Gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga: EU lần đầu làm điều này với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể bỏ qua?

Trong gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga theo kế hoạch sẽ có hiệu lực vào ngày 24/2 - tròn hai năm Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU lần đầu tiên đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen như một phần trong nỗ lực làm suy yếu quân đội Nga. Bắc Kinh sẽ bỏ qua việc này?

Gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Moscow, EU lần đầu tiên đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen như một phần trong nỗ lực làm suy yếu quân đội Nga. (Nguồn: apa.az)

Như vậy, ba doanh nghiệp của Trung Quốc đại lục và một doanh nghiệp từ Hong Kong (Trung Quốc) sẽ chính thức bị ghi danh trong danh sách trừng phạt của EU, sau khi Hungary không thể sử dụng lý do về sự hiện diện của các công ty Trung Quốc để chặn gói trừng phạt mới này.

Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc trên sẽ bị cấm giao dịch và tham gia kinh doanh với các đối tác thuộc 27 quốc gia thành viên EU. Họ bị cáo buộc giúp người mua Nga tiếp cận hàng hóa có mục đích sử dụng kép quân sự và dân sự được sản xuất ở châu Âu, nhưng bị EU cấm xuất khẩu sang Nga. Các cá nhân và công ty này cũng đối mặt nguy cơ bị đóng băng tài sản.

Ba doanh nghiệp của Trung Quốc đại lục là Công ty TNHH Công nghệ Ausay Quảng Châu, Công ty TNHH Thương mại Biguang Thâm Quyến, Công ty TNHH Điện tử Yilufa và Công ty RG Solutions Limited. của Hongkong đã có tên trong danh sách gồm 193 thực thể nằm trong vòng trừng phạt mới nhất của EU đánh vào Nga, bao gồm các doanh nghiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Triều Tiên và Ấn Độ, nâng tổng số thực thể bị đưa vào danh sách đen lên gần 2.000.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Thụy Điển (SIPRI) Dan Smith, nhận định, các biện pháp trừng phạt do EU đánh lên các công ty Trung Quốc, do cáo buộc có quan hệ với quân đội Nga dường như ít tác động đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

“Cho đến nay, theo bằng chứng hiện tại, các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc sẽ có ít hoặc không có tác dụng gì đối với Nga. Tôi coi đây là một cách thể hiện thái độ thù địch ở một mức độ nào đó đối với Trung Quốc, nhưng không có tác dụng”, Người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Thụy Điển chỉ rõ.

Đối với Trung Quốc, gói trừng phạt này đánh dấu sự kết thúc của một nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn các công ty của họ bị đưa vào danh sách đen vì cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo thông tin mới nhất, hiện Trung Quốc chưa đưa ra động thái nào về quyết định này của EU. Tuy nhiên, phát biểu vào ngày 19/2, trong chuyến thăm Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Vương Nghị có nêu rõ, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với EU để duy trì thương mại tự do, thực hiện chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng, trật tự và toàn cầu hóa kinh tế toàn diện. “Chừng nào Trung Quốc và EU còn tăng cường đoàn kết và hợp tác, sự đối đầu với khối sẽ không xảy ra”, nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh nói.

EU trước đây đã cố gắng trừng phạt một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không để yên khi nhiều lần lên tiếng phản ứng khiến một số quốc gia thành viên EU dè dặt. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 năm ngoái, sau nhiều động thái thuyết phục châu Âu, các công ty Trung Quốc được ra khỏi danh sách đen, đại sứ Bắc Kinh tại EU Fu Cong cho biết “chúng tôi rất vui vì các doanh nghiệp Trung Quốc đã được loại khỏi danh sách đó và điều đó cho thấy rằng đối thoại có thể có hiệu quả”.

Vậy đến nay, liệu có phải do mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc cuối cùng đã thúc đẩy các nhà ngoại giao ở Brussels đưa ra biện pháp quyết đoán hơn, hay EU quyết theo đuổi chính sách giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc?

Giám đốc SIPRI chia sẻ thẳng thắn rằng, "một phần trong tôi không thực sự hiểu rõ tại sao EU lại làm điều này (tung gói trừng phạt thứ 13)”.

