Gỡ điểm nghẽn cải thiện môi trường đầu tư

Xác định 2 'điểm nghẽn' trong thu hút, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt, linh hoạt nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thẳng thắn thừa nhận trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối tháng 9 vừa qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và nỗ lực nhằm cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn nhiều mặt chưa tốt như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Tuyên Quang đạt 62,86 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố; giảm 23 bậc so với năm 2021 và nằm trong số các tỉnh có điểm số thấp của cả nước. Bên cạnh đó, 2 "điểm nghẽn" trong thu hút, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được đẩy nhanh tiến độ giúp Tuyên Quang thúc đẩy giao thương,
tăng lợi thế thu hút đầu tư.

Nhằm quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung, nhưng Tuyên Quang đã nỗ lực, cố gắng huy động, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư tháo gỡ "điểm nghẽn" về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về kết nối giao thông để liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, đi suối khoáng Mỹ Lâm; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); đường Ba Bể (Bắc Kạn) kết nối với Na Hang (Tuyên Quang); đường Chiêm Hóa - Lâm Bình, Chiêm Hóa - Na Hang; đường ĐT185 từ huyện Lâm Bình đi huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; xây dựng cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, cầu Bạch Xa vượt sông Lô, cầu Trắng vượt sông Phó Đáy…

Tỉnh lập quy hoạch chung đô thị mới, lập 12 đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh... Tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang theo định hướng đô thị loại I, đô thị xanh, đô thị thông minh; phát triển các đô thị động lực theo quy hoạch, kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 19,56%; toàn tỉnh có 2 khu, 6 cụm công nghiệp (theo quy hoạch tỉnh có 7 khu công nghiệp, 24 cụm công nghiệp với diện tích trên 1.400 ha) đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào tỉnh.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện được đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 15/11/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; UBND tỉnh ban hành, triển khai Đề án về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, giai đoạn 2021 - 2025; thành lập, duy trì hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; thường xuyên nắm bắt, trao đổi, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, duy trì sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hạn đạt 99,86%.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ "sức đề kháng yếu" khi có những biến động về thị trường rất dễ chịu tác động, trong khi đó việc triển khai các chính sách hỗ trợ lại chậm, rất nhiều vướng mắc về thủ tục; việc xây dựng và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật là khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt, vướng mắc trong thực thi áp dụng pháp luật với tình hình thực tiễn tại địa phương; cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, còn chồng chéo; nhiều cán bộ khi thực hiện công việc còn có tâm lý sợ sai, trình độ chuyên môn yếu, chậm nhất là đối với lĩnh vực về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu, giảm lòng tin của các nhà đầu tư.

Môi trường kinh doanh thuận lợi, Công ty TNHH Phú Bình Tuyên Quang (TP Tuyên Quang) đã đầu tư thêm hệ thống máy móc hiện đại mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn, các sở, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch, triển khai các dự án, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với các thông tin chỉ đạo, điều hành và chủ trương, chính sách của tỉnh; tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nhanh chóng nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ cán bộ tại Bộ phận Một cửa các cấp; kịp thời chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư tỉnh Tuyên Quang 2021 - 2025, đề ra mục tiêu đến năm 2025 thu hút từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng. Hơn 2 năm qua, tỉnh đã thu hút được 71 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng số vốn trên 31.100 tỷ đồng, trong đó có nhiều nhà đầu tư uy tín như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Danko, Công ty cổ phần Flamingo Redtours, Tập đoàn Cozy... Trong năm 2023, có 222 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.596 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký gần 30.440 tỷ đồng.

Bằng việc thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, tồn tại, gia tăng các giải pháp xử lý, tháo gỡ "điểm nghẽn" kể trên, chắc chắn công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong năm tới và giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều khởi sắc.

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/go-diem-nghen-cai-thien-moi-truong-dau-tu-183151.html