'Góc tối' phía sau hai công ty chiếu sáng lớn nhất Việt Nam

Tại sao trong trường hợp đại diện Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp lại không tổ chức đấu giá công khai?

Cùng với Bóng Đèn Điện Quang, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là 2 thương hiệu Việt hiếm hoi dẫn đầu về sản xuất và cung ứng các sản phẩm, thiết bị chiếu sáng trong nước với khoảng trên 60% thị phần cả nước.

Cả hai doanh nghiệp này đều có một điểm chung, họ chính là những doanh nghiệp xuất thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ rất sớm. Trong khi Bóng đèn Điện Quang (DQC) được thành lập từ những năm 1973 và cổ phần hóa năm 2005 thì Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) cũng được thành lập từ những năm 1958 và được cổ phần hóa năm 2004.

Tuy nhiên, kể từ khi cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán thì hai doanh nghiệp này đã có sự khác biệt rất lớn về mặt sở hữu.

Nếu như việc gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm lượng cổ phần rất lớn của DQC thu hút sự quan tâm của công chúng thời gian gần đây thì thì sở hữu cổ phần của ban lãnh đạo RAL tại Công ty này lại rất nhỏ bé. Thay vào đó, Chính sách bán cổ phần tại RAL cũng rất khác biệt khi tập thể người lao động nắm chính cổ phần của doanh nghiệp mình. Theo đó, Công đoàn CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chính là cổ đông lớn nhất tại RAL chứ không phải một cá nhân nào khác.

Có lẽ DQC và RAL sẽ đi theo hai chiều hướng hoàn toàn đối lập nhau nếu như không có câu chuyện thoái vốn của SCIC tại RAL cách đây khoảng một năm rưỡi về trước.

Chuyện của Rạng Đông

SCIC, đơn vị quản lý vốn nhà nước tại RAL tuyên bố sẽ bán hết 20% cổ phần còn lại ra bên ngoài, Công đoàn RAL đã lập tức lên kế hoạch mua lại số cổ phần đó, tiếp tục duy trì đường lối chính những người lao động sở hữu Công ty.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 07/09/2015, hơn 2,36 triệu cổ phiếu RAL, tương đương 20,56% vốn của CTCP Phích nước Rạng Đông đã được đổi chủ, nhưng chủ mới không phải là Công đoàn RAL mà là một đối tượng khác.

Sau khi bỏ ra 114 tỉ đồng, hai chị em ruột là bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng đã mua trọn số cổ phần trên chỉ qua một phiên thỏa thuận với SCIC. Cho đến nay, tổng số cổ phần 2 cổ đông này nắm giữ tại RAL hiện tại đã lên tới 24,41%, trở thành cổ đông lớn thứ 2, đứng sau Công đoàn Rạng Đông.

Và hiện nay, RAL mặc dù vẫn kinh doanh khá ổn định nhưng dường như RAL nay cũng đã khác xưa. Báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) trong một chuyến thăm doanh nghiệp đã lưu ý nhà đầu tư rằng, rủi ro của RAL nằm ở chỗ tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc quá nhiều vào nhà phân phối lớn nhất là Gia Lộc Phát - Công ty do ông Lê Đình Hưng, em trai bà Yến giữ chức chủ tịch HĐQT. BSC cho rằng, điều này có thể khiến RAL không có vị thế trong đàm phán giá, chia sẻ một phần lợi nhuận cho Gia Lộc Phát.

Sau khi SCIC bán hết vốn tại RAL, bà Lê Thị Kim Yến cùng với bà Lê Thị Ngọc đã vào Hội đồng quản trị và ban kiểm soát thay cho 2 cái tên cũ đại diện SCIC là ông Phạm Văn Chung và bà Nguyễn Lê Trà My. Tuy nhiên, đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tiên kể từ khi tham gia vào RAL, bà Yến đã không xuất hiện. Trong khi đó, sau khi "thất bại" trong kế hoạch mua lại phần vốn của SCIC, Công đoàn Rạng Đông đã đề xuất cổ đông thông qua về việc không phải thực hiện chào mua công khai khi mua cổ phần RAL trên thị trường.

Gần đây, Công đoàn Rạng Đông đã mua thêm gần 420.000 cổ phiếu RAL trong tháng 2 năm nay để tăng sở hữu từ mức xấp xỉ 40% lên 43%. Điều này cho thấy, Công đoàn RAL, đại diện sở hữu cho người lao động tại RAL dường như chưa thể an tâm với số phiếu chỉ ở mức 40%.

