Góc nhìn hôm nay: Tăng lương và nỗi lo tăng giá

Từ ngày 1/7, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ mức 1 triệu 490 nghìn đồng/tháng, lên 1 triệu 800 nghìn đồng/tháng (tương đương tăng 20,8%). Thu nhập của người hưởng lương từ ngân sách, được tăng lên.

Với chính sách tăng lương này, nhiều người dân có tâm lý vui - buồn lẫn lộn. Bởi thực tế ghi nhận, việc tăng giá thường xảy khi tăng lương cơ sở, hoặc tăng lương tối thiểu vùng, thậm chí mức tăng giá còn cao hơn cả mức tăng lương. Câu chuyện lo tăng giá không phải chỉ ở đợt tăng lương lần này, mà hầu như xuất hiện tại tất cả các kỳ điều chỉnh tiền lương đã qua. Đó là tiền lệ xấu của thị trường.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tăng lương cơ sở là chính sách tốt cho người lao động, người làm công ăn lương và người về hưu. Như vậy, việc tăng lương cơ sở sau 3 năm không điều chỉnh, cũng là sự cải thiện một phần đời sống cho cán bộ công chức, viên chức, người về hưu và lực lượng vũ trang. Tăng lương cũng sẽ tạo động lực tốt để cho người lao động, người hưởng lương, cải thiện một phần điều kiện sống để làm việc hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, cần có giải pháp kiểm soát tình chuyện tăng giá theo tâm lý, vì cứ mỗi đợt điều chỉnh tiền lương, là lại thêm một đợt giá cả tăng và ít khi về lại mặt bằng giá cũ. Nghĩa là, phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra các mặt hàng, tuyên truyền để xã hội thấy việc điều chỉnh này là theo lộ trình, để giải quyết khó khăn, tránh chuyện "tát nước theo mưa", chưa tăng lương mà giá cả đã ào ào tăng lên.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều yếu tố cho thấy việc giá tiêu dùng sẽ tăng theo lương cơ sở, chỉ là chuyện sớm muộn.

Đầu tiên là tâm lý tăng giá của người bán. Nhiều người bán hàng có tâm lý: Lương của người tiêu dùng được tăng, thì mình cũng có quyền “kiếm thêm một tí" bằng
cách tăng giá bán lên. Tâm lý này thành xu hướng đám đông, ai cũng nhìn người khác điều chỉnh giá, để mình tăng giá theo.

Yếu tố thứ hai là quản lý nhà nước. Ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống đầu cơ, găm hàng làm loạn giá như xăng, dầu, điện, sách giáo khoa...hay hàng hóa trong siêu thị, tại đại lý, tại doanh nghiệp, vẫn còn một phần lớn hàng hóa được buôn bán tự do ở
chợ, là đang bị thả lỏng, chưa thể kiểm soát được.

Yếu tố “tăng giá giấu mặt", cũng đáng chú ý. Ví dụ như chi phí sản xuất có thể đã được cắt giảm, nhưng giá bán hàng lại không đổi. Như vậy cũng không khác gì tăng giá. Dẫn đến quản lý giá sau khi tăng lương, là không dễ dàng gì.

Chúng tôi kết nối với PGS.Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, để được phân tích thêm về nội dung này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-tang-luong-va-noi-lo-tang-gia-181567.htm