GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỀ XUẤT BAN HÀNH ''LUẬT ĐÔ THỊ ĐẶC BIỆT''

Góp ý kiến về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Thảo luận tại về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, một số đại biểu Quốc hội nêu vấn đề, hiện nay có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Hà Nội được quy định có Luật Thủ đô, tại sao Thành phố Hồ Chí Minh không có Luật Đô thị đặc biệt?

Theo Tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Nghị quyết Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Nghị quyết cũng bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Thành phố, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả. Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó, có các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Cơ bản các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết vì những lý do như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã đề cập (căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn); cho rằng dự thảo Nghị quyết có thể thay thế Nghị quyết 54, vừa cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, đồng thời có thể tạo cơ chế, chính sách vượt trội để thành phố Hồ Chí Minh phát triển với những quy định thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đặc biệt…

Đồng tình với sự cần thiết của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình. Với yêu cầu vào mục tiêu mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề ra, đại biểu cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế, chính sách vượt trội để có thêm điều kiệ phát triển trong thời gian tới. Đại biểu cho rằng, các chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội là hoàn toàn phù hợp.

Bày tỏ ủng hộ việc Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, về mặt lâu dài để tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 31 thì Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu có thể ban hành một dự án Luật riêng dành cho các đô thị loại đặc biệt để quy định một số cơ chế đặc biệt liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế và phương thức vận hành …nhằm đảm bảo cho đô thị đó có thể chủ động ở mức cao nhất, từ nguồn lực sẵn có, những điều kiện, đặc điểm của thành phố, các đô thị đặc biệt, góp phần tạo ra những bước chuyển mới với hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế- xã hội cũng như các nhiệm vụ khác mà với vị trí, vai trò của các thành phố này đối với đất nước.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa- Đoàn thành phố Hồ Chí Minh

Cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết về việc nghiên cứu ban hành một dự án Luật riêng dành cho các đô thị loại đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa- Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề, hiện nay có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Hà Nội được quy định có Luật Thủ đô, tại sao thành phố Hồ Chí Minh không có Luật Đô thị đặc biệt?

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, nếu so sánh yêu cầu của trung ương với thành phố Hồ Chí Minh qua Nghị quyết số 31-NQ/TƯ thì những cơ chế đặc thù này chưa ăn thua. Do đó, cần luật hóa đô thị đặc biệt để trên cơ sở đó có hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76815