Gỡ khó trong thu gom rác thải

Sau hơn 7 năm triển khai thu phí thu gom, xử lý rác thải theo Quyết định 432/QĐ-UBND ngày 2-12-2017 của UBND tỉnh, từ ngày 1-1-2023, Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND về giá dịch vụ và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực, thay thế Quyết định số 432. Sau hơn nửa năm thực hiện, việc triển khai tại nhiều địa phương đã có kết quả, nhưng bước đầu cũng bộc lộ một số bất cập, khiến nguy cơ thất thu hiện hữu, thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Người hưởng dịch vụ phải trả phí

Trước năm 2015, tình trạng môi trường ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) khiến lãnh đạo xã này phải thừa nhận là… vô tội vạ. Rác thải không có người thu gom, quản lý, giám sát. Chất thải sinh hoạt, thậm chí cả xác động vật chết nhiều khi người dân vứt dọc 2 bên đường.

Khi xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên chính quyền xã tập trung làm là giao cho các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Tại mỗi thôn, xây dựng một điểm tập kết rác tập trung để đơn vị thu gom thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại địa phương một tuần 2 lần. Đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết, thời điểm mới bắt đầu thực hiện, cũng rất mất thời gian để tuyên truyền, vận động. Nhưng khi đã trở thành nền nếp, thì mọi việc lại đơn giản hơn. Hiện tất cả các thôn ở Hoàng Khai đã thực hiện hợp đồng và thu phí thu gom xử lý rác thải, tuy nhiên, không phải 100% hộ dân tham gia. Nhiều hộ dân sống xa khu trung tâm, có diện tích rộng tự thực hiện xử lý theo hình thức đốt hoặc chôn lấp.

Thôn Yên Khánh là một trong những thôn thực hiện rất hiệu quả công tác thu phí thu gom, xử lý rác thải. Ông Nguyễn Thiện Quyền, Trưởng thôn cho biết, là thôn 100% đồng bào di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, việc tuyên truyền có vất vả hơn, vì nếu so với mặt bằng chung của xã, thì mức sống của bà con trong thôn thấp hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, việc đầu tiên mà thôn thực hiện là quy hoạch được 1 điểm tập kết rác thải tập trung. Các quy định, mức thu phí được phát trên loa phát thanh của thôn 2 lần trong ngày. Ngay tại các cuộc họp thôn, những hộ thực hiện tốt được biểu dương công khai để những hộ chưa thực hiện tốt học tập. Sau hơn 1 năm triển khai việc thu phí, 100% bà con ở Yên Khánh thực hiện.

Công nhân Hợp tác xã Thanh Bình, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) phân loại rác thải nhựa để tái chế.

Mức thu phí thu gom, xử lý rác thải tập trung tại các thôn gần khu vực trung tâm xã Hoàng Khai là 12 nghìn đồng/hộ gia đình/tháng, tại những khu vực xa trung tâm là 20 nghìn đồng/hộ gia đình/tháng. Mức thu này duy trì từ năm 2015 đến nay và chưa có điều chỉnh, thay đổi sau nhiều năm.

Nói đến Hoàng Khai để thấy, việc thay đổi thói quen và tăng trách nhiệm của người dân đối với vấn đề môi trường là câu chuyện cần nhiều thời gian để thực hiện.

Ngay khi Quyết định số 31 có hiệu lực, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang đã dành 3 tháng đầu năm để làm việc, phối hợp với các xã, phường, tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Việc thu phí theo Quyết định 31 mới được tổ chức thực hiện từ quý II-2023 trở đi. Nếu như trước đây, đơn vị chỉ có 5 người làm nhiệm vụ thu phí thì trong thời gian này, đã phải tăng cường thêm 4 người nữa để vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa tuyên truyền, giải thích cho người dân nắm bắt về quy định mới.

Còn nhiều bất cập

Theo thống kê của ngành Tài nguyên môi trường, khối lượng rác thải của người dân xả ra ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của xã hội. Một ngày, toàn tỉnh thải ra khoảng 180 tấn rác thải, trong đó, riêng khu vực thành phố Tuyên Quang xấp xỉ 100 tấn. Để giải quyết, xử lý lượng rác thải này, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Và câu chuyện thiếu tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải luôn là câu chuyện nóng bỏng.

Theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh, thì việc đóng phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của người dân, doanh nghiệp hiện nay mới chỉ đóng góp 30% vào chi phí thu gom, xử lý rác thải. Việc thu phí với người dân, doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng mỗi năm 10%, đảm bảo đến năm 2030, người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện đóng góp 100% chi phí thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, thì vấn đề cần làm nhất lúc này là giải quyết, xử lý những bất cập của Quyết định 31. Nếu như Quyết định 432 quy định, mức thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đối với hộ gia đình cao nhất (từ 7 người trở lên) là 17 nghìn đồng/người/tháng, đối với hộ kinh doanh, trường học, nhà trẻ, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp, Công ty, Hợp tác xã mức cao nhất là 165 nghìn đồng/tháng; đối với các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng kinh doanh hàng ăn uống, nhà nghỉ mức thu cao nhất là 330 nghìn đồng/tháng.

