Gỡ 'điểm nghẽn' về giá, nỗ lực đủ điện năm 2024

Tăng giá điện là một trong những lựa chọn tất yếu để tháo gỡ khó khăn của ngành điện nói chung và EVN nói riêng, khi mà giá nhiên liệu đầu vào đã tăng cao liên tiếp trong những năm qua; từ đó có thể tái đầu tư vào các dự án điện còn dang dở hoặc chậm triển khai vì thiếu vốn, góp phần giảm thiếu điện. Theo các chuyên gia, giá điện cần dần được đưa về sát với thị trường.

Sẽ tái diễn tình trạng thiếu điện?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Với tình hình cung ứng điện năm 2024, theo tính toán cập nhật của EVN, việc cân đối cung - cầu điện năm 2024 được tính toán với dự báo tăng trưởng phụ tải điện cơ sở (8,96%), 2 kịch bản lưu lượng nước về: bình thường (tần suất nước về 65%); cực đoan (tần suất nước về 90%). Trong đó, cập nhật tiến độ các nguồn điện mới (Ialy mở rộng và các nguồn điện nhập khẩu từ Lào...). Với phương án lưu lượng nước về bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện nhưng do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng. Đối với trường hợp lưu lượng nước về cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và tháng 7.

Điều chỉnh giá điện giúp EVN giảm bớt khó khăn về tài chính

Điều chỉnh giá điện giúp EVN giảm bớt khó khăn về tài chính

Trước dự báo trên, Chính phủ đã đặt ra một trong những ưu tiên cao nhất trong năm tới là đảm bảo cấp điện. Để thực hiện quyết tâm này, đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam mạch 3 đang được triển khai gấp rút. Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo tháo gỡ dần cơ chế phát triển điện tái tạo để tăng thêm nguồn. Dù vậy, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp cần thiết khác là tháo gỡ dần điểm nghẽn về giá điện, dần đưa giá điện theo sát thị trường.

Tháo gỡ dần “điểm nghẽn” giá điện

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra” vừa được Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, cần dần đưa giá điện về giá thị trường. Theo ông Bùi Xuân Hồi, về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện. Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường. Giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, chúng ta vừa trải qua thời kỳ dịch Covid-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường.

Đặc biệt sau Covid-19, chúng ta lại bị biến động theo thị trường của thế giới. Như chúng ta đã biết, nhiên liệu đầu vào của ngành điện là thị trường mang tính chất quốc tế. Nếu như giá xăng dầu trên thế giới biến động thì Việt Nam cũng biến động tương tự. Giá dầu, giá xăng, giá khí đốt tăng trong khi chúng ta đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô dẫn tới ngành điện hoạt động tương đối khó khăn. Chúng tôi rất kỳ vọng, sau Covid-19 rồi, cần trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo ngành hàng ổn định và nền kinh tế hoạt động ổn định”- ông Bùi Xuân Hồi nói.

Giá điện sinh hoạt chia làm 6 bậc

Giá điện sinh hoạt chia làm 6 bậc

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giá các mặt hàng nếu quy định thấp hơn so với thị trường thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ, không thể tồn tại, phát triển được, dẫn đến thiếu hụt. Do đó, cần tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để có nguồn cung ứng đảm bảo. Cùng với việc điều chỉnh giá, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào. “Chúng ta thấy nguồn nhiệt điện chiếm tỉ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế, có mức độ, chúng ta phải nhập. Cho nên chúng ta phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc ”- ông Ngô Trí Long nói.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, “điểm nghẽn” lớn nhất đối với điện hiện nay là giá điện. Trong đó, cơ chế điều hành giá điện của nước ta phân thành: Sản xuất, hành chính sự nghiệp và giá điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, dư luận đang đòi hỏi xem xét lại việc giá điện sinh hoạt bù cho sản xuất, bù cho sản xuất thì giá điện sản xuất thấp. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, điều này cũng có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có mặt tiêu cực. Tích cực là giá điện sản xuất thấp thì sẽ thu hút được đầu tư, tiết kiệm được chi phí làm cho giá thành giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng mặt hạn chế là thông qua việc giá điện thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, mà công nghệ lạc hậu thì hiệu quả lại không tốt.

