Góc vườn cơ quan năm ấy

Tôi chuyển công tác về Báo Gia Lai sau khi chia tách, tái lập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cơ quan Báo cũng chia hai.

Lúc này, đội ngũ phóng viên còn ở lại Gia Lai khá mỏng gồm các anh: Phan Văn Hòa, Lê Hoàng Trung, Trần Văn Nghĩa, Phạm Văn Thư, Nguyễn Đức Thanh và tôi. Phòng Bạn đọc có chị Lê Thị Minh, Phòng Hành chính gồm các chị: Trần Thị Nguyệt, Phan Thị Song và Nguyễn Thị Dung. Tổng Biên tập là anh Trần Liễm.

Năm sau thêm Phó Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà học xong cao cấp chính trị ở Hà Nội về, Hoàng Anh Phượng học báo chí về và nhận thêm các phóng viên: Lê Bá Tuế, Lê Đình Ninh, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Thịnh, Võ Thành Thất, Lương Văn Danh…

Trụ sở cơ quan đóng tại nhà số 2A Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) với 2 mặt tiền: Hoàng Văn Thụ và Lê Hồng Phong. Tòa soạn nằm ở giữa khu đất gồm 1 phòng họp phía trước, tiếp đó hai bên là phòng làm việc của Tổng và Phó Tổng Biên tập, phía sau bên phải là Phòng Phóng viên, bên trái là Phòng Hành chính, ở giữa có một khoảng sân nhỏ và giếng nước. Mấy năm sau này, cơ quan thường tổ chức liên hoan tại đây. Dọc bên trái từ ngoài nhìn vào là Xí nghiệp In do anh Nguyễn Tiến Dũng-Trưởng phòng Hành chính kiêm Quản đốc.

Tuy cũ nhưng diện tích trụ sở cơ quan khá rộng và rất thoáng mát nhờ vườn cây trong sân. Bốn cây xoài phía đường Lê Hồng Phong, cây nào cũng cao hơn chục thước, cành lá sum suê vươn cả ra bên ngoài hàng rào.

Mỗi lần có dịp về lại cơ quan nhìn cây mận như nhắc nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi, gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui, tiếng cười. Ảnh: P.V

Cứ vào khoảng cuối tháng ba, khi cái nắng nóng Tây Nguyên đã lên đến đỉnh thì hàng xoài lại bung nở những bông hoa nhỏ li ti màu trắng ngà, kết lại thành từng chùm xen kẽ cùng hướng về phía mặt trời, tỏa hương thơm thoang thoảng. Hết lượt này đến lượt khác, từng đàn ong từ đâu bay về hút mật, buổi trưa yên tĩnh có thể nghe rõ tiếng vỗ cánh nhè nhẹ của chúng. Vài tháng sau đã có hàng trăm, hàng ngàn quả xoài lúc lỉu trên cành.

Gần hàng rào, giữa mấy cây xoài là bụi chuối lùn cũng rất tốt. Hai cây mận, một cây mọc sát phòng làm việc của bộ phận hành chính, trước xưởng in ty pô, to quả nhưng ít ngọt. Cây còn lại mọc ở góc bên trái chỗ ngã ba giao nhau của 2 con đường, tất nhiên là bên trong hàng rào, rất sai quả, trái không lớn, màu đỏ nhạt nhưng rất ngọt.

Đến mùa, những chùm mận chín át cả màu xanh lá của cây. Trẻ em hàng xóm cứ lén chui qua hàng rào, trèo hái những quả mận mọc trên cành thấp. Cánh phóng viên trẻ nếu đang viết bài ở cơ quan và một vài anh công nhân xưởng in nhiều khi leo hẳn lên cây, hái cả chùm quả chín thưởng thức tại chỗ… Thường thì cây mận đỏ trước xưởng in ra trái trước. Vài ba ngày cứ khoảng 15-16 giờ, chúng tôi lại tập trung ở phòng hành chính quây quần quanh rổ mận và chén muối ớt.

Riêng hàng xoài thì khác. Năm ấy, tôi còn trẻ, nghịch, lại thích ăn chua nên mấy cây xoài trong sân cơ quan luôn được tôi “chăm sóc” kỹ. Ngồi viết bài trong phòng, nghe thòm thèm, tôi lại bước ra ngoài tìm khúc cây gỗ dài chừng hai mươi phân, ngước lên cây xoài ngắm kỹ rồi quăng mạnh lên chùm quả gần nhất.

Thường thì quả xoài và khúc cây rơi xuống phía sát hàng rào, nhưng cũng có khi rớt trên mái tôn gây tiếng động lớn. Vậy là anh Trần Liễm bước ra ngoài nhìn lên rồi nhìn xung quanh, chẳng thấy gì lại chép miệng đi vào. Lúc này, tôi đã rút vào phòng, làm bộ đang ngồi viết bài.

Anh ấy bước lại đứng trước cửa phòng phóng viên hỏi: Các cậu có nghe gì không? Tôi vừa giả bộ chăm chú vào bài vừa lắc đầu: “Dạ em có nghe nhưng đang viết bài nên không để ý ạ”. Trần Văn Nghĩa ngồi gần đó cũng cắm đầu xuống trang giấy, vờ không nghe, lè lưỡi lắc đầu với tôi khi anh Liễm đã bước đi…

Sau 2 lần xây dựng mới trụ sở làm việc, vườn chỉ còn sót lại cây mận ở góc sân trước. Tuy đã bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” nhưng cây mận vào mùa vẫn sai trái và ngọt như xưa. Chúng tôi đều đã nghỉ hưu. Mỗi lần có dịp về lại cơ quan nhìn cây mận như nhắc nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi, gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui, tiếng cười.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/goc-vuon-co-quan-nam-ay-post269522.html