Gỡ nút thắt cho vay khu vực doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chiếm đến 98% trong số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của nước ta. Là một trong những đối tượng thuộc diện ưu tiên, nhưng thực tế hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nhóm đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng lại thiếu niềm tin với DN tư nhân. Vậy làm cách nào để gỡ nút thắt, mở lối cho DNTN vay vốn?

Nhân viên Ngân hàng VietinBank hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn. Ảnh: KHÁNH AN

90% số DNTN “đói” vốn

Theo chị Nguyễn Bích Liên, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ hoạt động trên địa bàn Hà Nội, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là “căn bệnh” chung của nhiều DN nhỏ. Thực tế, từ khi thành lập năm 2009 đến nay, nguồn vốn hoạt động DN của chị Liên chủ yếu xoay xở từ gia đình, người thân, bạn bè. “Mặc dù các ngân hàng hiện nay đã tung nhiều gói sản phẩm ưu đãi hấp dẫn, nhưng sau khi tìm hiểu, thì việc tiếp cận nguồn vốn không hề đơn giản. Đơn cử như tại một số ngân hàng lớn, lãi suất cho vay thấp, nhưng yêu cầu điều kiện lại khá khắt khe, DN tôi không đáp ứng nổi, như lập báo cáo tài chính, tài sản thế chấp,… Ở ngân hàng nhỏ khác, các điều kiện thủ tục đơn giản hơn, nhưng lãi suất sau một hồi cộng dồn, tính toán thì lại vượt quá khả năng của DN” - chị Liên chia sẻ.

Không chỉ vậy, hiện nay, phần lớn các DNNVV, nhất là các DNTN, đều rất cần vốn để đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, những DN này thường không có khả năng thâm nhập thị trường chứng khoán để huy động vốn. Khả năng tài chính của các DN này cũng hạn chế, cả về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và tài sản thế chấp. Cùng với đó, họ còn gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh khi phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Cũng bởi tình hình “sức khỏe” không tốt, việc sản xuất, kinh doanh bấp bênh, cho nên cánh cửa ngân hàng không rộng mở đối với các DN nhỏ. Chưa kể, còn nhiều điều kiện khác như lịch sử tín dụng, thậm chí là vấn đề tuổi tác chủ DN,... cũng là những rào cản trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. “Sau nhiều lần tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhưng việc vay vốn của DN vẫn không có kết quả. Câu trả lời mà DN nhận được từ các giao dịch viên và tư vấn viên, đó là chủ DN nhiều tuổi, không phù hợp chính sách cho vay” - PGS, TS Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi chia sẻ về hành trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng của mình.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở, nhưng không phải DN nào cũng có thể tiếp cận, nhất là những DN có quy mô nhỏ. Thống kê có khoảng 70% số DNNVV, trong đó có đến hơn 90% số DNTN không tiếp cận được vốn, dù đã có nhiều chính sách tăng trưởng tín dụng cho khu vực DNNVV. Vì vậy, khi có nhu cầu đầu tư, những DN này lại phải tìm đến những nguồn như vay người thân, vay ngoài với lãi suất và rủi ro cao.

“Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng lại thiếu niềm tin với DNTN. Đây là vấn đề cốt lõi. Chính sách của ngân hàng quá thận trọng và theo hướng DN phải thay đổi, còn ngân hàng không thay đổi. Trong khi đó, DNTN lại không chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phương án vay vốn, báo cáo tài chính không theo chuẩn quy định, nguồn vốn đối ứng và giá trị tài sản thế chấp thấp,...” - Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam nhận định.

Thực tế hiện nay, để có thể vay được vốn ngân hàng, các DN cần có phương án kinh doanh hiệu quả, có báo cáo tài chính ổn định và minh bạch. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây chính là điểm còn thiếu và yếu của các DNNVV. Trong đó, DN tồn tại hai loại sổ sách, một loại để báo cáo tài chính với cơ quan thuế, còn một loại để kiểm soát nội bộ. Chính vì hai loại sổ sách này có sự chênh lệch nhau rất lớn cho nên không thuyết phục được ngân hàng dốc hầu bao. Mặt khác, nhiều DN hiện vẫn giao dịch bằng tiền mặt mà không thông qua ngân hàng cho nên cũng không chứng minh được khả năng tài chính của mình.

