Góc nhìn nghị trường: Phòng ngừa rủi ro ngân hàng

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng dự thảo luật có nhiều nội dung quy định để phòng ngừa rủi ro với hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất cần có thêm các giải pháp phòng ngừa rủi ro cho hệ thống. Đại biểu nêu ví dụ về sự kiện của Ngân hàng SCB; hay ở Mỹ, dù họ có hệ thống ngân hàng rất mạnh nhưng vẫn để xảy ra sự cố đổ vỡ ngân hàng. Do vậy, nếu dự thảo luật thiết kế thêm được các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống để khi xảy ra sự cố thì chúng ta có thể chống đỡ được cho cả hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An cần được nghiên cứu kỹ và sẽ tốt hơn nếu thiết kế thêm các quy định phòng ngừa rủi ro cho hệ thống các ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Cổng TTQH

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Cổng TTQH

Cũng phải nói thêm rằng, chính sách phòng ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng của nước ta đã được thiết kế và hoạt động tương đối hiệu quả. Thực tế, năm 1997, khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng, các chuyên gia đã phân tích rất kỹ vấn đề này. Hoạt động ngân hàng, tín dụng có tính hệ thống rất cao. Chỉ một ngân hàng bị đổ vỡ sẽ rất dễ xảy ra hiệu ứng domino với cả hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Vì thế, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 đã có những quy định rất cụ thể để đề phòng đổ vỡ mang tính hệ thống. Đó là những quy định rất chi tiết, chặt chẽ về việc một ngân hàng, tổ chức tín dụng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và quy định bảo mật thông tin này. Chỉ khi các biện pháp kiểm soát đặc biệt không thể giúp khôi phục hoạt động bình thường, khiến ngân hàng vẫn lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì mới tính đến giải pháp phá sản.

Qua các lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, chúng ta đã bổ sung nhiều giải pháp để gia tăng tính phòng ngừa rủi ro tới hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đó là những quy định về buộc các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém phải chấp nhận hợp nhất, sáp nhập hoặc mua lại.

Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện rõ tinh thần điều hành để tránh việc một ngân hàng thương mại phải tuyên bố phá sản, tránh tác động rủi ro lên cả hệ thống. Các vụ quyết định mua lại ngân hàng yếu kém, thua lỗ với giá 0 đồng gần đây thể hiện rõ quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hạn chế rủi ro hệ thống. Đây là điều chưa từng có tiền lệ ở nước ta, nên việc thực hiện chắc chắn khó tránh khỏi những điều cần rút kinh nghiệm.

Không thể phủ nhận, giải pháp hợp nhất, sáp nhập hoặc mua lại ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém là cực kỳ cần thiết và hữu dụng để ngăn chặn những sự đổ vỡ theo hiệu ứng domino.

Cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về việc xử lý các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém chúng ta đều đã có. Do đó, chúng ta nên tập trung nhiều hơn nghiên cứu bài học được rút ra từ thực tiễn để hoàn thiện các giải pháp, giúp việc thực hiện hiệu quả hơn.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-phong-ngua-rui-ro-ngan-hang-730882