Góc nhìn nghị trường: Gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) được xác định là động lực chính giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi tăng trưởng. Dù có nhiều cải thiện, thế nhưng tình trạng giải ngân vốn chậm vẫn là vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội sốt ruột.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình hai năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trong 9 tháng năm 2023 giải ngân đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa: VGP

Dù tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đã tăng khá nhiều, tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9, vẫn có tới 29 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC dưới 30% kế hoạch; trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Thêm vào đó, tuy chỉ có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Tình trạng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có văn bản đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, lý do khiến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC không như mong đợi có nhiều, bắt nguồn từ một số yếu tố khách quan, như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá...

Thế nhưng yếu tố chủ quan dẫn đến tình trạng chậm giải ngân cũng không hiếm. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tại một số nơi, một số thời điểm còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao. Xuất hiện tình trạng một số địa phương e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC.

Thực tế cho thấy việc phân bổ, giao kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn. Đến nay vẫn còn hơn 53.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ do chưa xác định được nhiệm vụ, dự án cụ thể hoặc chưa hoàn thiện được thủ tục đầu tư để phân bổ và Quốc hội đã chuyển về dự phòng của Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thêm vào đó, công tác chuẩn bị dự án đầu tư là một khâu yếu, tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án không thực hiện đúng quy định Luật ĐTC, dẫn đến vốn chờ dự án đang tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng lớn tới tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn, tổ chức thực hiện.

Nguồn ngân sách eo hẹp, muốn có vốn cho một dự án phải huy động từ nhiều nguồn và hy sinh cơ hội của những dự án khác. Điều quan trọng hơn, chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực và nền kinh tế bỏ lỡ cơ hội hồi phục, phát triển.

Thế nên, cần có những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, quyết liệt giải ngân vốn ĐTC. Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC được nhấn mạnh là cần có sự vào cuộc nghiêm túc hơn từ các bộ, ngành, địa phương, mà trách nhiệm trước tiên thuộc về những người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để dòng vốn quan trọng này sớm đi vào nền kinh tế.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-go-diem-nghen-trong-dau-tu-cong-748812