Mở lối cho vay tín chấp

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV, nhất là DNTN, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam cho rằng, ngoài nỗ lực của DN, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DN tư nhân. “Chúng ta chưa thấy chính sách nào dám đột phá. Để đột phá, điểm mấu chốt nhất là vấn đề tài sản bảo đảm. Lối ra chính là cho vay tín chấp, mặc dù khung pháp lý cho vay tín chấp và tài sản hình thành từ vốn vay là có đủ, nhưng các ngân hàng quá thận trọng, không dám mạo hiểm cho vay tín chấp”, ông Tô Hoài Nam nhận định.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia kinh tế cũng chung quan điểm khi cho rằng, những DN nhỏ cần liên kết với nhau, thực hiện mua bán, sáp nhập để có thể cạnh tranh, cũng như đáp ứng điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Để chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN, đại diện lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ, mới đây, UBND thành phố đã ban hành Công văn 3643/UBND-KT về phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp ngành ngân hàng trên địa bàn đánh giá, nhận diện những khó khăn của người dân, DN, hợp tác xã, trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển, quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.

Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Trần Văn Tần cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, NHNN đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN, thực hiện giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nhóm DNNVV,… Đáng chú ý, NHNN đã có các chính sách hỗ trợ cho vay không có tài sản bảo đảm. Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, Thống đốc NHNN có văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh đề nghị phối hợp triển khai kết nối vốn, cơ chế giải ngân các quỹ hỗ trợ tại các địa phương. Ngoài ra, bên cạnh việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN, nhiều tổ chức tín dụng chủ động đưa ra một số chương trình ưu đãi cho DNNVV, như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay USD với quy mô 23 triệu USD, lãi suất 3 đến 4%/năm; Ngân hàng TMCP Bản Việt có chương trình “Kết nối Bản Việt - SME” với quy mô 600 tỷ đồng, triển khai dịch vụ “Bổ sung vốn kinh doanh dành cho khách hàng DN nhỏ và siêu nhỏ”, nhằm giải quyết khó khăn tiếp cận vốn của DN; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có chương trình “SE top-up” cho vay tín chấp tới ba tỷ đồng,…

Cũng theo ông Trần Văn Tần, thời gian qua, NHNN luôn coi trọng và chỉ đạo quyết liệt các chính sách tín dụng đối với DNNVV, DNTN. Khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng của các tổ chức tín dụng với dư nợ hiện gần bốn triệu tỷ đồng, và hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ. Cụ thể, từ năm 2014, tỷ lệ cho vay đối với DNTN chỉ chiếm 53%, năm 2015 tăng 62% và tính đến tháng 4-2017 là 66%. Tính đến tháng 6-2017, dư nợ tín dụng của DNNVV đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 6,5% so với năm 2016. Có khoảng 200 nghìn khách hàng còn dư nợ, tăng 10.500 khách hàng so với năm 2016. “Tuy nhiên, một số DNTN chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, do năng lực quản trị và khả năng tài chính của DN còn hạn chế, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và không công khai minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thẩm định. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngân hàng, các DN cần tự nỗ lực hơn, nâng cao khả năng tài chính, bên cạnh đó cần minh bạch thông tin, thì các tổ chức tín dụng mới xem xét và quyết định mức cho vay” - ông Trần Văn Tần lưu ý.

Đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội huy động được 1,7 triệu tỷ đồng, cả cho vay và đầu tư đến nay gần 1,5 triệu tỷ đồng, nên đang thừa vốn. NHNN chi nhánh Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để tích cực hỗ trợ tín dụng lãi suất hợp lý cho các DN.

Phạm Văn Vũ

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/33849802-go-nut-that-cho-vay-khu-vuc-doanh-nghiep-tu-nhan.html