Giúp người lao động ổn định cuộc sống

Bước sang năm mới, người lao động luôn hy vọng có những thay đổi tốt đẹp hơn và thông tin áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 là một trong những điều khiến họ phấn khởi.

Tại Nghệ An, địa phương có số lượng đông người lao động, thế nên các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách của người lao động luôn được quan tâm, thảo luận, đánh giá. Địa phương này hiện có hơn 13.500 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh với hơn 232.000 người lao động.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An như sau: Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên áp dụng mức lương vùng II, là 4.160.000 đồng; thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn áp dụng mức lương vùng III, là 3.640.000 đồng; các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương áp dụng mức lương vùng IV, là 3.250.000 đồng.

Ảnh minh họa.

Theo tổng hợp, đánh giá của LĐLĐ tỉnh Nghệ An, thì các doanh nghiệp trong toàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng quy định về mức lương tối thiểu vùng, có nhiều doanh nghiệp chi trả mức cao hơn để thu hút người lao động. Tuy nhiên, mức lương người lao động nhìn chung vẫn còn thấp, nhất là ở khu vực áp dụng mức lương vùng III, vùng IV, trong bối cảnh lạm phát, giá cả các mặt hàng tăng cao. Thế nên, thông tin tăng lương tối thiểu vùng, dù không nhiều cũng luôn được người lao động đón đợi và thấy phấn khởi.

Với phương án tăng lương tối thiểu 6%, theo đó, vùng I tăng từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.

Dù mức tăng tương ứng cho các vùng chỉ từ 200.000 đồng - 280.000 đồng/tháng nhưng đối với công nhân lao động khoản tiền đó cũng giúp họ có thêm chi phí trang trải cuộc sống, nhất là người lao động ở khu vực vùng III, vùng IV.

Chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên (huyện Nam Đàn) cho biết, hiện nay mức lương công ty chi trả cho chị là 3.640.000 đồng/tháng, cộng các phụ cấp khác, chị được khoảng 4.300.000 đồng/tháng. Thu nhập của chồng chị cũng chỉ hơn 5.000.000 đồng/tháng. Thu nhập như thế, dù ở khu vực nông thôn, dù chi tiêu tiết kiệm, gia đình chị cũng luôn túng thiếu. Chị Oanh nhẩm tính các khoản chi tiêu của gia đình và than thở: “Tháng nào chị cũng lo lắng chuyện tiền”. Và rồi, chị vẫn hy vọng, từ tháng 7, khi tăng lương, dù không cao nhưng cũng được gần một nửa học phí cho bé út đang học mầm non.

Còn chị Hoàng Thị Quỳnh, công nhân một công ty điện tử đóng tại Khu công nghiệp VSIP cho biết, lương cơ bản công ty trả cho chị là 3.800.000 đồng, cộng các khoản phụ cấp khác, chị được khoảng 4.700.000 đồng/tháng. Một năm nay, công ty gặp khó khăn, đơn hàng ít, không tăng ca nên thu nhập giảm nhiều. Chị gắn bó với công ty đã 8 năm nay, theo chị Quỳnh, các lần tăng lương tối thiểu vùng, công ty đều thực hiện đúng quy định, thế nên, dù thời điểm này công ty đang gặp khó khăn nhưng vẫn hy vọng năm 2024 sẽ phục hồi ổn định hơn và áp dụng tăng lương.

Nhiều năm gắn bó với công nhân lao động, cho rất nhiều công nhân thuê phòng trọ, cho công nhân nợ tiền phòng, giảm tiền phòng, trông con cho công nhân, ông Đặng Văn Linh, chủ nhà trọ ở xã Hưng Đông, thành phố Vinh cũng phấn khởi khi nghe tin sắp được tăng lương tối thiểu vùng. Ông cho biết, dãy trọ có 15 hộ gia đình công nhân sinh sống, ba năm nay hết dịch bệnh lại đến khủng hoảng kinh tế, mất việc làm, giảm thu nhập khiến công nhân vô cùng vất vả.

“Công nhân vất vả nên tăng thêm được một chút tiền lương cũng quý, một chục, một trăm các cháu ấy cũng đưa vào kế hoạch chi tiêu. Mỗi lần tôi bớt vài chục tiền phòng, tiền điện, tiền nước thôi mà các cháu vui lắm” – ông Linh chia sẻ.

Khu Kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An là nơi tập trung đông người lao động. Tại đây hiện có 100 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 35.000 người lao động; hầu hết các doanh nghiệp đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức quy định của Nhà nước để thu hút được người lao động. Ngoài ra, còn có các phụ cấp như: Chuyên cần, xăng xe, nhà ở, thâm niên, chức vụ và một số phụ cấp khác. Tiền ăn ca của người lao động cũng trên 18.000 đồng, nhiều doanh nghiệp là 25.000 đồng. Thu nhập bình quân của người lao động từ 6.500.000 đồng đến 7.500.000 đồng.

Tại khu vực này, với việc tăng lương tối thiểu vùng, người lao động vẫn hy vọng, dù công ty đã trả cao hơn so với quy định nhưng trong năm nay vẫn sẽ điều chỉnh tăng lên cho người lao động. Bởi điều đó giúp các doanh nghiệp cạnh tranh về lao động, nhất là khi nhiều doanh nghiệp lớn sắp đi vào hoạt động trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp.

Chị Vi Lan Phương, công nhân công ty may mặc trong Khu công nghiệp Bắc Vinh cho rằng, mức lương của chị hiện tại là 5.700.000 đồng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện hành, nếu theo như các năm, công ty tăng lên vài trăm nghìn đồng thì các khoản trợ cấp đi kèm lương cũng được tăng theo, và tháng lương thứ 13 cũng được tăng lên một ít. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng ở các khu vực sẽ giúp thúc đẩy việc tăng lương ở các doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ “nhìn” vào nhau để có mức trả lương hài hòa, giữ chân người lao động.

Thành Vinh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giup-nguoi-lao-dong-on-dinh-cuoc-song-165062.html