Giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

“Chúng tôi vừa tổ chức hỗ trợ xây dựng 9 mô hình tưới ẩm theo công nghệ Israel vào trồng cỏ nuôi bò ở 5/11 huyện, thành phố trong tỉnh, được bà con hưởng ứng rất cao” – ông Đỗ Thanh Huy-Trưởng ban Kinh tế-xã hội, Hội ND tỉnh Sơn La, cho biết.

Vùng cao thiếu nước

Xu thế sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với kinh tế trang trại trong những năm gần đây được nông dân Sơn La chú trọng. Nhiều hộ nông dân giỏi coi đó là chìa khóa để vươn lên làm giàu. Nhận thức là như thế, nhưng nông dân Sơn La đang vướng phải 2 thách thức lớn là quỹ đất sản xuất eo hẹp và nguồn nước tưới tiêu không chủ động. Bài toán về quỹ đất sản xuất chỉ có thể tháo gỡ bằng cách nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Nhưng muốn nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, nước tưới tiêu là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Công nghệ tưới ẩm của Israel được nông dân Sơn La ứng dụng vào trồng rau-hoa-củ-quả tươi và cỏ nuôi gia súc. Ảnh: K.T

Ông Phạm Văn Khởi – một nông dân giỏi với diện tích trang trại lên tới hơn 5ha, ở tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, cho biết: “Với trang trại cà phê của tôi và các con trong gia đình việc bón phân hợp lý luôn được chú trọng. Nhưng năng suất cây trồng và khả năng phòng, chống sâu bệnh của cây cà phê cũng hạn chế nếu không được tưới ẩm thường xuyên”.

"Nông dân vùng cao mong muốn Trung ương và địa phương hỗ trợ để bà con mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới ẩm vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi...”.

Chị Lù Thị Hải

Không chỉ với những trang trại lớn mà ngay trong kinh tế hộ nhỏ lẻ, nước tưới tiêu cũng là yêu cấu cấp bách. Ông Giàng A Giống – nông dân giỏi ở bản Suối Chèo B, xã Suối Bau, huyện Phù Yên bộc bạch: “Bây giờ bãi chăn thả gia súc hạn chế, nông dân muốn chăn nuôi thêm gia súc thì phải nuôi nhốt. Nhưng nuôi nhốt phải có nước cho nó uống và tắm rửa, vệ sinh cũng như tưới cho cỏ trồng làm thức ăn. Nhưng đầu tư để có nguồn nước tưới chủ động thường đòi hỏi kinh phí lớn và kỹ thuật cao. Vì thế, nhiều hộ nông dân không thể phát triển thêm đàn gia súc bởi thiếu nước…”.

Giúp nông dân tháo gỡ khó khăn

Từ kinh nghiệm tưới ẩm bằng phương pháp phun sương hoặc tưới nhỏ giọt của Israel, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La – ông Hoàng Văn Chất đã chỉ đạo xây dựng những mô hình thí điểm trong nông nghiệp của địa phương. Ông Nguyễn Văn Khiển - Phó Chủ tịch thường trực Hội ND tỉnh Sơn La, cho biết: “Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo đầu tư hỗ trợ một số hộ công nghệ tưới ẩm của Israel và đã thành công trên phương diện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.Vì thế, Hội ND tỉnh cũng vận dụng cách làm này để đưa vào hỗ trợ nông dân có thêm điều kiện nâng cao thu nhập khi quỹ đất sản xuất hạn hẹp và nguồn nước sản xuất còn nhiều hạn chế…”.

Ông Đỗ Thanh Huy-Trưởng ban Kinh tế - xã hội, Hội ND tỉnh Sơn La, cho biết thêm: “Tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ 9 hộ nông dân ở 5 huyện, thành phố áp dụng mô hình tưới ẩm trong trồng cỏ nuôi bò và bà con hưởng ứng cao. Cách làm này đang được các hộ dân học tập và nhân rộng…”.

Đến với chị Lù Thị Hải, nông dân bản Lả Sẳng, xã Chiềng An, TP.Sơn La, thấy chị đang cùng mấy nông dân khác lúi húi dẫn đường ống nước tưới ẩm trong vườn cỏ mới trồng. Chị Hải chia sẻ: “Chúng tôi được Hội ND tỉnh và thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình. 3 hộ liền kề chung nhau đầu tư một hệ thống tưới ẩm cho đỡ tốn kém. Tuy mới áp dụng công nghệ tưới ẩm từ đầu năm nhưng chúng tôi đã thấy hiệu quả rất cao. Cỏ trồng lớn nhanh và đều, sản lượng gấp đôi so với trước đây. Cây trái trồng xen trong vườn cũng tươi tốt và nhiều quả hơn”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/giup-nong-dan-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-692766.html