Điện khác với những mặt hàng khác, càng mua nhiều thì giá càng rẻ. Ở đây là càng dùng nhiều, giá càng đắt cho nên dùng phương pháp lũy tiến, chúng ta nên xem xét lại. Xây dựng biểu giá điện mới sao cho hợp lý, bảo đảm mục tiêu. Đây là một bài toán, một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay. Theo quan điểm cá nhân tôi về giá điện là làm sao phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời. Thêm nữa là cần phải tách bạch giữa điện công ích và điện sản xuất kinh doanh cho rõ ràng. Đó là những vấn đề cần xử lý trong thời gian tới để làm sao ngành điện tồn tại và phát triển, hoạt động một cách thực sự, bảo đảm nguồn cung ứng điện đầy đủ”.

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế

Ngoài ra, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, nên áp dụng giá điện 2 thành phần. Điều này có ý nghĩa quan trọng, sẽ tạo điều kiện khuyến khích sử dụng điện và phản ánh một cách chính xác nhất. “Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang đưa ra để xây dựng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc, hiện đang tiến hành cải cách làm sao cho phù hợp. Biểu giá điện sinh hoạt phải bảo đảm theo nguyên tắc: Điện khi nhu cầu tăng rất cao nhưng nguồn cung ứng có hạn, mà nguồn cung ứng đó chủ yếu lấy từ nguồn nguyên liệu khoáng thạch hữu hạn, cho nên phải tính toán làm sao biểu giá điện phải hạn chế sử dụng và tiết kiệm nhất nguồn điện. Hay trong biểu giá điện đó phải bảo đảm vấn đề an sinh xã hội, với 6 bậc như vậy đã hợp lý chưa hay giá điện theo biểu lũy tiến?

Một đặc thù của ngành điện là cung không đáp ứng cầu để khuyến khích sử dụng năng lượng, đồng thời bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Điện khác với những mặt hàng khác, càng mua nhiều thì giá càng rẻ. Ở đây là càng dùng nhiều, giá càng đắt cho nên dùng phương pháp lũy tiến, chúng ta nên xem xét lại. Xây dựng biểu giá điện mới sao cho hợp lý, bảo đảm mục tiêu. Đây là một bài toán, một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay. Theo quan điểm cá nhân tôi về giá điện là làm sao phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời. Thêm nữa là cần phải tách bạch giữa điện công ích và điện sản xuất kinh doanh cho rõ ràng. Đó là những vấn đề cần xử lý trong thời gian tới để làm sao ngành điện tồn tại và phát triển, hoạt động một cách thực sự, bảo đảm nguồn cung ứng điện đầy đủ”- ông Ngô Trí Long nói.

TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, chúng ta phải đảm bảo truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện Việt Nam. Bên cạnh đó, cần hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội; Đồng thời kiến nghị là phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện VIII dự kiến vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500 KV vô cùng lớn. Nếu chúng ta không tính vào và có cơ chế PPP để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư.

Chuẩn bị các phương án cấp điện năm 2024

Để chuẩn bị cho việc cung cấp điện năm 2024, ngay từ quý III-2023 đến nay, EVN và các đơn vị thành viên đã chủ động tính toán, triển khai các giải pháp đảm bảo điện trong năm tới. Hiện nay, EVN và các đơn vị thành viên đang chiếm khoảng 37% tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống. EVN và các đơn vị thành viên tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện, tổng thể các tổ máy; thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ theo đúng kế hoạch; kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị,... bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy. Song song đó, các nhà máy điện cũng tiến hành sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên các tổ máy đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; có phương án khắc phục nhanh nhất sự cố nguồn điện trong phạm vi quản lý, bảo đảm các tổ máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất; đồng thời thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều xuống thấp... Đến cuối năm 2023, tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ cơ bản hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa các tổ máy, sẵn sàng cho phát điện mùa khô 2024; trong đó hoàn thành sửa chữa lớn và đưa vào vận hành 17 tổ máy phát điện với tổng công suất hơn 5.200MW.

EVN và các đơn vị thành viên cũng tăng cường giám sát công tác vận hành hệ thống điện để có các giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, ổn định hệ thống điện. Có phương án huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc để đảm bảo tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm 2023, chuẩn bị cho phát điện mùa khô năm 2024.

EVN cũng sẽ sớm báo cáo với Bộ NN&PTNT có phương án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lượng nước xả từ các hồ thủy điện phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2023-2024, để phục vụ phát điện trong mùa khô, với mục tiêu tiết kiệm và giữ ở mức 3,5 tỷ m3 (tương đương năm 2023). Để đạt được mục tiêu này, EVN kiến nghị các địa phương cần có kế hoạch chủ động chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ thủy điện ở phía Bắc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/go-diem-nghen-ve-gia-no-luc-du-dien-nam-2024-post557633.antd