Góc khuất của nhà máy iPhone tại Ấn Độ

Ký túc xá thiếu nước, thức ăn có giòi là thứ các nữ công nhân tại nhà máy Foxconn ở thị trấn Sriperumbudur (Ấn Độ) phải chấp nhận để kiếm sống.

Sức chịu đựng của họ lên đỉnh điểm khi 250 công nhân bị ngộ độc sau một bữa ăn vào tháng 12/2021, dẫn đến cuộc biểu tình khiến nhà máy với 17.000 nhân công phải ngừng hoạt động.

Cuộc biểu tình nổ ra khi Apple tăng cường sản xuất dòng iPhone 13, trong khi các cổ đông yêu cầu công ty minh bạch hơn về điều kiện lao động tại các chuỗi cung ứng. Trang tin Reuters đã phỏng vấn 6 nữ công nhân tại nhà máy Foxconn ở Sriperumbudur về điều kiện làm việc, tất cả yêu cầu giấu tên do sợ bị trả thù.

Ký túc xá, bếp ăn không đạt chuẩn

Tại ký túc xá, công nhân ngủ trên sàn, trong những căn phòng có từ 6-30 người. Hai nữ lao động cho biết nhà vệ sinh trong khu của họ không có nước máy.

"Công nhân trong ký túc xá luôn mắc các bệnh như dị ứng da, đau ngực, ngộ độc thực phẩm... Chúng tôi không làm lớn chuyện vì cho rằng những vấn đề sẽ được khắc phục. Nhưng giờ đây nó ảnh hưởng đến rất nhiều người", một phụ nữ 21 tuổi đã nghỉ việc tại nhà máy sau cuộc biểu tình cho biết trước đây, các vụ ngộ độc chỉ ảnh hưởng đến 1-2 công nhân.

Ngày 29/12/2021, Apple và Foxconn xác nhận một số phòng ký túc xá, bếp ăn cho nhân viên nhà máy không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc. Đại diện Apple cho biết đã đặt nhà máy này vào diện quản chế, tạm thời đóng cửa đến khi đáp ứng các tiêu chuẩn.

Nhà máy của Foxconn tại Ấn Độ tạm ngừng hoạt động sau cuộc biểu tình của công nhân do điều kiện làm việc tồi tệ. Ảnh: Reuters.

Luật quản lý nhà tập thể cho lao động nữ tại thành phố Tamil Nadu quy định mỗi lao động có ít nhất 11,15 m2 không gian sống, ký túc xá phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn cháy nổ do chính quyền địa phương quy định.

K. Mohan, một quan chức địa phương cho biết ký túc xá không có biện pháp ngăn ngừa Covid-19, lo lắng nơi này có thể trở thành ổ dịch.

Chia sẻ với Reuters, Foxconn cho biết đang tái cơ cấu đội ngũ quản lý địa phương, làm việc với đối tác để cải thiện cơ sở vật chất. Người lao động tại nhà máy vẫn được trả lương trong khi cơ sở tạm ngừng hoạt động. Venpa Staffing Services, đối tác quản lý ký túc xá khiến các công nhân bị ngộ độc từ chối bình luận vấn đề

Nhà máy quan trọng của Apple

Nhà máy iPhone tại Sriperumbudur được công ty Đài Loan mở cửa vào năm 2019, là động lực cho chiến dịch "Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Đối với Apple, nhà máy này là trọng tâm trong nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc do căng thẳng Washington - Bắc Kinh. Năm 2020, Foxconn lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy này trong 3 năm, Reuters cho biết. Hợp đồng thuê nhân sự được Foxconn ký thông qua công ty môi giới lao động, chủ yếu là phụ nữ.

Sriperumbudur, thị trấn bên ngoài Chennai, nơi đặt nhà máy của Foxconn là một khu công nghiệp sầm uất, cũng có nhà máy của Samsung và Daimler. Một số nhà hoạt động cho biết công nhân nữ tại đây ít có khả năng đoàn kết và đấu tranh cho quyền lợi.

