Giúp người dân Ba Chẽ ổn định cuộc sống sau lũ

Rạng sáng 15-8, lượng mưa đã giảm, nước ở các sông, suối trên địa bàn huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) bắt đầu rút giúp cho năm xã vùng cao của huyện miền núi Ba Chẽ gồm Lương Mông, Đạp Thanh, Minh Cầm, Thanh Lâm và Thanh Sơn không còn bị chia cắt, cô lập, giao thông từ huyện lên trung tâm các xã đã cơ bản được nối lại.

Các lực lượng bộ đội, dân quân cùng người dân nhanh chóng dọn dẹp, khôi phục các tuyến đường liên xã.

Chúng tôi cùng đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh có mặt tại huyện miền núi Ba Chẽ, địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra trong những ngày qua, ngay khi nước vừa rút.

Kiểm tra thực tế các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu huyện Ba Chẽ chỉ đạo các xã tập trung triển khai các giải pháp khôi phục giao thông đi lại sớm nhất; gia cố các cầu, cống; xử lý ngập lụt cục bộ, sạt lở đất; khẩn trương di dân ra khỏi vùng ngập lụt đến chỗ an toàn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống sau lũ, nhất là ở các xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn.

Huyện và các xã tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động phòng, chống với tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản. Đồng thời Sở Giao thông vận tải (GTVT) nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến giao thông, bố trí rọ đá tại các khu vực đã bị xói lở ở các sông, suối và nghiên cứu xây dựng phương án làm cầu tràn để bảo đảm an toàn cho người, các phương tiện qua lại.

Đối với việc khắc phục cầu Cổ Ngựa ở xã Lương Mông, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Sở GTVT sớm có phương án xây dựng lại, trước mắt tập trung bố trí lực lượng, thiết bị máy móc làm nhanh đường tràn tạm để người dân đi lại. Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch nối giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, do đó cần khẩn trương khôi phục.

Ngay sau khi nước rút, giao thông được nối lại, huyện Ba Chẽ đã huy động tất cả các lực lượng gồm mặt trận, các đoàn thể, quân đội, công an, dân quân, thanh niên, phụ nữ cùng thiết bị, xe, máy nhanh chóng triển khai khắc phục các điểm bị ảnh hưởng do mưa lũ; thu dọn vật cản trên đường như đất đá, cây cối; đồng thời tập trung máy móc thiết bị xử lý nhanh các khu vực sạt lở, không để đất đá tràn lan trên đường; hạn chế tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Phó Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Đỗ Ngọc Nam cho biết: Trước mắt, huyện nỗ lực chỉ đạo các xã phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan bố trí phương tiện, máy móc, nhân lực thu dọn đất đá trôi ra mặt đường, sạt mái ta-luy dương, xử lý mái ta-luy âm, khơi thông cống rãnh; kịp thời san gạt đất đá sạt lở tại các điểm ách tắc giao thông trên các tuyến đường. Đối với các tuyến đường liên xã, liên thôn bị xói lở, hư hỏng, chủ động sử dụng nguồn kinh phí, huy động lực lượng, vật tư để sửa chữa, xử lý tạm thời để bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Chẽ đến 11 giờ 30 phút ngày 15-8, huyện Ba Chẽ có 32 nhà ở, một nhà văn hóa và chợ thị trấn bị ngập lụt, tám nhà bị ngập lụt; ba cầu bị hư hỏng; 115 điểm ngập lụt, sạt lở hư hỏng chia cắt giao thông, trong đó có 84 điểm sạt lở đất đá và 31 điểm ngập lụt trên các tuyến đường; năm cột điện và bảy cột cáp quang bị đổ gãy; bốn công trình thủy lợi và ba công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã Lương Mông, xã Thanh Sơn bị hư hỏng; hệ thống điện lưới từ thị trấn đi các xã của Ba Chẽ bị mất từ 10 giờ 45 phút ngày 14-8 đến 14 giờ cùng ngày đã khắc phục xong, riêng hệ thống mạng in-tơ-nét hiện nay hoạt động vẫn chập chờn, chưa ổn định.

Mưa lũ cuốn trôi, xói lở, vùi lấp khoảng 66,83 ha lúa và hoa màu. Trong đó, diện tích lúa bị mất trắng là 10,2 ha, diện tích hoa màu bị mất trắng khoảng 0,62 ha; diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt nhưng còn có khả năng phục hồi được khoảng 56,01 ha. Ước tổng thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Ba Chẽ là hơn 30 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, tuyến đường lên xã Lương Mông đã cơ bản được nối thông trở lại. Là một trong năm xã vùng cao khó khăn của huyện Ba Chẽ bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Theo số liệu thống kê ban đầu, trên địa bàn xã có ba cầu tràn gồm Cổ Ngựa, Khe Giấy và Khe Nà bị đổ sập hoàn toàn. Các cầu tràn Lò Cặp, Nà Ta, Bãi Liêu, ngầm Hát Liên, Hát La bị sạt các mố cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Đặc biệt có 20 hộ dân nuôi trồng thủy sản bị mất trắng hoàn toàn và 8 ha lúa không còn khả năng khôi phục, ước thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Lương Mông Hà Ngọc Tùng cho biết: Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngay khi nước rút, các lực lượng chức năng và người dân trong xã đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống. Lãnh đạo xã đã huy động tập trung các lực lượng cùng thiết bị khẩn trương giải phóng những điểm sạt lở, thu dọn đất đá tràn trôi ra mặt đường, khơi thông cống rãnh thoát nước, bảo đảm giao thông đi lại cho người dân trong xã, đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ cảnh giới các vị trí bị ngập sâu để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Rời Ba Chẽ vào lúc cơn mưa đã dịu xuống. Dọc đường về hai bên đường, ở đâu cũng bắt gặp các lực lượng bộ đội, dân quân, thanh niên và người dân đang hối hả, dồn sức giúp nhau dọn dẹp, khơi thông cống và khắc phục những điểm sạt lở, ngập úng cục bộ. Để người dân vùng cao Ba Chẽ khắc phục những khó khăn sau lũ, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Những ngày này, với sự vào cuộc, chung tay của chính quyền và cả xã hội càng thấy sáng lên niềm tin về tình người ấm áp. Đây chính là động lực để người dân huyện miền núi Ba Chẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33793302-giup-nguoi-dan-ba-che-on-dinh-cuoc-song-sau-lu.html