Góc nhìn toàn cảnh về bầu cử Áo

Kẻ thắng người thua tại bầu cử Áo đã rõ ràng sau ngày 26/9, song chặng đường thành lập chính phủ để dẫn dắt đất nước vẫn đang ở phía trước. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Áp phích tranh cử của đảng OVP và ông Sebastian Kurz trước cuộc bầu cử Áo. (Nguồn: AP)

Ngày 7/10, Quốc hội Áo đã công bố kết quả bầu cử chính thức. Theo đó, các đảng thành công trong mùa bầu cử gồm có đảng OVP của cựu Thủ tướng Sebastian Kurz, đảng Xanh và đảng NEOS. Dẫn đầu là Đảng OVP, nhận được 37,5% sự ủng hộ, tăng 6,0% so với năm 2019. Đảng Xanh đạt 13,9%, tăng hơn 10% so với năm 2017. Đảng NEOS đạt 8,1%, tăng tới 2,8%.

Trong 5 đảng lớn tại bầu cử năm 2019, SPO và FPO được coi là thất bại nặng nề: Tỷ lệ ủng hộ của SPO giảm 5,7%, đạt 21,2%, thấp kỷ lục trong lịch sử đảng; FPO mất 9,8% số phiếu, chỉ còn 16,2% do vụ video Ibiza và bê bối tài chính của cựu Chủ tịch Heinz-Christian Strache.

Dù đã có kết quả bỏ phiếu cuối cùng, nhưng phải đến 16/10, sau kỳ họp, Ủy ban bầu cử mới công bố kết quả bỏ phiếu chính thức. Trong vòng 4 tuần sau đó, nếu có khiếu nại, các ứng cử viên có thể đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp.

Người thắng…

Ngay đêm 29/9, OVP đã liên hoan mừng chiến thắng rực rỡ. Sau khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc phải giải tán Chính phủ liên minh, hứng chịu nhiều tin đồn, ông Sebastian Kurz vẫn vững vàng vị trí số 1 trên chính trường Áo và chiến thắng giòn giã trong đợt tranh cử này.

Khác với năm 2017, khi chiến thắng của ông đến từ hình ảnh cá nhân, trong bầu cử năm nay, các cử tri còn đánh giá cao cả nội dung chương trình tranh cử của OVP. OVP có lợi thế đã cầm quyền 18 tháng và người dân hiểu rõ đường lối chính sách của ông, đặc biệt về các vấn đề “nóng” của xã hội như người tị nạn, chính sách thuế, chính sách xã hội, chính phủ điện tử…

Ngoài ra, ông Kurz rất biết cách tiếp cận thế hệ trẻ khi tận dụng mạng xã hội hiệu quả nhằm tuyên truyền hình ảnh cá nhân, với Facebook cá nhân có 800.000 người theo dõi. Trong chuyến vận động tranh cử tại 9 bang ở Áo, ông luôn tỏ ra cởi mở, dễ gần, thân thiện với người dân.

Đảng Xanh cũng thắng lợi giòn giã trong cuộc bầu cử lần này. Từ chỗ chỉ còn 3,8% người ủng hộ sau bầu cử năm 2017, không đủ phiếu vào Quốc hội, năm nay, đảng đã giành được số phiếu kỷ lục là 13,9%. Tham gia bầu cử với khẩu hiệu “Chúng tôi muốn trở lại Quốc hội”, đảng Xanh đã phân tích nhu cầu, vận động các cử tri đã mất vào năm 2017, tập trung vào nội dung về hỗ trợ xã hội, tham nhũng, và môi trường.

Bên cạnh đó, thành công của đảng này còn đến từ lý do là vấn đề môi trường ngày càng được người dân Áo quan tâm. Và một phần lớn cử tri của SPO và NEOS đã bầu cho đảng Xanh để tránh liên minh OVP – FPO lặp lại.

Đảng thứ ba giành được chiến thắng là NEOS, với mức phiếu kỷ lục, tăng 2,8%. Song, do đảng Xanh đạt được số phiếu đủ cao để thành lập liên minh với OVP mà không cần đảng NEOS, nên cơ hội bước vào đàm phán chính phủ của đảng này là không nhiều.

Kẻ thua…

Đảng SPO ngược lại bị coi là thất bại lớn nhất trong cuộc bầu cử lần này do một vài nguyên nhân sau. Thứ nhất, SPO và đảng Xanh cùng hướng tới thu hút chung bộ phận cử tri nên dễ bị chia sẻ số phiếu. Thứ hai, SPO có sự xáo trộn về nhân sự khi cựu Chủ tịch Christian Kern từ chức để tham gia bầu cử Quốc hội Châu Âu, thay thế là bà Pamela Rendi-Wagner mới lên làm Chủ tịch Đảng SPO. Thứ ba, SPO chỉ thực sự tiến hành vận động tranh cử 2 tuần trước và số cử tri mà SPO giành được từ đảng Xanh năm 2017 đã lại quay trở về bầu cho đảng Xanh. Thứ tư, SPO đang hướng tới quá trình cải cách đảng nên kết quả đảng nhận được thấp kỷ lục trong lịch sử. Tuy nhiên, bà Pamela Rendi Wagner không bi quan mà ngược lại còn ca ngợi nhóm làm việc, đồng thời tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục làm Chủ tịch đảng.

