Gỡ khó cho trung tâm học tập cộng đồng

Đề án 'Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030' theo Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 30-7-2021) đặt ra mục tiêu phát triển đa dạng các mô hình học tập. Trong đó, 100% phường, xã, thị trấn tại TPHCM đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Tuy nhiên, mô hình này chưa phát huy hiệu quả do gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự.

Đẩy mạnh liên kết

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TPHCM, tính đến tháng 10-2023, toàn thành phố có 859 cán bộ quản lý, 520 giáo viên và 2.777 cộng tác viên tham gia giảng dạy tại các TTHTCĐ.

Dù có quy mô phát triển rộng khắp trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, nhưng như Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhìn nhận, một số trung tâm hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nội dung hoạt động kém phong phú, thiếu hấp dẫn, thậm chí nặng tính hình thức.

Lý giải thực tế trên, bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, cho biết, hiện nay, theo quy chế hoạt động, cán bộ quản lý TTHTCĐ được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm, gồm: một cán bộ quản lý cấp phường, xã (thường phân công phó chủ tịch UBND phường, xã), một cán bộ hội khuyến học (chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội) và một lãnh đạo trường tiểu học hoặc THCS trên địa bàn. Do không có nhân sự chuyên trách, việc quản lý và tổ chức hoạt động của TTHTCĐ gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ lãnh đạo UBND phường, xã thường xuyên thay đổi; cán bộ hội khuyến học đa phần là người lớn tuổi, hạn chế về sử dụng công nghệ thông tin, không có điều kiện tham gia hoạt động thường xuyên tại trung tâm. Mặt khác, quy định chế độ phụ cấp hiện nay đối với thành viên ban giám đốc TTHTCĐ chỉ ở mức 100.000 đồng/người/tháng nên chưa đủ sức thu hút đội ngũ.

Lớp học tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM năm học 2023-2024. Ảnh: CAO THĂNG

Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 11, cho biết, để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và dàn trải của người dân ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh cơ sở vật chất còn hạn chế, các TTHTCĐ phải chủ động liên kết với nhau. Cụ thể, người dân sinh sống tại phường này có thể tham gia lớp học trên địa bàn phường khác. Ngoài ra, các trung tâm cũng tích cực vận động thêm các nguồn xã hội hóa để “mượn” phòng ốc, trang thiết bị dạy học, nguyên vật liệu thực hành cho các khóa học như sân tập, nhà thi đấu, phòng vi tính, cơ sở sản xuất, đơn vị hoạt động giáo dục trên địa bàn.

Theo Giám đốc TTHTCĐ phường Thạnh Lộc, quận 12 Võ Mỹ Thảo Vân, để có đủ nguồn lực tổ chức các hoạt động, TTHTCĐ đã liên kết với trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trú đóng trên địa bàn nhằm tăng cường giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy.

Phát huy các nguồn lực xã hội

Theo ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Tân Phú, hiện nay việc phát phiếu điều tra nhu cầu học tập ở khu dân cư của các TTHTCĐ có tỷ lệ thu hồi không cao. Do đó, trước mắt, các trung tâm ưu tiên đối tượng điều tra là những cán bộ, nhân viên của phường và của các khu phố, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp, câu lạc bộ để tổ chức khóa học.

Từ những lớp học “hạt nhân” này sẽ tạo sự lan tỏa, giúp việc điều tra nhu cầu học tập, mở lớp học cho người dân trên địa bàn phường thuận lợi hơn, đồng thời qua đó góp phần định hướng nhu cầu học tập của khu dân cư. Bên cạnh đó, thông qua phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, hội khuyến học các cấp cũng chăm lo, trao học bổng cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi vượt khó trong học tập nhằm tạo thêm điều kiện để người dân có cơ hội học tập thường xuyên và suốt đời.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của TTHTCĐ tại các phường, xã, thị trấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng xã hội học tập; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, từ năm 2023, các TTHTCĐ sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển công nghệ đào tạo mở từ xa để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, nâng cao hiệu quả mô hình xây dựng xã hội học tập.

Trong năm 2022, 310 TTHTCĐ trên địa bàn TPHCM đã tham gia xóa mù chữ cho 677 người; phổ cập giáo dục THCS và THPT cho 17.346 người; bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho 60.058 người; tổ chức nhiều lớp tập huấn nghề ngắn hạn, tuyên truyền về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, văn nghệ, thể dục thể thao…

Kết quả đánh giá xếp loại cuối năm 2022 cho thấy, có 225 đơn vị xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 72,58%), 76 đơn vị loại khá (24,52%) và 9 đơn vị loại trung bình (2,9%).

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-kho-cho-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-post709972.html