Gỡ nút thắt 'công tội song hành' của nhiệt điện than

Thời gian qua, dư luận và trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến nghi ngại nhiệt điện than chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thời gian qua, dư luận và trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến nghi ngại nhiệt điện than chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng khi đặt lên bàn cân của các nguồn cung thì nhiệt điện than vẫn có vai trò nhất định chưa thể dễ dàng thay thế ngay được. Vấn đề “không đánh đổi nhiệt điện bằng mọi giá” trong tình huống phải phát triển nhiệt điện đang là nút thắt lớn cần tháo gỡ…

Ưu thế trên bàn cân nguồn cung

Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây tại Hà Nội thu hút rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý các chuyên gia năng lượng và nhiệt học.

Vấn đề là nhiệt điện than vẫn nhận được nhiều sự nhất trí về vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam chia sẻ: So với các dạng năng lượng truyền thống, Việt Nam hiện phát triển mạnh nhất nguồn thủy năng (thủy điện) do ưu điểm giá thành rẻ, đáp ứng đa mục tiêu và suất đầu tư thấp, thực tế thì thủy điện đã gần như phủ sóng hết các sông, hồ lớn.

Nguy cơ ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than ngày càng lớn.

Tiếp đến là nhiệt điện khí, hiệu suất cao nhất trong các loại nhà máy nhiệt điện, nhưng nhược điểm là nhiên liệu khí đắt, chi phí bảo dưỡng và giá thành gấp đôi điện than và theo tính toán từ năm 2023 trở đi, Việt Nam phải nhập khẩu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó thì các nguồn điện năng từ gió, mặt trời, địa nhiệt… lại gặp tình trạng “thiếu nguyên liệu” vì gió, nắng chỉ tập trung cục bộ và phụ thuộc thời tiết. Điện hạt nhân, nguyên tử thì vẫn còn ở trên quy hoạch.

Bối cảnh ấy và nhu cầu điện thương phẩm quốc gia dự kiến các năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh đã khiến nhiệt điện than nổi lên như giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của loại hình này là “công và tội” song hành. Nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn ra môi trường, đặc biệt là chất thải rắn và khí.

Chiếc chìa khóa khả dĩ duy nhất hiện nay mà nhiều chuyên gia khẳng định chính là cái sẽ tháo gỡ mâu thuẫn đảm bảo an ninh năng lượng song song bảo vệ môi trường khi duy trì nhiệt điện than - đó là công nghệ.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay chỉ còn 3 nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ là nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình và Phả Lại, tuy nhiên, các nhà máy này đều đã lắp đặt hệ thống khử bụi tĩnh điện, đang có kế hoạch đầu tư khử lưu huỳnh. Còn các nhà máy nhiệt điện lớn như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2 đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới nên không gây tác động đến môi trường, có thể yên tâm được.

Tạm thời yên tâm?

Vấn đề quan trọng là giải quyết chất thải gây ô nhiễm tại các nhà máy nhiệt điện. Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, xỉ than và tro bay là 2 tác nhân gây ô nhiễm môi trường cần được khống chế để giảm thiểu tác hại. Mặc dù thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện than cũng đã có nhiều cố gắng lắp đặt dây chuyền công nghệ xử lý chất thải hiện đại, tuy nhiên vẫn chưa thể nói là an toàn được. Việc khống chế và giảm thiểu ô nhiễm do chất thải của nhà máy có thể được tiến hành bằng cách kết hợp 3 biện pháp sau: Biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm và sự cố. Biện pháp kỹ thuật khống chế ô nhiễm và xử lý chất thải. Biện pháp quản lý và quan trắc môi trường.

Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giải pháp lâu dài xử lý tro xỉ than của nhiệt điện than là sản xuất vật liệu xây dựng, san nền móng các công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông... Hiện khó khăn lớn nhất trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm tro xỉ là thói quen sử dụng của khách hàng bởi quỹ đất cho kho chứa tro thải này chỉ đủ cho 2 năm vận hành. Một khi chưa có đầu ra ổn định thì tro xỉ than từ nhiệt điện vẫn chưa được xử lý triệt để.

Tuy nhiên, những số liệu trong báo cáo của TS. Phương Hoàng Kim - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng phần nào trấn an lo lắng. Ông cho biết, các nhà máy xây mới đều phải khắc phục tối đa khí thải độc hại, lắp đặt lọc bụi tĩnh điện, xây dựng được các cảng cấp than, băng chuyền kín, đồng thời có giải pháp xử lý các chất tro, xỉ.

Ông khẳng định công nghệ cho nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới, các thông số về khí thải, bụi thải đều được theo dõi chặt chẽ và hạn chế tối đa, phát thải dưới mức độ cho phép nên hạn chế được ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh công nghệ, mấu chốt khắc phục hạn chế của điện than nằm ở những giải pháp dài hơi như tiêu thụ sản phẩm từ chất thải, triển khai sớm các dự án điện thay thế như điện hạt nhân, nguyên tử. Người dân đã yên tâm trước sự sát sao và cẩn trọng của Chính phủ trong vấn đề này, mong rằng thực tế triển khai và duy trì các nhà máy nhiệt điện than luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo định hướng, quy chuẩn mà Quy hoạch điện đề ra.

Trần Lâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/go-nut-that-cong-toi-song-hanh-cua-nhiet-dien-than-n124664.html