Điều kiện sống, ăn uống tại nhà máy không đạt tiêu chuẩn bắt buộc của chính quyền địa phương. Ảnh: Reuters.

Vụ ngộ độc thực phẩm, biểu tình tại nhà máy dẫn đến cuộc điều tra từ ít nhất 4 cơ quan địa phương Ấn Độ. Các quan chức cũng đặt trách nhiệm lên Foxconn để đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn, yêu cầu cải thiện chất lượng ký túc xá và nước uống.

Dù đồng ý cải thiện chất lượng để đạt chuẩn, Foxconn và Apple chưa biết khi nào sẽ mở cửa lại nhà máy. Nói với chính quyền địa phương, Foxconn đã "tăng cường sản xuất quá nhanh" sau khi cắt giảm sản lượng vào tháng 4-5/2021 khi biến thể Delta bùng phát tại Ấn Độ.

"Chúng tôi rất lo lắng"

Những công nhân nữ tại nhà máy có lương khoảng 140 USD/tháng, phải trả thêm tiền nếu muốn ở ký túc xá và ăn uống. Hầu hết công nhân có độ tuổi 18-22, đến từ các vùng nông thôn của Tamil Nadu. Mức lương tại nhà máy này cao hơn 1/3 so với con số tối thiểu do chính quyền địa phương đưa ra.

Vụ ngộ độc thực phẩm ngày 15/12/2021 tại nhà máy Foxconn khiến 159 phụ nữ tại một ký túc xá nhập viện. Một tuần sau, chính quyền Thiruvallur cho biết khoảng 100 phụ nữ khác cần được chăm sóc y tế nhưng không phải vào viện. Do ca làm bị đảo lộn, nhiều phụ nữ đã tổ chức biểu tình mà không có lãnh đạo hoặc công đoàn bảo lãnh.

"Chúng tôi rất lo lắng, sau đó nói chuyện với những công nhân khác và quyết định biểu tình", một trong những lao động tại nhà máy cho biết.

Ngày 17/12/2021, khoảng 2.000 phụ nữ xuống đường, chặn một cao tốc gần nhà máy. Vài công nhân nam tại một nhà máy ôtô gần đó cũng tham gia biểu tình vào hôm sau. Cảnh sát được cho đã đáp trả bằng cách tấn công, bắt giữ các công nhân biểu tình.

Cảnh sát bắt giữ 67 nữ công nhân, một nhà báo địa phương và tịch thu điện thoại, những luật sư liên quan nói với Reuters. Trong khi đó, quan chức cảnh sát địa phương bác bỏ thông tin người biểu tình bị đánh đập, tịch thu điện thoại hay đe dọa.

Bạo loạn tại nhà máy Wistron, đối tác của Apple đặt ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Ảnh: Gadgets NDTV.

Sau cuộc biểu tình, cơ quan an toàn thực phẩm quyết định đóng cửa bếp ăn ký túc xá do phát hiện có chuột và hệ thống thoát nước kém. "Các mẫu phân tích không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cần thiết", Jegadish Chandra Bose, quan chức cơ quan an toàn thực phẩm quận Thiruvallur nói với Reuters.

Tình trạng bất ổn tại Foxconn là sự cố thứ 2 liên quan đến đối tác của Apple tại Ấn Độ trong một năm. Vào tháng 12/2020, hàng nghìn công nhân một nhà máy của Wistron đã đập phá xe cộ, máy móc do không được trả lương, gây thiệt hại khoảng 60 triệu USD.

Sau vụ bạo loạn, Apple đã đưa Wistron vào diện kiểm soát, khẳng định không giao đơn hàng mới cho công ty nếu không giải quyết sự cố. Sau thông báo từ Apple, Wistron đã cố cải thiện chất lượng làm việc, kể cả hệ thống trả lương. Nhà máy tại Ấn Độ được Wistron khôi phục hoạt động vào đầu năm 2021.

Phúc Thịnh

Theo Reuters

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-khuat-phia-sau-nha-may-iphone-tai-an-do-post1286689.html