Gỡ khó cho Quỹ Phát triển đất

Tổng nguồn vốn được giao quản lý là 1.255 tỷ đồng, trong năm 2023 chỉ có 418 tỷ đồng được dùng để ứng vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, cho vay hoặc đầu tư một số công trình, dự án. Đó là một phần thực trạng hoạt động của Quỹ Phát triển đất.

Trong những năm qua, không ít doanh nghiệp có nhu cầu được Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh đứng ra bảo lãnh để vay vốn ngân hàng, nhưng do quy định quá khắt khe nên số doanh nghiệp được đáp ứng rất ít. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Quỹ Phát triển đất thực hiện nhiệm vụ của 3 quỹ: Quỹ Phát triển đất, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tổng nguồn vốn 3 quỹ được giao quản lý và sử dụng là 1.255 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Phát triển đất được giao hơn 1.025 tỷ đồng (vốn ngân sách gần 1.009 tỷ đồng, vốn huy động bổ sung từ DN gần 17 tỷ đồng). Quỹ Đầu tư phát triển có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là 30 tỷ đồng.

Theo chức năng nhiệm vụ, Quỹ Phát triển đất thực hiện ứng vốn cho các đơn vị, địa phương để bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh; thực hiện thu hồi vốn ứng đến hạn theo quy định.

Mặc dù quản lý số vốn khá lớn nhưng trong năm 2023, Quỹ chỉ thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, giải ngân ứng vốn cho 11 dự án, với tổng số tiền gần 140 tỷ đồng; thu hồi vốn ứng từ các đơn vị, địa phương số tiền 318,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ vốn ứng của Quỹ là 352 tỷ đồng, trong đó nợ trong hạn 86 tỷ đồng, còn lại là nợ quá hạn.

Nguyên nhân việc ứng vốn hạn chế là do các đơn vị, địa phương không triển khai được công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như kế hoạch ứng vốn đã đăng ký với Quỹ.

Đối với Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, trong năm, cả 2 quỹ này đều chưa thực hiện được nghiệp vụ cho vay, đầu tư và nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Cũng do hoạt động không hiệu quả và không đủ các điều kiện về nguồn vốn theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nên ngày 24/10/2023, Quỹ Phát triển đất đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương giải thể Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Hiện, Sở Nội vụ - cơ quan được giao chủ trì, tham mưu thực hiện các trình tự, thủ tục theo nội dung đề xuất, đã họp với các sở, ngành liên quan để thống nhất nội dung báo cáo UBND tỉnh.

Trở lại với Quỹ Đầu tư phát triển, có chức năng đầu tư và cho vay đối với các tổ chức kinh tế, DN có dự án thuộc danh mục, lĩnh vực cho vay, đầu tư của Quỹ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến Quỹ này gặp khó khăn trong hoạt động cho vay là bởi các tổ chức, đơn vị, chủ đầu tư thường không đáp ứng được các điều kiện theo quy định về danh mục, lĩnh vực.

Một số DN, tổ chức kinh tế khác thì dùng quyền sử dụng đất làm tài sản bảo đảm để vay vốn, cũng không phù hợp với quy định nên Quỹ cũng không thực hiện được việc cho vay. Hiện, Quỹ đang trình Hội đồng quản lý phê duyệt cho vay dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1, do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG làm chủ đầu tư, với số tiền 35 tỷ đồng.

Điều đáng nói nữa là trong khi số lượng đơn vị, chủ đầu tư được tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển đã hạn chế thì đơn vị lại có DN vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã quá hạn, nhưng không có khả năng trả nợ. Do đó, Quỹ đang phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện kê biên, xử lý tài sản thế chấp để thu hồi khoản nợ này.

Việc điều chỉnh Dự án Khu đô thị số 4, thị trấn Hương Sơn, Phú Bình, đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc thi công các hạng mục còn dở dang. Số hộ xây nhà ở tại đây vẫn khá ít.

Đối với hoạt động đầu tư xây dựng dự án hạ tầng Khu đô thị số 4, thị trấn Hương Sơn, Phú Bình, do Quỹ làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách, đến nay đã được 6 năm nhưng Dự án chưa thể hoàn thành để thực hiện quyết toán và bàn giao địa phương quản lý.

Nguyên nhân vì chủ đầu tư cũ là Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh (đã giải thể), khi triển khai Dự án đã không thực hiện đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Dẫn đến việc Dự án không điều chỉnh được chủ trương và tổng mức đầu tư để thực hiện phần đường dẫn nối từ Quốc lộ 37 vào Dự án. Hiện, Quỹ đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc về việc thanh toán khối lượng hoàn thành của Dự án để làm cơ sở bàn giao địa phương quản lý, vận hành.

Hoạt động còn một số hạn chế, thu nhập của viên chức, người lao động thấp nên trong năm 2023 đã có 5 người lao động của Quỹ xin chấm dứt hợp đồng. Trước thực tế này, tại cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Quỹ mong muốn UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện tháo gỡ một số khó khăn. Đồng thời chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn Quỹ xây dựng cơ chế tiền phụ cấp kiêm nhiệm cho các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển và tiền thù lao cho viên chức, người lao động Quỹ Phát triển đất thực hiện nhiệm vụ Quỹ Đầu tư phát triển, để giúp viên chức, người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Về nội dung này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển đất, Quỹ Đầu tư phát triển, yêu cầu: Nghiên cứu, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện cơ chế tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp của người quản lý, người lao động theo đúng quy định pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ. Đồng thời tích cực thực hiện hoạt động cho vay để tăng nguồn thu từ khoản lãi vay, để có điều kiện tăng thêm nhu nhập cho người lao động.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202401/go-kho-choquy-phat-trien-dat-a511e3d/