Gỡ khó về vốn tín dụng cho khu vực Tây Nguyên

Tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt khoảng hơn 508 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 (toàn quốc cuối tháng 9 tăng 6,92%) và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên được cải thiện

Phát biểu khai mạc Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều 20/10 tại Đắk Lắk, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực Tây Nguyên về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, những năm qua, toàn ngành ngân hàng luôn cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến 30/9/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của vùng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với khoản cho vay mới và cũ trên địa bàn ở mức 7,3%-9,1%. Kết quả, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên được cải thiện: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên đạt khoảng 297.501 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 chiếm 9,65% so với dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc; Dư nợ cho vay các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu đều tăng khá (với dư nợ là 76.255 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, tăng 7.06% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 82% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc; dư nợ cho vay cao su đạt 7.168 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, chiếm 15,7% dư nợ cho vay cao su toàn quốc…); dư nợ cho vay ngành công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng 11,57%.

"Bên cạnh những kết quả đạt được đó, hoạt động sản xuất-kinh doanh của khu vực cũng còn những hạn chế, khó khăn, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, giảm nghèo chưa bền vững. Hoạt động ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về nguồn vốn khi huy động vốn chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phản ánh gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng,” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu.

Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang: Trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.

Tại Tây Nguyên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ chiếm khoảng 53%. Hoạt động huy động vốn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, các tổ chức tín dụng phải nhận điều chuyển vốn từ hội sở để kinh doanh,…

Cần “gói” tín dụng đặc thù mang tính thời vụ

Về phía các doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh - đại diện cho Công ty xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cho biết: hiện nay khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Trong thực tế, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.

“Đơn cử như với Công ty Vĩnh Hiệp, 25 năm qua trong quan hệ tín dụng ngân hàng luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn tín dụng; nhưng đến nay chúng tôi vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản bảo đảm là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức, thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp chúng tôi không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi hình thức cho vay này,” bà Lan Anh cho hay.

Do vậy, đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê. Đề nghị cung cấp một gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho các doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, về room tín dụng, về chính sách tài sản bảo đảm (hàng hóa), để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI; xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào phương án sản xuất kinh doanh (gồm Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hóa) để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn…

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty cà phê Đăk Uy (chi nhánh Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) Nguyễn Cao Biền, công ty hiện đang có dư nợ tại Agribank tỉnh Kon Tum gần 40 tỷ đồng. Trước đây, Công ty vay theo chương trình tái canh cà phê, nhưng từ năm 2019 thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho vay tái canh cà phê chuyển sang áp dụng cơ chế vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55.

“Vì vậy trong thời gian tới đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi lãi suất với chương trình tái canh cà phê, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất thấp, bảo đảm cho doanh nghiệp hoàn thành tái canh cà phê, mang lại năng suất ổn định và bảo đảm nguồn vốn trả nợ ngân hàng,” ông Nguyễn Cao Biền kiến nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định: Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. “Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, cùng các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững,” ông Đào Minh Tú chia sẻ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/go-kho-ve-von-tin-dung-cho-khu-vuc-tay-nguyen-post778656.html