Giữa mùa mưa, miền Tây lo chống... hạn, mặn

Mặc dù mưa vẫn đang diễn ra nhưng ngành chức năng các tỉnh, thành ven biển đồng bằng sông Cửu Long - nơi từng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn, mặn khốc liệt vào mùa khô năm 2015-2016 - lại đang thấp thỏm lo toan, tính chuyện ứng phó đợt hạn, mặn mới.

Nhiều địa phương đã chủ động

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang thông tin: “Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn T.Ư, đợt hạn mặn năm 2016-2017 sớm hơn trung bình nhiều năm (trễ hơn mùa khô 2015-2016 - PV) và độ mặn 2gam/lít sẽ xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 55-60km nên ngành chức năng tỉnh phải chủ động ứng phó ngay từ bây giờ”.

Người dân huyện Bình Đại hưởng ứng phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt” do Tỉnh ủy Bến Tre phát động. HUỲNH XÂY

Trước đó, những ngày giữa tháng 11 vừa qua, Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang đã phối hợp một số đơn vị có liên quan lập đoàn công tác khảo sát tình hình xâm nhập mặn dọc sông Tiền. Theo đó, đoàn ghi nhận độ mặn “hiện vẫn ở mức nhẹ hơn so với cùng kỳ năm trước”, thế nhưng do mưa diễn ra ngày càng ít, gió chướng lại ngày càng mạnh nên nước mặn có khả năng sẽ sớm xâm nhập vào nội đồng trong thời gian tới.

Trong khi đó, ngày 22.11, UBND tỉnh Tiền Giang cũng gấp rút tổ chức hội nghị bàn về biện pháp sử dụng nước phục vụ sản xuất đông xuân năm 2016 – 2017 tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Tại đây, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi cũng như chính quyền các địa phương rà soát kế hoạch vận hành công trình để bổ sung, phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh việc trục vớt lục bình. Đồng thời, tăng cường giữ gìn vệ sinh nguồn nước, chủ động chống rò rỉ mặn và xây dựng kế hoạch cụ thể công tác bơm chuyền…

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, địa phương đã cho triển khai nhiều biện pháp ứng phó với tình trạng hạn, mặn 2016-2017. Cụ thể, đã cho nạo vét hoàn thành 17 tuyến kênh trong khu vực nội đồng vùng Phú Thạnh-Phú Đông.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, ngay sau đợt hạn, mặn vừa qua, ngành nông nghiệp đã nhiều lần họp, bàn đưa ra các giải pháp ứng phó với đợt hạn, mặn sẽ diễn ra tới đây. Theo đó, Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, hiện đã vào cuối mùa mưa, mực nước đầu nguồn xuống thấp nên dự báo sẽ không đảm bảo nước cho sản xuất. Trước mắt, Sở này giao cho Chi cục Thủy lợi đóng tất cả các cống ở huyện Hòn Đất, huyện Kiên Lương để giữ nước, đồng thời theo dõi sát diễn biến thời tiết, xâm nhập mặn để có biện pháp đắp đập tại kênh T3- Hòa Điền và kênh Nhánh.

Được biết, ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn ở các huyện theo dõi sát tình hình thời tiết để chủ động đóng các đập kịp thời rồi báo cáo về sở. Ngoài ra, ông Tâm cũng giao Chi cục Thủy lợi phối hợp cơ quan khí tượng thủy văn Kiên Giang có dự báo thời tiết trước 15 ngày để chỉ đạo sản xuất hợp lý…

Lo thiếu nước

“Ngoài hai cống hiện hữu để dẫn nước xuống vùng Phú Thạnh - Phú Đông, ngành nông nghiệp huyện còn cho mở thêm một cống dẫn nước ngọt khác nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong thời gian tới” – ông Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm. Riêng về nước sinh hoạt, theo ông Hải, bên cạnh hỗ trợ bồn trữ nước ngọt, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang còn đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống ống dẫn nước ngọt từ huyện Gò Công Tây (6.000m3/ngày đêm) sang huyện Tân Phú Đông. Tỉnh Tiền Giang còn đầu tư 3 tỷ đồng để huyện Tân Phú Đông nâng cấp và kéo mới đường ống nước vào các khu dân cư đang thiếu nước cũng như dự kiến mở 33 vòi nước công cộng và 6 ao trữ nước ngọt.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, 3 huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang gồm Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn, mặn nên thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất lúa chuyển sang trồng những loại cây sử dụng ít nước hơn hoặc bỏ hẳn một vụ lúa để xuống giống vụ đông xuân sớm (sớm hơn thường lệ khoảng 2 tháng để né hạn, mặn vào cuối vụ).

Cũng như Bến Tre, theo thống kê ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, nơi đây có trên 34.000ha diện tích lúa không sản xuất vụ thu đông, chuyển hẳn sang vụ đông xuân sớm (phần lớn nằm ở các địa phương như Càng Long, Châu Thành và Tiểu Cần). Đây là năm đầu tiên tỉnh này có diện tích lớn không sản xuất vụ thu đông nhằm khắc phục tình trạng thời vụ sản xuất kéo dài rơi vào thời điểm khô hạn, nước mặn (từ tháng 2 đến tháng 4) trong vụ lúa đông xuân. Tỉnh Trà Vinh cũng đang đẩy nhanh triển khai 4 dự án mở rộng hệ thống cấp nước, sửa chữa, nâng cấp 5 trạm cấp nước và khoan bổ sung 23 giếng trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn trong năm vừa rồi.

Còn tại Kiên Giang, Sở NNPTNT cũng đã đề nghị Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp Công ty cấp nước tỉnh sửa chữa, nâng hệ thống cấp nước đang quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng khó khăn. Còn ở Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt” với quyết tâm không để hộ dân nào ở Bến Tre thiếu nước ngọt sử dụng. Theo đó, chính quyền địa phương có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, còn người dân nâng cao ý thức trữ nước ngọt.

Theo UBND tỉnh Long An, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh này dành 2.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi phòng chống hạn, mặn ở vùng Đồng Tháp Mười, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức. Cũng tại các địa phương trên, tỉnh này dành một phần kinh phí để đầu tư nhiều hồ chứa nước ngọt với dung tích lớn để cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho bà con nông dân vào mùa khô.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/giua-mua-mua-mien-tay-lo-chong-han-man-725887.html