đã phục dựng được văn hóa của một vùng quê. Ảnh: Hoàng Diệp

Tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật làm gốm đã phục dựng được văn hóa của một vùng quê. Ảnh: Hoàng Diệp

Dẫu còn đầy gian nan cho hành trình trở lại của làng nghề, song mạch nguồn gốm Hương Canh đang trở lại đanh, chắc và lại mang cả hơi thở đương đại. Và quan trọng nhất là làng gốm đã, đang và sẽ có những người giữ nghề bằng tình yêu, đam mê như anh Hồng Quang.

Hoàng Diệp

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gom-huong-canh-ban-sac-moi-lam-tang-them-su-hap-dan-cua-san-pham-lang-nghe-post240713.html