GMS mở xe ôm công nghệ: Grab, Gojek có mất thị phần vào starup Việt?

CEO GSM Nguyễn Văn Thanh vừa thông báo tuyển dụng vị trí Giám đốc vận hành xe máy điện (GreenBike/GreenExpress), điều này cho thấy sắp có sự ra mắt của hãng xe ôm công nghệ mới cạnh tranh với Grab và Gojek tại thị trường Việt Nam.

Đua công nghệ

Trên trang Linkedin cá nhân, CEO GSM - ông Nguyễn Văn Thanh thông báo đang muốn tìm kiếm một Giám đốc vận hành xe máy điện (GreenBike/GreenExpress), phần nào hé lộ chiến lược sắp tới của công ty này.

Những hình ảnh đầu tiên về chiếc xe máy điện VinFast chạy dịch vụ GreenBike/GreenExpress - Nguồn: internet

Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà GSM đặt ra từ ngày thành lập, đó là cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi sử dụng xe VinFast, với quy mô đầu tư lên tới 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.

Bước đầu, GSM đã công bố rót vốn vào Be Group - đơn vị vận hành nền tảng gọi xe Be, hỗ trợ các tài xế công nghệ chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện.

Hiện nền tảng Be đã đưa vào dịch vụ taxi điện của GSM thông qua tính năng beVinFast, nhưng chưa có dịch vụ gọi xe ôm chạy điện.

Dù chưa công bố thời gian, cũng như kế hoạch cụ thể triển khai dịch vụ xe ôm công nghệ GreenBike/GreenExpress, nhưng các đối thủ của GSM và Be trên thị trường cũng đã bắt đầu lấn sân sang mảng xe điện.

Theo vị CEO này, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về tỉ lệ sở hữu xe máy, với ước tính hơn 42 triệu chiếc. Và cứ mỗi năm thị trường Việt Nam lại tiêu thụ thêm 3 triệu xe, chủ yếu là xe máy xăng.

Do đó, nếu đưa vào vận hành xe máy điện, người dùng cũng như tài xế sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành, đồng thời hạn chế được việc xả thải ra môi trường.

Về thị trường xe ôm điện tại Việt Nam không thể không nhắc tới Gojek và Grab.

Như Gojek Việt Nam đã bắt tay với startup xe máy điện Dat Bike trong hoạt động vận tải khách bằng xe hai bánh, và giao đồ ăn tại Việt Nam.

Công ty cho biết, việc sử dụng xe điện Dat Bike có thể giúp tài xế Gojek hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc ngưng xả thải.

Về phía Dat Bike, CEO Sơn Nguyễn tin rằng, lực lượng tài xế công nghệ sẽ là đối tượng có nhu cầu sử dụng xe máy điện với tần suất lớn nhất. Đây sẽ là bước khởi đầu trong quá trình Dat Bike chuyển đổi toàn bộ xe máy xăng sang xe máy điện tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Trong khi đó, Grab chọn Selex Motors để triển khai thử nghiệm giao hàng bằng xe điện tại TP. HCM. Đồng thời, Selex Motors cũng đưa vào hoạt động 24 điểm đổi pin tự động trên toàn thành phố.

Khi pin hết dung lượng, tài xế Grab có thể tìm và đổi pin tại các trạm đổi pin tự động thông qua ứng dụng Selex. Các tài xế cũng sẽ được cung cấp dịch vụ hậu mãi 24/7, đảm bảo vận hành trơn tru, kịp thời thông qua nền tảng phần mềm của Selex Motors.

Đua vốn

Grab bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014 với dịch vụ ban đầu là kết nối với các hãng taxi. Tháng 10 năm đó, nền tảng tiếp tục cho ra mắt dịch vụ xe 2 bánh GrabBike.

Hiện tại, bên cạnh 2 dịch vụ truyền thống là GrabBike và GrabCar, Grab đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác như giao hàng (GrabExpress), giao đồ ăn (GrabFood), đi chợ hộ (GrabMart). Ứng dụng đang sở hữu hơn 200.000 đối tác tài xế, hoạt động trên khắp 46 tỉnh, thành phố lớn trong nước.

Về Gojek, trước khi thống nhất bộ nhận diện thương hiệu với công ty mẹ vào giữa năm 2020, Gojek từng hoạt động ở Việt Nam dưới cái tên GoViet. Hãng này gia nhập cuộc đua xe công nghệ Việt Nam vào tháng 9/2018, chỉ vài tháng sau khi Uber rời khỏi Việt Nam và bị Grab thâu tóm hoạt động tại Đông Nam Á.

Ở giai đoạn đầu, GoViet cung cấp 3 dịch vụ chính là GoBike (xe 2 bánh), GoFood (giao đồ ăn) và GoSend (giao hàng) tại Hà Nội và TP.HCM. Tính đến khi thay đổi tên thương hiệu, Hãng tuyên bố sở hữu khoảng 150.000 tài xế, liên kết với 80.000 nhà hàng. Hậu đổi tên, quy mô tài xế của Gojek Việt Nam đã tăng lên 200.000 người và bổ sung dịch vụ đặt xe 4 bánh GoCar từ cuối năm 2021.

Các hãng xe công nghệ đã đầu tư rất nhiều tiền của vào thị trường này - Ảnh minh họa, nguồn: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, nền tảng thương mại điện tử và siêu ứng dụng GoTo - công ty mẹ của Gojek - đã chứng kiến mức lỗ ròng tăng hơn 50% vào năm 2022. CEO Andre Soelistyo gọi đây là giai đoạn "đầy thách thức" và "bước ngoặt quan trọng" đối với công ty.

"2022 là năm đã khiến suy nghĩ của chúng tôi thay đổi đồng thời cho thấy cách doanh nghiệp cần vận hành", Soelistyo cho biết tại buổi công bố kết quả kinh doanh vào tháng trước.

Năm ngoái, gã khổng lồ đến từ Indonesia đã ghi nhận khoản lỗ ròng tăng 56% so với năm 2021 lên 40.400 nghìn tỷ rupiah (khoảng 2,7 tỷ USD). Con số này hiện cao hơn gấp 3 lần so với doanh thu dù hãng đã nỗ lực tăng doanh thu lên gấp đôi, ở mức 11.300 tỷ rupiah (tương đương 750 triệu USD).

Tờ Nikkei Asia thông tin, các nhà phân tích cho rằng, "GoTo cần tăng tốc hơn nữa. Họ cần cắt giảm các hoạt động không cốt lõi và thoái vốn khỏi các thị trường như Việt Nam - nơi việc tiếp tục kinh doanh là không khả thi trong ngắn hoặc trung hạn. Để đạt được lợi nhuận ròng, họ sẽ cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn để siết chặt hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong mọi lĩnh vực hoạt động".

Còn về Grab, từng là công ty khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á, nhưng chỉ tính tới giữa năm 2022 vốn hóa của Grab chỉ còn 13 tỷ USD, bằng một nửa so với giá trị của đối thủ GoTo Group.

Ngày 25/8/2022, Grab đã công bố kết quả kinh doanh quý II vượt mong đợi là 321 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái là 179 tỷ USD. Lỗ ròng thu hẹp xuống còn khoảng 547 triệu USD khi hãng đang nỗ lực giảm tình trạng đốt tiền mặt sau vài năm nhảy vào cuộc chiến tốn kém để giành vị trí thống trị trong khu vực. Tổng giá trị hàng hóa của Grab, đã tăng 30% lên gần 5,1 tỷ USD.

Minh Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/gms-mo-xe-om-cong-nghe-grab-gojek-co-mat-thi-phan-vao-starup-viet-1864363.html