Theo Quyết định 31, việc thu phí thu gom, xử lý rác thải đối với hộ gia đình sẽ không thực hiện thu theo hộ nữa, mà tính nhân khẩu. Cụ thể, tại khu vực thành phố Tuyên Quang trong năm 2023 sẽ có 2 mức thu: khu vực các phường là 7 nghìn đồng/người/tháng, các xã là 5 nghìn đồng/người/tháng. Tại các huyện cũng có 2 mức thu: khu vực thị trấn 4 nghìn đồng/người/tháng và các xã là 1,5 nghìn đồng/người/tháng. Năm 2024, mức thu của mỗi khu vực sẽ tăng 2 nghìn đồng. Riêng khu vực các xã tăng 500 đồng.

Cũng theo Quyết định 31, việc thu gom rác thải tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng sẽ được thu theo khối lượng. Dưới 5 kg/ngày đến 300 kg/ngày, mức thu theo khối lượng cũng sẽ dao động từ 31 nghìn đồng đến trên 2,1 triệu đồng/tháng.

Rác thải tại khu vực cầu Bình Trù, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) (Ảnh chụp ngày 1-8-2023).

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) lý giải, đây là cách tính toán đảm bảo tính công bằng, tiến tới mục tiêu người xả rác nhiều sẽ là người trả nhiều phí hơn, để đóng góp cùng ngân sách nhà nước trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Thành phố Tuyên Quang theo dự toán của Quyết định 31 nếu thực hiện thu phí của 100% hộ dân trên địa bàn thì tổng giá trị thu được đạt trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Phòng Quản lý đô thị thành phố, hiện mới chỉ có một số tuyến đường, phố, ngõ xóm đã được Nhà nước sử dụng ngân sách để thực hiện các dịch vụ công thì giá trị thu phí năm 2023 ước gần 4,5 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Tuyên Quang cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển thực hiện thu đạt trên 1,5 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch. Bởi trên thực tế, nhân khẩu biến động liên tục, nhiều gia đình, có nhiều nhân khẩu trong sổ hộ khẩu nhưng thực tế người sinh sống tại gia đình lại rất ít, dẫn đến thực thu không đạt con số dự toán. Thêm vào đó, dự toán của ngành tài chính là thực hiện thu trên 100% dân số trên địa bàn, trong khi thực tế, nhiều khu vực của thành phố, nhiều tuyến đường, ngõ xóm chưa thực hiện thu gom mà chủ yếu do người dân tự xử lý hoặc thuê ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị chia sẻ, việc thu phí các cơ sở kinh doanh hiện nay của đơn vị này hoàn toàn dựa trên cảm quan, vì thực tế, đơn vị không bố trí đủ người để đi cân rác hàng ngày.

Hay như kiến nghị của UBND huyện Sơn Dương, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển theo Quyết định số 31 hiện chưa có công thu gom rác ở các tuyến đường bằng thủ công, mà mới chỉ chi trả cho hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt tại điểm tập kết rác tập trung lên xe ô tô bằng thủ công. Đây cũng là bất cập tại phần lớn các địa phương khác, khi áp dụng Quyết định 31 vào thực tế.

Giải pháp

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIX, những bất cập trong triển khai thực hiện Quyết định số 31 của UBND tỉnh cũng đã được nhiều đại biểu đặt ra cho các ngành liên quan.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu: Ngành tài nguyên Môi trường phải hướng dẫn, tuyên truyền người dân có trách nhiệm thu gom; đồng thời đánh giá lại vướng mắc của Quyết định 31 để có điều chỉnh cho phù hợp, để đảm bảo sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh không bị vướng mắc bởi cơ chế tài chính.

Về vấn đề này, Sở Tài chính hiện đang đôn đốc các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan báo cáo tình hình thực hiện thu giá dịch vụ theo Quyết định 31 đối với từng huyện, thành phố gửi để Sở Tài chính tổng hợp. Trên cơ sở các báo cáo, đánh giá thực trạng, nhu cầu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực trạng việc thu giá dịch vụ tại các địa phương để phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan hướng dẫn và tham mưu cấp có thẩm quyền các nội dung theo quy định.

