Gỡ nút thắt nhà ở xã hội

Khảo sát về nhu cầu nhà ở của công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, có khoảng 1.300.000 lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, chỉ có gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) có chỗ ở ổn định.

Toàn cảnh khu nhà ở xã hội IDICO (thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: TTXVN

Những năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành và phát triển đã thu hút hàng chục vạn lao động vào làm việc nhưng đều trong tình trạng thiếu khu lưu trú, ký túc xá công nhân nên hầu hết lao động nhập cư, ngoại tỉnh phải thuê ở trọ trong những gian phòng chật hẹp, tạm bợ, mất an ninh, an toàn.

Nhà ở đang là một trong những nhu cầu bức thiết của người lao động. Nhưng với giá nhà, đất ngày càng đắt đỏ thì nhiều người phải lao động và tiết kiệm hàng chục năm mới có đủ tiền để mua một căn hộ ở các thành phố lớn.

Để hỗ trợ người lao động thu nhập thấp an cư ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Nhà ở xã hội (NƠXH) trở thành một niềm hy vọng an cư với phần đông người lao động ở các đô thị.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NƠXH đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chăm lo nhà ở cho công nhân, người lao động nên thiếu đầu tư nguồn lực, chưa bố trí quỹ đất phát triển NƠXH. Trong khi cơ chế, chính sách để người lao động tiếp cận với NƠXH và nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển NƠXH còn nhiều bất cập...

Thực tế, 2 năm qua, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ NƠXH - quá ít so với nhu cầu. Các dự án NƠXH mới trên kế hoạch diễn ra phổ biến, bởi doanh nghiệp không mấy mặn mà với loại hình này vì các điều kiện ràng buộc khó khăn, quy trình thủ tục phức tạp.

Điều đáng nói là giá NƠXH tại các đô thị lớn quá cao (18-20 triệu đồng/m2) khiến đối tượng thu nhập thấp khó lòng mua nổi. Ví dụ, để sở hữu một căn nhà ở xã hội hơn 70m2, người mua phải trả 1,5 tỉ đồng. Dù có được vay trả góp với lãi suất 10%/năm trong 20 năm, thì số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hằng tháng trên 10 triệu đồng vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của đại bộ phận người có thu nhập thấp.

Ngay cả khi người lao động quyết tâm mua nhà vẫn gặp vô số rào cản trong các thủ tục hành chính nhiêu khê để xác định đối tượng được ưu đãi mua NƠXH; chứng minh thu nhập; phương thức trả góp... Đơn cử, quy định người mua NƠXH chưa đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nhà đất nào khiến đa số lao động ngoại tỉnh không được mua nhà vì đã có tên trong sổ đỏ của gia đình ở quê.

Có thể thấy, những khó khăn, vướng mắc trên vô tình trở thành rào cản khiến người lao động rất khó tiếp cận với NƠXH. Dẫn đến nghịch lý người có tiền không mua được NƠXH, người đủ điều kiện mua NƠXH lại không có tiền. Nhiều dự án NƠXH xây xong nhưng không thể bán, trong khi nhu cầu của người lao động lại rất cao.

Dư luận kỳ vọng, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ ngay các rào cản bấy lâu nay đang chia cắt chương trình xây dựng NƠXH. Những quy định mới về cơ chế, chính sách, điều kiện, nguyên tắc, yêu cầu về phát triển NƠXH... và đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua... sẽ góp phần đem chương trình, dự án NƠXH đến với người dân một cách thực chất và có chiều sâu.

Vấn đề lúc này là các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH nhận thức rõ thời cơ để có hướng tiếp cận mới hơn trong việc hình thành nên các khu NƠXH văn minh, hiện đại, đảm bảo ổn định đời sống cho nhiều gia đình công nhân và người lao động.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/go-nut-that-nha-o-xa-hoi-post467892.html