Gỡ vướng các mỏ vật liệu phục vụ cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn, Hà Tĩnh đã chấp thuận 11 mỏ đất, cát san lấp. Các địa phương đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại để chủ đầu tư sớm sử dụng nguồn vật liệu được cấp.

Cuối tháng 10, UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tiếp tục họp bàn, sớm thống nhất các phương án khai thác mỏ cát tại thôn Mỹ Yên (xã Cẩm Mỹ) để làm nguồn vật liệu cung cấp cho vật liệu cho cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn.

Đây là mỏ vật liệu vừa được tỉnh Hà Tĩnh cấp quyền khai thác hồi tháng 7 vừa qua, nhằm bổ sung nguồn vật liệu cung ứng cho việc xây dựng cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng. Tuy nhiên, do lo ngại quá trình khai thác sẽ ảnh hưởng đến chân đập hồ Kẻ Gỗ, chân quốc lộ 8C, làm sạt lở đất canh tác nông nghiệp, tạo vực sâu khiến mất nước sinh hoạt... một số người dân địa phương đã có ý kiến phản đối.

Mỏ cát Mỹ Yên (xã Cẩm Mỹ) là một trong những vị trí được cấp phép lấy nguồn vật liệu phục vụ cao tốc Bắc – Nam.

"Mỏ cát là bãi bồi từ xưa đến nay, được người dân dùng canh tác nông nghiệp. Do gần chân đê hồ Kẻ Gỗ nên nếu khai thác có thể làm sạt lở, ảnh hưởng môi trường và cuộc sống người dân", một người dân trú thôn Mỹ Yên cho hay.

Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, mỏ cát tại thôn Mỹ Yên (xã Cẩm Mỹ) rộng 3,48 ha, trữ lượng gần 90.000 m3. Ba phía bắc, nam và tây của mỏ giáp sông Ngàn Mọ, phía đông giáp 16.900 m2 đất sản xuất của 86 hộ dân.

Theo kế hoạch, mỏ sẽ được khai thác trong 10 tháng (từ 1/12 đến 30/9/2024), không làm ban đêm. Hết thời gian trên, doanh nghiệp phải ngừng mọi hoạt động, thu dọn máy móc thiết bị để tránh mùa mưa lũ và việc xả lũ của hồ Kẻ Gỗ.

“Mỏ cát từng được tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp khai thác từ năm 2014, nhưng người dân không đồng tình nên đã dừng. Do nguồn cát tại Cẩm Xuyên ít, gần biển nên cát mặn, chỉ có mỏ Mỹ Yên là cát ngọt, đủ tiêu chuẩn nên tỉnh cấp phép lại, phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Nếu chọn vị trí khác thì chưa rõ nguồn gốc và trữ lượng, sẽ ảnh hưởng tiến độ xây dựng cao tốc Bắc Nam”, ông Hà cho hay.

Ông Lê Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin về việc cấp thiết cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho dự án trọng điểm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết sau khi tỉnh thực hiện quy trình cấp phép mỏ, huyện và xã ít nhất 5 lần làm việc để tuyên truyền cho người dân hiểu. Đến nay, người dân địa phương cơ bản đã đồng thuận, song vẫn có một số trường hợp chưa đồng tình. Huyện sẽ tiếp tục đối thoại, lúc nào nhận được sự đồng thuận tối đa của người dân mới cho phép khai thác cát.

Trước lo ngại đất canh tác có thể sạt lở do khai thác mỏ, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, thống nhất các biện pháp để chống sạt nếu xảy ra. Nếu quá trình khai thác xảy ra vấn đề sạt lở nặng, ảnh hưởng người dân, địa phương sẽ kiến nghị dừng.

"Việc khai thác chỉ bằng máy múc, đào sâu 1m so với lòng sông, không bơm hút không tạo thành vực sâu nên sẽ không ảnh hưởng đến các công trình như chân đê hồ Kẻ Gỗ, quốc lộ 8C hay làm mất mạch nước ngầm sinh hoạt như người dân lo ngại", Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin thêm.

Hà Tĩnh cấp phép, bổ sung các mỏ đất, cát phục vụ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn.

Ông Lưu Tuấn – Phó Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng cho biết, đoạn tuyến dài 54km, trong đó đi qua 8 xã của huyện Cẩm Xuyên với chiều dài 30,5km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 9.700 tỷ đồng, khởi công từ tháng 1/2023.

“Nguồn đất, cát sử dụng cho công trình cao tốc hiện còn thiếu, khó khăn cho quá trình thi công. Riêng đoạn tuyến này cần hơn 900.000m3 cát đắp nền. Vừa qua, đơn vị được UBND tỉnh phê duyệt 2 mỏ cát ở xã Cẩm Mỹ và Kỳ Lạc với trữ lượng khoảng 450.000m3, đạt 50% khối lượng. Khối lượng còn lại đơn vị phải mua từ tỉnh Nghệ An mới đảm bảo đủ”, ông nói.

Trước đó, chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam, đoạn tuyến Bãi Vọt – Hàm Nghi cũng gặp khó khi người dân có đất tại khu vực mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 2 và 3 (huyện Thạch Hà) yêu cầu bồi thường với giá trị cao hơn quy định hoặc phải bồi thường trên tổng diện tích hiện có.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương phương và đại diện Ban quản lý Thăng Long - chủ đầu tư dự án đã làm việc, giải thích để người dân đồng thuận, phục vụ việc khai thác, bổ sung nguồn vật liệu cho xây dựng cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn.

Hình hài cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.

“25ha đất dùng làm mỏ vật liệu xây dựng, cung cấp cho cao tốc Bắc – Nam hiện đã hoàn thành bàn giao, sử dụng. Là công trình trọng điểm quốc gia nên sau khi nắm bắt, người dân đều đồng thuận, đảm bảo quyền lợi cũng như tiến độ dự án đề ra”, ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cho hay.

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông có ba dự án thành phần đi qua Hà Tĩnh gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng, tổng chiều dài hơn 102 km. Các dự án tại địa bàn cần 1,09 triệu m3 cát và 11,4 triệu m3 đất.

Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho khai thác 11 mỏ vật liệu mới (8 mỏ đất san lấp và 3 mỏ cát lòng sông) để phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua tỉnh này.

Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/go-vuong-cac-mo-vat-lieu-phuc-vu-cao-toc-bac-nam-qua-ha-tinh-post1582606.tpo