Gò Quao đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

Thời gian qua, huyện Gò Quao (Kiên Giang) tích cực tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp nhu cầu của người dân. Sau khi học nghề, nhiều hộ gia đình ở huyện có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chỉ có 4 công đất ruộng để sản xuất, cuộc sống gia đình 4 người của chị Võ Thị Bé Tám, ngụ ấp An Thọ, xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang) gặp nhiều khó khăn. Sau khi được học nghề đan ghế bằng dây nhựa, chị Tám có thêm công việc thường xuyên với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.

“Để trang trải cuộc sống, chồng tôi làm thêm nghề lái xe thuê nhưng cuộc sống vẫn khó khăn vì có hai con đang tuổi ăn học. Nhờ học được nghề đan ghế bằng dây nhựa, sau khi học chính quyền địa phương liên kết doanh nghiệp tạo việc làm thường xuyên nên hàng tháng tôi có thêm thu nhập, kinh tế gia đình cải thiện nhiều. Làm việc tại nhà, tôi có thời gian chăm lo cho gia đình, nuôi dạy các con”, chị Tám chia sẻ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Định An tổ chức 4 lớp dạy nghề ngắn hạn, trong đó có 2 lớp nghề nông nghiệp, 2 lớp phi nông nghiệp. Từ những lớp dạy nghề, xã Định An thành lập tổ hợp tác đan ghế bằng dây nhựa ấp An Thọ, xã Định An với 12 thành viên.

Đồng chí Tô Hải Đăng (giữa) khảo sát hiệu quả sau khi học nghề tại hộ gia đình trên địa bàn xã Định An, huyện Gò Quao.

Đồng chí Tô Hải Đăng (giữa) khảo sát hiệu quả sau khi học nghề tại hộ gia đình trên địa bàn xã Định An, huyện Gò Quao.

Phó Chủ tịch UBND xã Định An Quãng Trọng Dũng cho biết: “Trước đây địa phương mở nhiều lớp dạy nghề phi nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao do đầu ra sản phẩm bấp bênh. Hiện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện liên kết các công ty ngoài tỉnh đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, sau đó mới dạy nghề cho người dân. Nhờ vậy công tác dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả, giúp người dân tận dụng thời gian rảnh có việc làm, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

Năm 2022, huyện Gò Quao mở 14 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, đạt trên 116% kế hoạch, trong đó có 9 lớp dạy nghề đan ghế bằng dây nhựa và các lớp điện dân dụng, trang điểm…

Huyện thành lập 1 hợp tác xã phụ nữ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, chuyên gia công sản phẩm từ lục bình xuất khẩu, có 10 thành viên và khoảng 250 người đan gia công sản phẩm; 6 tổ hợp tác đan ghế bằng dây nhựa và 14 tổ hợp tác gia công sản phẩm từ cây lục bình với 300 thành viên.

“Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao tích cực khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu của người dân và liên kết công ty bao tiêu sản phẩm mở lớp đào tạo nghề vừa đạt chỉ tiêu vừa hiệu quả. Hầu hết học viên tham gia lớp học nghề phi nông nghiệp của huyện có việc làm ổn định, thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2023 huyện nâng các tổ hợp tác đan ghế bằng dây nhựa thành hợp tác xã, mở rộng liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để người dân có thu nhập ổn định, giảm nghèo”, Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao Tô Hải Đăng cho biết.

Huyện Gò Quao có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, thời gian nhàn rỗi còn nhiều, nhất là người lớn tuổi không có việc làm phù hợp. Ngoài tổ chức các lớp dạy nghề, huyện giải quyết việc làm bền vững cho trên 1.000 lao động địa phương, góp phần giảm nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,91% (đạt 100% kế hoạch năm).

Bài và ảnh: VĨ AN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/go-quao-dao-tao-nghe-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-12064.html