Gỡ khó đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế

Quy định được chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu góp phần giúp các bệnh viện lựa chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Có thể mua ngay được thuốc

Điểm mới, đáng chú ý của Nghị định 24 là quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng chống dịch bệnh... Điều này nhằm bảo đảm các bệnh viện (BV) có thể mua ngay được thuốc để phục vụ công tác mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu tốn nhiều thời gian.

Liên quan đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng, dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24 bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu, để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình, không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.

Đối với trường hợp thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc đã đấu thầu nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung đã ký trước đó hết hiệu lực, BV được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tối đa 12 tháng và được quỹ BHYT thanh toán theo đúng giá hợp đồng.

Ngoài ra, trường hợp nhà thầu đã trúng thầu (gồm cả trúng thầu gói thầu đấu thầu tập trung) nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng không thể tiếp tục cung cấp thuốc thì BV được phép chỉ định thầu cho nhà thầu khác thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu mà không giới hạn hạn mức chỉ định thầu.

Được chọn giá cao nhất

Về xác định giá gói thầu, Nghị định 24 quy định việc thu thập báo giá là 1 trong 7 căn cứ để xác định giá gói thầu. Riêng lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá, BV được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu.

Luật Đấu thầu năm 2023 cũng quy định cụ thể các trường hợp giám đốc BV được tự quyết định mua sắm mà không nhất thiết phải tổ chức đấu thầu; cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ hàng hóa để lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt; áp dụng tùy chọn mua thêm để có thể mua thêm ngay được hàng hóa mà không phải tổ chức đấu thầu; được đàm phán giá, mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít (như thuốc chữa ngộ độc, rắn độc cắn...) và nhiều nội dung mới khác.

Các chuyên gia y tế cho rằng quy định như trên sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các BV trong việc mua thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh; cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương. Đồng thời, góp phần giúp BV lựa chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của mình.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường năng lực triển khai Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24 để tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trên cả nước kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Với chính sách đấu thầu mới, hy vọng các cơ sở y tế bảo đảm cung ứng tốt hơn nguồn thuốc và vật tư y tế cho điều trị. Ảnh: TẤN THẠNH

Khắc phục tình trạng thiếu

Trước đó, Thông tư 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế được cho là giải pháp tích cực, tháo gỡ những "nút thắt", "cởi trói" cho các BV trong đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị y tế. Việc đấu thầu mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn vướng, dẫn đến thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế đã và đang xảy ra tại nhiều cơ sở y tế.

GS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho biết Nghị định 24 đưa ra những giải pháp để các BV bảo đảm có đủ nguồn hàng phục vụ khám chữa bệnh chứ không phải "đánh đố" các BV. Đây cũng là hành lang pháp lý để các BV thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguồn hàng phục vụ người bệnh từ 1 - 2 năm, không phải mua hàng theo kiểu ngắn hạn, bị động và nhỏ giọt như thời gian qua.

"Tuy nhiên, kể cả khi đã có đủ các hướng dẫn thì từ thời điểm làm các thủ tục đến khi có thuốc, vật tư cung ứng cũng phải mất ít nhất 2 tháng. Do đó, trong khi chờ thầu, BV sẽ tiếp tục mua sắm các gói nhỏ để bảo đảm công tác khám chữa bệnh" - ông Ánh nói.

Tại BV Bạch Mai, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV, cho biết đã sẵn sàng các hạng mục cần mua sắm để khi có các hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư y tế, BV sẽ triển khai ngay. Tuy nhiên, theo quy định, để hoàn thiện các quy trình đấu thầu đến khi có hàng cũng phải mất từ 2 - 3 tháng, nên không phải cứ có Nghị định 24 và thông tư hướng dẫn là có thuốc và vật tư ngay.

Giám đốc BV Việt Đức, bác sĩ Dương Đức Hùng, cho biết trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng với đó là nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1 - 2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của BV. Tuy nhiên, BV đã phân loại rõ những trường hợp cấp cứu phải tuyệt đối ưu tiên. Khi chưa có hướng dẫn triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế của Luật Đấu thầu thì BV vẫn mua sắm những gói thầu nhỏ trong phạm vi cho phép hoặc mua theo hình thức khẩn cấp.

"Chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm công tác cấp cứu. Thực tế, nhiều tháng qua đã áp dụng linh hoạt các hình thức để mua sắm thuốc, vật tư để người bệnh không bị gián đoạn điều trị bằng việc mua sắm gói nhỏ dưới 50 triệu đồng. Với BV lớn thì 50 triệu đồng chỉ đủ mua găng tay dùng trong 1 tuần" - đại diện một BV cho biết.

ThS Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu - BV Chợ Rẫy, nhìn nhận: "Vấn đề này còn quá mới nên phải xem xét kỹ. Trong sáng 1-3, BV Chợ Rẫy có trao đổi với Bộ Y tế về vấn đề này. Nói chung đây là hướng tốt hơn, hướng mở cho các BV nhưng chúng tôi đang xem kỹ lại các nội dung trong đó".

Để tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trên cả nước kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, sau khi Nghị định 24 được ban hành, Bộ Y tế đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật.

Cơ bản giải quyết được nhiều khó khăn

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Nghị định 24 do Chính phủ ban hành ngày 27-2-2024, về cơ bản đã giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc mà Luật Đấu thầu năm 2023 quy định.

Cụ thể, về việc xây dựng giá, báo giá gói thầu, quy định trước đây phải là giá thấp nhất. Tuy nhiên, theo Nghị định 24, các cơ sở khám chữa bệnh được lấy giá cao nhất, trong trường hợp có nhiều báo giá để bảo đảm việc phục vụ chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh. Thứ hai, có giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh, cắt giảm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đấu thầu qua mạng, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

"Nghị định 24 cũng khắc phục được một số bất cập trước đây như có thể chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng chống dịch nhằm bảo đảm các BV có thể mua ngay được thuốc để phục vụ khám chữa bệnh, không cần phải thực hiện các thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian như trước đây" - đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa thông tin.

Cũng theo đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, ngoài "cởi trói" cho các BV, cơ sở khám chữa bệnh thì Nghị định 24 có một số vấn đề còn chưa rõ ràng. Cụ thể như thẩm quyền thành lập hội đồng mua sắm tập trung cấp địa phương, Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định 24 cũng chưa nêu rõ vấn đề này, cơ sở vật chất phục vụ cho việc mua sắm tập trung cấp địa phương cũng chưa có.

"Ví dụ, nếu áp dụng cụ thể trong trường hợp này, sở y tế mua thuốc tập trung chẳng hạn, giám đốc sở y tế phải có trách nhiệm trang bị cơ sở vật chất, thì rất khó thực hiện. Vì theo Luật Ngân sách, sở y tế không có khoản kinh phí mua sắm này. Trong khi quá trình triển khai đấu thầu, theo quy định phải công khai qua mạng sẽ cần nhiều máy tính và có tính bảo mật nên liên quan tới cơ sở vật chất, nơi làm việc tập trung, như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn, nên cần phải được nghiên cứu tháo gỡ" - đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa nêu.

Nghị định 24 cũng quy định thành viên trong tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu nhưng trước đây quy định chứng chỉ ghi "đấu thầu cơ bản". Hai khái niệm này có đồng nghĩa hay không, nếu không đồng nghĩa thì sẽ không đáp ứng được, vì đa phần chứng chỉ của các thành viên trong tổ chuyên gia, tổ thẩm định ở Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa ghi là "chứng chỉ đấu thầu cơ bản".

Th.Tuấn

Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/go-kho-dau-thau-mua-thuoc-vat-tu-y-te-196240301214628271.htm