Giữa thắng và thua

Kết quả cuộc bầu cử quốc hội ở Nhật Bản ngày 31/10 vừa qua không ngoài dự báo trước đấy.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của thủ tướng Fumio Kishida vẫn giành về đa số tuyệt đối nhưng không bảo vệ được số lượng dân biểu (274) có được từ cuộc tổng tuyển cử cách đây 4 năm trong hạ viện bao gồm 465 thành viên.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters

Kết quả này vừa là chiến thắng vừa là thất bại đối với ông Kishida. Nó giúp ông Kishida có thể tiếp tục cầm quyền nhưng đồng thời báo hiệu hiểm nguy ở phía trước đối với vị thế cầm quyền của tân thủ tướng: Giữa năm tới sẽ có cuộc bầu cử thượng viện ở Nhật Bản mà nếu đảng LPD lại không bảo vệ được số lượng dân biểu hiện có trong thượng viện, thì chắc chắn nội bộ đảng LDP sẽ không để cho ông Kishida được yên ổn tiếp tục cầm quyền. Thay vào đó, nhà lãnh đạo này có thể sẽ phải chịu số phận chính trị như người tiền nhiệm là thời gian cầm quyền ngắn chứ không dài. Dẫu vậy, kết quả của cuộc bầu cử quốc hội giúp ông Kishida có được sự hợp pháp hóa quyền lực bằng lá phiếu bầu của cử tri, nhưng đồng thời thử thách bản lĩnh và năng lực cầm quyền của ông.

Có nhiều nguyên nhân đưa lại tình trạng vừa thắng lại vừa thua của đảng LDP và ông Kishida. Đảng này vẫn thắng cử bởi phe đối lập tuy đã đoàn kết nhưng vẫn chưa mạnh mẽ và mới mẻ đủ mức để được cử tri Nhật Bản nhìn nhận và tin tưởng là sự lựa chọn thay thế cho phe liên minh cầm quyền. Mức độ không hài lòng của cử tri Nhật Bản về thành tựu cầm quyền của đảng LDP và đảng Komoto trong 9 năm qua. Nhưng cử tri Nhật Bản dường như vẫn tin tưởng phe cầm quyền nhiều hơn phe đối lập trong việc giải quyết hai vấn đề được cử tri hiện quan tâm và quan ngại nhiều nhất là ứng phó đại dịch Covid-19 và đảm bảo an ninh quốc gia trước thách thức và đe dọa an ninh được cảm nhận ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Triều Tiên.

Ông Kishida đạt được mục tiêu tối thiểu đề ra cho cuộc bầu cử quốc hội này nhưng không ngăn cản được việc đảng LDP phải chấp nhận kết quả bầu cử quốc hội tồi tệ nhất kể từ năm 2009 - khi đảng LDP bị mất vị thế cầm quyền.

Có lý do là ông Kishida tuy đã nhiều năm là bộ trưởng ngoại giao nhưng vẫn còn quá mới mẻ trên cương vị thủ tướng. Nguyên do quyết định nhất là cử tri không còn hài lòng với chính sách kinh tế của chính phủ. Chính sách này được hoạch định và triển khai thực hiện theo chủ thuyết Abenomics. Nó đưa lại tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản, nhưng dường như bây giờ đã tới giới hạn. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm và thu nhập không tăng, không công bằng về thuế và mức độ chênh lệch giữa giàu và nghèo trong xã hôi ngày càng tăng, tác động rất tiêu cực của dịch bệnh, các vấn đề xã hội cấp thiết gần như vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa - tất cả những điều này đều làm cho cử tri không còn chấp nhận quan điểm và định hướng chính sách "Cứ tiếp tục như trước", nên họ dùng lá phiếu để cảnh báo đảng LDP và ông Kishida, đòi hỏi phe cầm quyền phải có chính sách kinh tế khác hoặc phải thích ứng hóa chủ thuyết Abenomics vào mục tiêu mới và bối cảnh tình hình mới.

Ông Kishida đã sớm nhận ra thực tế này và khởi xướng quan điểm kết hợp tăng trưởng kinh tế với phân phối lại sự thịnh vượng của quốc gia - cũng còn nhằm để chiếm lĩnh chủ đề nội dung vận động tranh cử chính của phe đối lập -, đưa ra khái niệm mới là "Chủ nghĩa tư bản mới". Nhưng xem ra, điều này mới chỉ được cử tri Nhật Bản ghi nhận chứ chưa được thật sự tin tưởng sâu rộng trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua.

Cho nên để vượt qua được cửa ải thách thức tới, ông Kishida phải nhanh chóng có được thành quả cầm quyền quan trọng, phải gây dựng và củng cố được sự đoàn kết ổn định trong nội bộ đảng cầm quyền và phe cầm quyền và đặc biệt phải hài hòa hóa giữa định hướng chính sách theo Abenomics của ông Abe và theo Chủ nghĩa tư bản mới của mình.

Nguyên Sa

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giua-thang-va-thua-439605.html