GÓC NHÌN: NHỮNG ĐỘT PHÁ VỀ CHÍNH SÁCH TRONG DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Việc xây dựng Luật nhằm phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân. Hướng tới phiên thảo luận, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết phân tích về những đột phát về chính sách trong dự luật này.

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của quốc gia. Riêng về công nghiệp quốc phòng, chỉ 13 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra ra Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - cơ quan điều hành cao nhất của ngành Quân giới Việt Nam thời bấy giờ (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay) do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Xuân làm Trưởng Phòng Quân giới với hai nhiệm vụ chính là thu thập, mua sắm và tổ chức nghiên cứu, sản xuất vũ khí cho bộ đội và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền còn non trẻ, chuẩn bị cho đất nước bước vào kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước khi chúng ta được sự viện trợ vũ khí, trang bị từ Liên Xô và Trung Quốc, từ năm 1946 đến năm 1950, 1951, chúng ta đã hoàn toàn tự lực chế tạo được nhiều loại vũ khí trang bị, trong đó có những vũ khí có nguyên lý tiên tiến, trình độ kỹ thuật cao lúc bấy giờ như Bazooka, SKZ, súng và đạn cối, ngòi nổ hẹn giờ.... Điều đó đã đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm vũ khí để toàn dân, toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, với những đóng góp của ngành Quân giới đã giúp bộ đội ta đối phó hiệu quả với các chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ, tạo nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta cuối năm 1972.

Đến thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh và đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành công nghiệp quốc phòng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Từ năm 1993 đến nay, cứ 10 năm một lần, Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Với sự quan tâm đó, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đã nghiên cứu, sản xuất đồng bộ các loại vũ khí, trang bị cho sư đoàn bộ binh mang vác, sản xuất nhiều loại vũ khí, khí hỏa lực mạnh và đã bắt đầu làm chủ các công nghệ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí công nghệ cao. Đến nay, công nghiệp quốc phòng thực sự trở thành một phần quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, của công nghiệp quốc gia phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để khẳng định cho sự cần thiết của việc ban hành Luật. Đó là các quan điểm của Đảng được thể hiện trong nhiều văn kiện, như: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp quốc phòng (Nghị quyết số 05/BCT ngày 20/7/1993; Nghị quyết số 27/BCT ngày 16/6/2003; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022); Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 142-TB/TW ngày 08/8/2013 của Bộ Chính trị về Đề án “Chiến lược phát triển công nghiệp an ninh giai đoạn năm 2013-2020 và định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Xưởng Quân giới Đội Cấn ở Việt Bắc (12/9/1950). Ảnh: Tư liệu

Các Nghị quyết đã định hướng: “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là ngành đặc thù, được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển; phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành dài hạn, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chiến lược và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc; có hệ thống tổ chức đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu để tạo nguồn lực tái đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; gắn kết công nghiệp quốc phòng, an ninh với công nghiệp quốc gia bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tránh trùng dẫm, lãng phí.

Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đang được điều chỉnh trực tiếp bởi Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Nghị định 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Công nghiệp an ninh. Sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp, 15 năm thực hiện Pháp lênh Công nghiệp quốc phòng và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo đảm an ninh quốc gia. (Cần thiết xây dựng, ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo đảm an ninh quốc gia).

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được Chính phủ trình Quốc hội gồm 07 Chương, 73 Điều đề cập toàn diện các hoạt động của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trong đó có các cơ chế, chính sách nổi bật so với quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực này, cụ thể:

- Một là, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành một mục riêng trong danh mục quy hoạch ngành quốc gia (tách nội dung công nghiệp quốc phòng khỏi Quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược và công nghiệp quốc phòng). Điều này rất quan trọng vì quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, không đơn thuần là quy hoạch hệ thống các cơ sở công nghiệp quốc phòng, mà gồm nhiều nội dung rộng hơn so với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự và kho đạn, như: các nội dung về mục tiêu phát triển dài hạn và trước mắt, về đào tạo nhân lực, về lộ trình phát triển, về mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng, về sản phẩm, về hợp tác quốc tế,…

Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đang được điều chỉnh trực tiếp bởi Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Nghị định 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Công nghiệp an ninh.

Việc tách ra sẽ giúp cho quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng mang nội dung toàn diện hơn, sát với đặc thù của ngành hơn. Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh vào danh mục quy hoạch ngành quốc gia. Tuy nhiên, với tính tương đồng của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, nên xem xét phương án gộp 02 quy hoạch này thành Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh để đảm bảo sự thống nhất, tránh trùng lặp, trùng dẫm về đầu tư các chương trình, dự án phát triển.

