Giữa trùng khơi có những trái tim chung nhịp đập

Trạm tìm kiếm cứu nạn đảo Phú Quý, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý (BĐBP Bình Thuận) đặt tại đảo Phú Quý, cách đất liền hơn 56 hải lý, nơi những người lính phải gánh vác trọng trách hết sức nặng nề: Sẵn sàng chiến đấu thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người, phương tiện trên tuyến đường biển thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, chìm tàu. Ngày cuối năm, Icom trên con tàu cứu nạn CN-09 vẫn dồn dập thông tin từ biển báo về; bất kể ngày hay đêm, con tàu vút nhanh khỏi cầu cảng mỗi khi nghe tin có tàu hay ngư dân gặp nạn trên biển...

Ngư dân bị cá kiếm đâm được đưa sang tàu để cấp cứu. Ảnh: Tư liệu

Thao thức cùng CN-09

Đảo Phú Quý ngày cuối năm tràn ngập những đợt gió mùa Đông Bắc thổi vù vù và bầu trời thỉnh thoảng kéo đầy mây vần vũ, từ ngoài biển nhìn vào giống như chiếc phễu khổng lồ mọc lên từ đảo. Chiếc tàu sơn màu cam thuộc thế hệ tàu CN-09 mang số BP 11-19-01 nới lỏng dây neo luôn trong tư thế sẵn sàng ra khơi. Thiếu tá Trương thanh Kiên, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, kiêm Trạm trưởng trạm tìm kiếm cứu nạn đảo Phú Quý đưa tôi xuống hầm tàu giới thiệu 2 cỗ máy Catepillar mạnh mẽ. Câu chuyện “vô tiền, khoáng hậu” của anh xoay quanh những chuyến vượt sóng gió trùng khơi đi cứu người đầy mạo hiểm nhưng cũng thấm đẫm tình người.

Ngày 19/7/2023, tàu CN-09 nhận được tin có một tai nạn hy hữu xảy ra đối với ngư dân, đó là cá kiếm đâm thủng bụng một người đang đứng trên boong tàu. Thoạt nghe thông tin, anh em trên tàu thảng thốt: “Tai nạn gì mà lạ vậy?”. Những năm tháng ở Trạm tìm kiếm cứu nạn, anh em Biên phòng đã quen với các vụ việc tàu đâm va, chìm đắm. Nhưng chuyện cá đâm người thì rất hãn hữu.

Ngay lập tức, con tàu nhổ neo rời đảo ra tọa độ tàu cá có ngư dân bị nạn. Trên tàu có cán bộ quân y nối máy Icom với ngư dân trên tàu bị nạn và thường xuyên gửi đi thông tin: “Động viên ngư dân phải cố gắng vượt qua, chờ cán bộ quân y đến cấp cứu”. Để tranh thủ tối đa thời gian, Thượng úy, thuyền trưởng Mai Thanh Sơn lệnh cho tàu chạy hết tốc độ, cắt ngang các vùng nước xoáy, vì khoảng cách từ đảo Phú Quý ra tới tọa độ tàu có ngư dân bị nạn hơn 32 hải lý. Con tàu gầm gừ tiếng máy và anh em trong tổ kỹ thuật đều không rời hầm tàu. Hai thanh trục máy xoay tít theo nhịp máy. Tiếng rít của động cơ tăng áp khiến cả buồng máy vang lên âm thanh giống như gió đang lùa qua khe cửa hẹp.

“Chuyến giải cứu đó chỉ chậm vài chục phút là không cứu được người” - Thượng úy Mai Thanh Sơn nhớ lại và cho biết, từ khi thành lập Trạm tìm kiếm cứu nạn đảo Phú Quý năm 2013 đến nay, không nhớ nổi biết bao lần anh em cùng con tàu phải đối mặt với hiểm nguy. Vùng biển quanh đảo Phú Quý là nơi có những con sóng cực kỳ phức tạp, khu vực nằm giữa đất liền và đảo là vùng nước xoáy. Ngoài ra, cách đảo Phú Quý 15 hải lý có một rạn đá dài hàng chục km, gọi là rạn lớn, khiến sóng ùn cao lên, hút tàu thuyền đi gần vào vùng nguy hiểm.

Các ngư dân khi đi qua vùng biển Phú Quý thường vòng tránh vùng nước xoáy cách đảo 30 hải lý, nhưng Trạm tìm kiếm cứu nạn đảo Phú Quý vẫn thường xuyên nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá. Đầu năm 2023, khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, gây chìm tàu, sà lan.

Thuyền trưởng Mai Thanh Sơn tâm sự: “Anh em luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu; cứu người, hạn chế được tổn thất thấp nhất cho các phương tiện gặp nạn đã trở thành mệnh lệnh trái tim của cán bộ, chiến sĩ trên tàu CN-09”.