Nguyên nhân cũng từ việc thoái vốn nhà nước

Trở lại với trường hợp của DQC, đơn vị này thực chất trước khi IPO đã có tỷ lệ sở hữu cao trong tay gia đình Bà Thoa. Thế nhưng, thêm một cột mốc nữa đối với sự gia tăng tỷ lệ sở hữu DQC của gia đình bà này cũng đến từ đợt bán vốn nhà nước gần nhất vào tháng 09 năm 2014.

Khi đó, 3,9 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 17,7% vốn cổ phần tại doanh nghiệp này được SCIC bán thẳng trên sàn trong phiên giao dịch ngày 15/9/2014. Và theo dữ liệu giao dịch lịch sử của DQC, phần lớn cổ phiếu được 2 cổ đông nội bộ liên quan đến gia đình bà Thoa mua vào.

Một trong hai cổ đông lớn mua vào 1.170.000 cổ phần là ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Hồ Đức Lam - chủ tịch Công ty nhựa Rạng Đông- cũng là em trai của bà Thoa). Một năm sau, ông Hồ Đức Dũng đã chuyển 1,5 triệu cổ phiếu DQC cho ông Hồ Quỳnh Hưng, người đang giữ chức chủ tịch DQC, cũng là em trai của bà Thoa. Cho đến hiện tại, ông Hưng đã sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 7,89% vốn cổ phần.

Người còn lại đã mua cổ phần của SCIC là bà Trần Thị Lĩnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Lĩnh là vợ của ông Nguyễn Tiến Minh, giám đốc nhân sự tại DQC. Tháng 10/2014, bà Trần Thị Lĩnh được bỗ nhiệm chức danh thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông (RDP), nơi ông Hồ Đức Lam, em trai bà Thoa làm chủ tịch. Hiện bà Lĩnh vẫn đang đứng tên 2.674.557 cổ phiếu DQC, tương đương 8,38% vốn cổ phần DQC.

Có thể thấy rằng sự việc liên quan đến số cổ phần của gia đình bà Thoa có phần bắt nguồn từ cách thức tổ chức, thực hiện thoái vốn nhà nước của cơ quan quản lý vốn Nhà nước.

Trao đổi với báo Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Trước hết, UBKT Trung ương cần phải tiếp tục vào cuộc để kiểm tra và làm rõ nguồn gốc tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa xem nguồn gốc từ khi tiến hành cổ phần hóa cũng như trong quá trình quản lý các lĩnh vực có liên quan tới tới DQC của bà Thoa. Đồng thời, cần làm rõ khi cổ phần hóa tại sao bà Thoa và gia đình lại có nhiều cổ phần DQC đến thế, có hiện tượng mua gom cổ phiếu, vơ vét cổ phiếu DQC hay không? Khi có đẩy đủ thông tin thì mới làm rõ được việc bà Thoa có vi phạm luật hay không?”

Đây chỉ là 2 trường hợp trong số rất nhiều quyết định bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà cơ quan quản lý cần xem xét lại. Một trường hợp bán vốn nhà nước có quy mô lớn hơn mà ít người nhắc đến đó là trường hợp Bộ Công thương bất ngờ bán ra hơn 112 triệu cổ phiếu, tương đương 78,74% vốn tại Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) cách đây hơn 1 năm.

Đáng lưu ý, với giá trị giao dịch lên đến 2.200 tỷ đồng được khớp lệnh chỉ trong vòng 11 phút nhưng vẫn không có sự xuất hiện của một cái tên nào đứng sau thương vụ này. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Những ai đã mua cổ phần của Bộ Công thương?

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), người đã liên tục nêu ra hàng loạt vấn đề liên quan đến hoạt động chậm cổ phần hóa, niêm yết và những tiêu cực trong thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước trong năm 2016 cũng đặt câu hỏi: Tại sao trong trường hợp Nhà nước thoái vốn lại không tổ chức đấu giá công khai, bởi nếu đấu giá công khai số tiền Nhà nước thu về có thể sẽ cao hơn?

Nguồn NDH: http://ndh.vn/goc-toi-phia-sau-hai-cong-ty-chieu-sang-lon-nhat-viet-nam-20170314092610296p4c146.news