Ông phân tích, hiện tại, nền kinh tế Nga giống như một nền "kinh tế vũ khí" và thương mại giữa Nga-Trung Quốc không khác gì giữa phương Tây-Moscow. Chỉ cần một đối tác giao dịch với Nga, tức là thực sự đang đóng góp cho nền kinh tế Nga. Và trên thực tế, bất chấp các lệnh trừng phạt, vẫn có rất nhiều hoạt động thương mại giữa các thực thể phương Tây với Nga diễn ra.

Theo số liệu hải quan của chính phủ Trung Quốc, thương mại Nga-Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục hơn 204 tỉ USD vào năm 2023 – vượt qua mục tiêu 200 tỉ USD mà hai nước đặt ra.

Nhưng ông Dan Smith nói thêm, “hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã chuyển giao hệ thống vũ khí hoàn chỉnh cho Nga”. Và rằng, theo chuyên gia nghiên cứu về hòa bình, nếu EU và các nước khác có thể nhận ra, các biện pháp trừng phạt là một công cụ chính sách kém hiệu quả, thì họ nên bắt đầu tìm các cách thức ngoại giao, hợp tác. Các mối quan hệ thực dụng có thể giúp đạt được mục tiêu của họ.

“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có còn sẵn sàng thảo luận và bị thuyết phục nữa hay không”, chuyên gia Dan Smith nói.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm nói thêm rằng, với EU hay Ukraine, nếu Trung Quốc muốn làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình thì họ cần phải thể hiện rõ “sự lạnh lùng đối với Nga và không thích quyết định của Moscow về lãnh thổ Ukraine”.

Bắc Kinh và Moscow đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng Trung Quốc luôn phủ nhận việc cung cấp hỗ trợ quân sự. Tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Vương Nghị, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rõ ràng rằng, mối quan hệ giữa hai nước “không liên minh, không đối đầu và [không] nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.

Trong khi đó, về phía nội bộ EU, một nhà ngoại giao nẵm rõ thông tin về các cuộc thảo luận cho biết, Hungary từng là một đối tác thân cận của Bắc Kinh, đã quyết định không phủ quyết gói này sau nhiều lần lấy cớ trì hoãn và “yêu cầu có thêm thời gian”. “Nhưng những ngày qua, chúng tôi đã nhận được những dấu hiệu từ Budapest rằng họ sẽ không phản đối gói trừng phạt nữa”, nhà ngoại giao này cho biết thêm.

Vì thế mà gói trừng phạt thứ 13 tiếp tục nhằm kiềm chế Nga về mọi mặt đã được nhóm 27 đại sứ của các nước thành viên EU nhanh chóng phê duyệt mà không cần thảo luận thêm, ngoại trừ một tuyên bố từ Hungary.

Trên thực tế, như South China Morning Post đưa tin, dù Hungary không chặn gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga, nhưng các quan chức nước này đã nói rõ rằng họ không đồng tình. “Không có lý do gì để phủ quyết nó”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói sau cuộc gặp với các đối tác cấp bộ trưởng mới đây, nhưng ông nói thêm rằng “EU đang đưa ra quyết định sai lầm”.

“Các đại sứ EU đã thống nhất về nguyên tắc gói trừng phạt mới nhất liên quan hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine. Đây là một trong những gói trừng phạt quy mô nhất được EU thông qua", Bỉ, nước hiện là chủ tịch EU, thông báo trên mạng xã hội X ngày 21/2.

Các luật sư hiện sẽ chuẩn bị văn bản để thông qua lần cuối trước ngày 24/2.

“Tôi hoan nghênh thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 13 của chúng tôi chống lại Nga. Chúng ta phải tiếp tục làm suy yếu cỗ máy quân sự của ông Putin”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.

EC năm ngoái đã đưa ra một lựa chọn cho phép khối này nhắm mục tiêu trừng phạt vào cả quốc gia, thay vì các thực thể riêng lẻ, nếu có sự coi thường liên tục các biện pháp trừng phạt của khối này. Tuy nhiên, EU khó có thể đạt được sự nhất trí cần thiết để áp dụng một biện pháp như vậy, bởi sự thống nhất trong nội bộ EU về Ukraine đang rạn nứt, đặc biệt là về các biện pháp trừng phạt kinh tế.

(theo Scmp)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/goi-trung-phat-thu-13-nham-vao-nga-eu-lan-dau-lam-dieu-nay-voi-trung-quoc-bac-kinh-co-the-bo-qua-261638.html