FPO là đảng bị mất nhiều điểm nhất trong cuộc bầu cử khi tỷ lệ ủng hộ giảm tới 9,8%. Một loạt vụ scandal, trong đó có vụ Ibizagate dẫn đến việc chính phủ liên minh phải tự giải tán, cùng chi tiêu không minh bạch của cựu Chủ tịch Heinz-Christian Strache đã làm mất lòng tin của cử tri. Trong số cử tri bị mất, 250.000 người đã chuyển sang bỏ phiếu cho đảng OVP và phần còn lại đã không bỏ phiếu. Hiện tại, 85% đảng viên FPO không mong muốn thành lập liên minh với OVP mà cho rằng nên tập trung giải quyết vấn đề nội bộ trước.

Và tương lai nước Áo

Trong bối cảnh đó, giới nghiên cứu đánh giá OVP giành chiến thắng do các đảng khác còn quá yếu tại thời điểm này. Sự áp đảo của chính đảng do ông Kurz dẫn dắt là không phải bàn cãi, song điều hiện còn bỏ ngỏ là liên minh chính phủ nào sẽ được thành lập.

Tổng thống Áo Alexander van Bellen giao cho ông Sebastian Kurz nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh. (Nguồn: AP)

Dựa vào tỷ lệ phiếu bầu cho các đảng, 183 ghế trong Quốc hội sẽ được phân bổ như sau: OVP 71 ghế, SPO 40 ghế, FPO 31 ghế, đảng Xanh 26 ghế và đảng NEOS 15 ghế. Theo nguyên tắc, liên minh chính phủ cần phải đạt số ghế quá bán, cụ thể là 92/183 ghế. OVP là đảng chiến thắng trong bầu cử, do đó giành quyền đàm phán lập chính phủ. Trên lý thuyết, chính phủ Áo có thể thành lập dựa trên 1 trong 4 kịch bản sau: OVP liên minh SPO, với tổng cộng là 111 ghế; OVP kết hợp cùng FPO để thành lập chính phủ gồm 102 ghế; OVP bắt tay với đảng Xanh, cầm quyền với 97 ghế; và trong trường hợp xấu nhất, OVP có thể thành lập Chính phủ đơn đảng với 71 ghế.

Phương án liên minh OVP - SPO tuy từng có trong lịch sử, song đây là hai đảng lớn, đối lập về tính chất. Do đó, liên minh này có thể dẫn đến tình trạng trì trệ trong Chính phủ. Ngay sau bầu cử, đảng SPO khẳng định mong muốn đứng ở vị trí đối lập, trở thành lực lượng phản biện tốt trong Quốc hội.

Phương án liên minh OVP - FPO được ông Sebastian Kurz ưu tiên trong thời kỳ vận động tranh cử. Khẩu hiệu của đảng FPO trong thời kỳ tranh cử rất rõ ràng, tỏ ý mong muốn liên minh với đảng OVP. Hai đảng hài lòng với liên minh trong quá khứ, do đường lối chính sách nhiều điểm đồng như quan điểm cứng rắn trong vấn đề người nhập cư, chính sách thuế…

Tuy nhiên, bản thân FPO đã thất bại nặng nề trong bầu cử. Nếu bị lép vế trong Chính phủ, FPO sẽ gặp khó khi triển khai nghị trình của mình. Hiện nay, 85% đảng viên của FPO ủng hộ liên minh giữa đảng OVP - đảng Xanh, đồng thời cho rằng ưu tiên của FPO trước mắt là củng cố nội bộ.

Liên minh với đảng Xanh hiện là phương án được kỳ vọng nhất, dù chỉ vừa đủ quá bán. Đảng Xanh và NEOS tham gia tranh cử nhằm ngăn chặn FPO trở lại cầm quyền. Với thắng lợi lớn, đảng Xanh tỏ ý sẵn sàng thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, đảng OVP sẽ phải nhượng bộ nhiều trong đàm phán, đặc biệt là về các vấn đề trẻ em nghèo, chống tham nhũng và môi trường.

Cho đến nay ông Kurz vẫn để ngỏ mọi khả năng đàm phán với các đảng. Áo tuy là một nước nhỏ ở châu Âu, nhưng kết quả bầu cử lại được coi là dự báo cho tình hình mới ở lục địa già. Một liên minh giữa đảng OVP - đảng Xanh biết đâu lại sẽ trở thành mô hình chính phủ mới cho các nước châu Âu, thúc đẩy các nước quan tâm hơn đến vấn đề môi trường.

Hồng Ngạn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/goc-nhin-toan-canh-ve-bau-cu-ao-102339.html