- Hai là, các chính sách về huy động công nghiệp quốc gia phục vụ cho xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, cũng như động viên công nghiệp. Một số chính sách được kế thừa từ Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 và Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003 theo hướng quy định cụ thể hơn và một số chính sách được bổ sung. Những nội dung được bổ sung hướng đến mở rộng đối tượng và lĩnh vực huy động sự tham gia của công nghiệp dân sinh. Nếu trước đây chỉ mới tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, cung cấp vật tư, thiết bị; thì nay đã mở rộng đến lĩnh vực công nghệ cao, có tính lưỡng dụng như luyện kim, hóa chất, điện, điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu, thậm chí cả lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là thực hiện hình thức liên doanh, liên kết.

- Ba là, chính sách về hoạt động khoa học và công nghệ. Đây là chính sách quan trọng tạo sự đột phá cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Vừa qua tại văn bản pháp luật có liên quan như Luật Khoa học và công nghệ đã có những cơ chế đổi mới, tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn cho hoạt động khoa học và công nghệ như cơ chế khoán chi; tuy nhiên, thực tế triển khai đối với lĩnh vực đặc thù như công nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn còn rất vướng, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị mới như: Quy trình hiện nay để triển khai từ việc nghiên cứu, thử nghiệm và đưa sản phẩm vào sản xuất loạt “0” cho đến đưa vào trang bị khá phức tạp, để triển khai có thể mất từ 08 đến 10 năm; cơ chế mua sắm một số chủng loại vật tư cho hoạt động khoa học và công nghệ khó triển khai theo Luật Đấu thầu, vì có những loại vật tư, vật liệu, số lượng cần rất ít, hiếm không thể đặt hàng công khai trên các thị trường, thường phải mua bằng hình thức chỉ định nhà cung cấp và thậm chí bằng phương thức đặc biệt; những quy định về sở hữu trí tuệ chưa được thực thi đầy đủ.

Để khắc phục những bất cập đã chỉ ra, trong dự thảo Luật cũng đã đề xuất các cơ chế chính sách như: Cơ chế giao nhiệm vụ xuyên suốt từ khi nghiên cứu cho đến khi chế thử rồi sản xuất, thử nghiệm và đưa vào sản xuất; giao cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phát triển sản phẩm; cơ chế mua sắm hàng hóa đặc chủng thông qua hình thức chỉ định nhà cung cấp theo giá đàm phán trực tiếp; cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có quản lý trực tiếp các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh để tạo cơ sở pháp lý triển khai điều tiết Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp trong cùng một hệ thống nhằm quy tụ, tích lũy nguồn lực cho triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học đòi hỏi nguồn vốn lớn,...

- Bốn là, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài chất lượng cao. Hiện nay, Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định về chính sách thu hút, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Tuy nhiên, rất khó áp dụng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh, ví dụ như: Tiêu chí nhà khoa học đầu ngành phải chủ trì và tham gia các hội thảo quốc tế hoặc phải có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (trong khi hầu hết kết quả nghiên cứu liên quan đến bí mật quân sự quốc phòng). Cho nên, trong dự thảo đề xuất một số quy định, cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút sử dụng nhân tài, chuyên gia và các nhà khoa học đầu ngành. Đặc biệt, đề xuất chức danh Tổng công trình sư và cơ chế, chính sách cho chức danh này. Các chính sách thu hút được đề cập gồm: Cơ chế giao thẩm quyền khoa học; quyền sử dụng ngân sách để triển khai nhiệm vụ được giao, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư; được đảm bảo về điều kiện việc làm và môi trường làm việc; được hưởng lương tương xứng; được miễn thuế thu nhập cá nhân.

- Năm là, chính sách về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Hiện nay, nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đang được thực hiện theo Luật Đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Doanh nghiệp từ lợi nhuận kết quả sản xuất, kinh doanh (Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp). Tuy nhiên, những nguồn vốn này đều khó áp dụng đối với một số dự án trọng điểm của công nghiệp quốc phòng, an ninh mang bí mật Nhà nước và có nhu cầu về nguồn vốn lớn. Để giải quyết vấn đề đó, trong dự thảo đã đề xuất quy định khung về một nguồn vốn dành riêng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng nguồn vốn này.

- Sáu là, hoàn thiện chính sách về động viên công nghiệp. Trong dự thảo đề xuất hoàn thiện 04 vấn đề liên quan: Mở rộng phạm vi đối tượng động viên công nghiệp gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp; hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp với bổ sung phương thức đặt hàng; hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý, thực hiện động viên công nghiệp với phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trách nhiệm, quyền hạn thực hiện động viên công nghiệp trong địa bàn quản lý phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.

Ngoài ra, một số chính sách khác như cơ chế, chính sách cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng đến xuất khẩu sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là những đề xuất rất mạnh dạn và rất cụ thể trong dự thảo Luật./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82640