Vững vàng trên cánh sóng

Trên boong sau của tàu CN-09 có 2 chiếc lồng chim cu gáy thường xuyên đồng hành cùng các chiến sĩ trong những hành trình cứu nạn. Thượng úy Phùng Quyết tâm tình: “Nhìn vào lồng chim, anh em cảm nhận hơi thở đồng quê, gia đình vẫn đâu đó, dù tàu đang đi giữa biển khơi mênh mông”. Quả thật! Tiếng chim cu gáy liên hồi khiến không gian tàu giống như khung cảnh đồng quê, nơi có những hàng cau, bờ tre, nương ngô... Mỗi khi tàu hụ còi, nhổ neo đi tham gia tìm kiếm cứu nạn, Thượng úy Phùng Quyết lại mang 2 lồng chim cu gáy gửi nhờ đại lý xăng dầu gần đó chăm sóc giúp, nhưng khi gặp tình huống khẩn cấp, thời gian khởi hành quá nhanh nên tàu CN-09 rẽ sóng ra khơi mang theo cả những chú chim vào vùng sóng gió.

Tàu cứu nạn CN-09 tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Văn Chương

Tàu neo ở đảo xa đất liền, nên anh em phải tự tạo niềm vui cho mình suốt 7 tháng nóng và 5 tháng gió. Có 2 cán bộ hàng ngày chăm sóc vợ con qua điện thoại, đó là Thượng úy Phùng Quyết, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và Thiếu tá Lê Văn Sơn, máy trưởng, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đêm nào 2 anh em cũng “giao ban” với vợ qua điện thoại, hết kể chuyện tàu, tới kể chuyện chim, rồi cuộc sống ở đảo Phú Quý xa xôi. Ngày nào người vợ ở phương xa không bắt được sóng điện thoại, các chị tự hiểu rằng, người chồng đã theo con tàu đi làm nhiệm vụ ở một vùng biển nào đó rất xa.

Chỉ cho tôi 5 chiếc võng đung đưa ở boong sau, Thượng úy Phùng Quyết kể: “Mùa nắng hầm tàu nóng như thiêu đốt, vì vị trí neo tàu không thể kết nối được điện áp để chạy quạt, tủ lạnh, cứ 10 giờ trưa là nắng cháy da cháy thịt. Còn 5 tháng cho tàu đi tránh gió, vị trí neo đậu cũng nằm ngoài mặt sóng. Cứ chiều tối, nổ máy điện để nấu cơm, xong rồi mọi thứ vụt tắt, 5 chiếc võng lại đong đưa theo nhịp sóng, nhịp gió biển khơi”.

Kỷ niệm về chuyến hành trình cứu nạn xa nhất là vào ngày 10/7/2023. Khi các thủy thủ đang thiếp trong giấc ngủ sau một ngày bảo trì vất vả, Thuyền trưởng Mai Thanh Sơn lao lên ca bin và phát loa: “Toàn tàu chuẩn bị sẵn sàng lên đường tham gia tìm kiếm cứu nạn, tất cả các bộ phận vào vị trí”. Con tàu rẽ sóng giữa đêm tối mịt mù. Kíp đi cứu nạn ngay từ đầu đã xác định nhiệm vụ rất nặng nề. Tàu cá BTh 97478 TS của ngư dân Bùi Văn Toàn trên đường đưa 15 ngư dân từ quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) về cách đảo Phú Quý khoảng 84 hải lý thì bị sóng đánh chìm.

Khi con tàu tiến ra vùng biển sâu, nước biển tím sẫm, đen ngòm, máy đo độ sâu trên tàu liên tục hiển thị độ sâu trên 1.000-2.000m, đó là lúc cả ê kíp phải luôn bình tĩnh để xử lý mọi tình huống. Máy trưởng Lê Văn Sơn kể, khi đi giữa vùng biển vắng lặng, không nhìn thấy bóng tàu thuyền nào, anh em phải luôn động viên nhau vững vàng tâm thế, mọi thao tác phải chính xác để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con tàu mang manh trước biển cả. Suốt một đêm dài căng mắt tìm kiếm, anh em vỡ òa hạnh phúc khi phát hiện được con tàu và thuyền viên bị nạn đang vật lộn giữa những cơn sóng và hỗ trợ thành công đưa họ vào bờ an toàn...

Ông Trần Phước Hòa, ngư dân trên đảo Phú Quý từng nhiều lần sử dụng phương tiện tham gia cùng BĐBP tìm kiếm cứu nạn trên biển cho biết: “Từ khi có Trạm tìm kiếm, cứu nạn đảo Phú Quý các vụ tai nạn thảm khốc trên biển giảm hẳn và bà con ngư dân an tâm hơn khi ra khơi. Tàu đánh cá thường đi hướng Đông của đảo, còn tàu vận tải thường đi ở hướng Tây của đảo để tránh rạn đá ngầm nguy hiểm, vì vậy tàu cứu nạn của BĐBP phải “căng mình” làm nhiệm vụ trên cả vùng biển rộng lớn để đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giua-trung-khoi-co-nhung-trai-tim-chung-nhip-dap-post472478.html