Đối với những bất cập về việc thu phí theo khối lượng tại các cơ sở kinh doanh, ngành tài nguyên môi trường và các đơn vị liên quan cũng đã tính đến các phương án, như khoán theo loại hình, theo doanh thu, thuế môn bài hoặc tính toán đến việc cấp các túi đựng rác 5 kg, 10 kg, 20 kg, 30 kg...

Đối với đơn giá tại khu vực các xã, sẽ có phương án tính toán lại để đảm bảo mức thu phù hợp với nhu cầu phát triển.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo đồng chí Phùng Thế Hiệu cần khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa các dự án xử lý rác thải đầu tư vào tỉnh. Vì chỉ khi có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, việc thu gom xử lý được mở rộng ra toàn tỉnh, thì trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với việc đóng phí cho sự nghiệp môi trường mới tự giác.

Nguyễn Đạt

Đồng chí Tô Hoàng Linh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang

Tăng cường tuyên truyền để các đối tượng sử dụng dịch vụ trả phí

Để thu đủ phí thu gom rác thải sinh hoạt năm 2023, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trúng thầu cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường tổ chức thu giá dịch vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên các tuyến đường, phố, ngõ đã được Nhà nước sử dụng ngân sách để thực hiện các dịch vụ công theo đúng mức giá dịch vụ quy định tại Quyết định 31 của UBND tỉnh. UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền đến đối tượng sử dụng dịch vụ thực hiện chi trả giá dịch vụ theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện thu giá dịch vụ đúng đối tượng, đúng mức giá theo quy định. UBND thành phố cũng sẽ có những đề xuất với tỉnh để điều chỉnh một số nội dung về mức giá dịch vụ thu tính theo kg từ năm 2025 trở đi, việc điều chỉnh giá dịch vụ tại Quyết định 31 của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sao cho phù hợp, để việc thu giá dịch vụ được đảm bảo trong thời gian tới. Ngoài ra cũng đề xuất với cơ quan chức năng giao UBND các xã, phường tổ chức thu giá dịch vụ, có hỗ trợ kinh phí cho người đi thu giá dịch vụ.

Đồng chí Tô Thị Phương Bình
Trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính

Phối hợp ngành chức năng để có giải pháp hiệu quả nhất

Sở Tài chính đang đôn đốc các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan báo cáo tình hình thực hiện thu giá dịch vụ theo Quyết định 31/2022/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh về Quy định giá dịch vụ và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trên cơ sở báo cáo của huyện, thành phố, đơn vị sẽ phối hợp với ngành chức năng đánh giá thực trạng để đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhất. Trong thời gian này, Sở cũng có văn bản báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố chủ động sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường được giao; nguồn thu dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nguồn tại chỗ (bao gồm nguồn ngân sách cấp huyện) để duy trì hoạt động thu, gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo đúng quy định, đảm bảo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ông Phùng Thế Hiệu
Trưởng Phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường

Sẽ đề xuất sửa đổi giá dịch vụ và hình thức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Toàn tỉnh hiện có 3 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hoặc công nghệ đốt hợp vệ sinh. Trên thực tế, hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn theo phương thức truyền thống thủ công, bán cơ giới; thiếu trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển sau phân loại; các điểm tập kết, trung chuyển rác chưa đồng bộ do nguồn ngân sách còn hạn chế. Rác thải sau khi thu gom về đa phần sẽ xử lý theo hình thức chôn lấp. Về lâu dài, đây là bài toán đối với các địa phương khi quỹ đất chôn cất rác có hạn, lâu dài sẽ gây ô nhiễm. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các ngành, đơn vị để rà soát những bất hợp lý trong Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Quy định giá dịch vụ và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để đề xuất sửa đổi phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hà Xuân Khanh
Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên)

Vận động nhân dân xử lý rác

Trên địa xã hiện có 8/17 thôn có trục đường thuận lợi đã có hợp đồng với một công ty vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt mang đi xử lý theo quy định, còn lại 9 thôn xa trung tâm xã, nhân dân vẫn phải tự xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Trước thực trạng đó, UBND xã đã, đang tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phân loại, xử lý rác thải tại gia đình. Trong đó, rác thải hữu cơ được phân loại ủ bón cho cây trồng hoặc chôn lấp; rác thải rắn sẽ thu gom và đốt ở hố rác hoặc lò đốt rác mini. Bước đầu, xã đã xây dựng mô hình vận động nhân dân thôn Đồng Danh tự xây lò đốt rác mini xử lý rác thải của gia đình. Hiệu quả của mô hình này được triển khai nhân rộng ra các thôn còn lại như: Bình Minh, Làng Dào, thôn 21… Đây là giải pháp góp phần để xã về đích nông thôn mới nâng cao theo lộ trình.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/go-kho-trong-thu-gom-rac-thai-178382.html