Giữ văn minh khi sử dụng dịch vụ

Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội, một chủ tài khoản là người nổi tiếng chia sẻ hình ảnh một khách sạn ngập ngụa rác do du khách thuê phòng để lại khiến ai cũng phải lắc đầu.

Cha mẹ cần hướng dẫn cho con biết thu dọn đồ chơi sau khi chơi ngay cả ở các khu vui chơi dịch vụ. Trong ảnh: Một bé gái thu dọn đồ chơi sau khi chơi tại Lotte Mart Đồng Nai. Ảnh: An An

Chủ tài khoản này viết: “Cái tư tưởng mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng nghe mới lạnh lùng làm sao. Và với mình, cách các bạn thản nhiên bày ngập ngụa sau khi thuê còn là việc các bạn thiếu tôn trọng chính bản thân".

* Những hành vi không đẹp

Thực tế hiện nay, có không ít người có suy nghĩ “bỏ tiền ra thuê muốn làm gì thì làm” nên có những cách ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng, xem thường những người làm dịch vụ.

Trên Facebook cá nhân của mình, bà PHAN HỒ ĐIỆP, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam viết: “Hôm qua, một người bạn thân của mình nói, muốn biết ai thế nào, cứ xem cách người đó cư xử với người làm dịch vụ - mình nghe mà thấy đúng quá trời”.

Chị Nguyễn Ngọc Phượng (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) kể, mới đây, chị cho con đến một khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Khi đang chơi, có một bé trai tè dầm ướt một góc khu vui chơi nhưng mẹ của bé chỉ lẳng lặng ẵm bé đi nơi khác mà không hề dọn dẹp hoặc cảnh báo các trẻ khác đừng đến gần. Kết quả là, khu vực này trở nên dơ bẩn, bốc mùi và nhân viên phải dọn dẹp khá vất vả.

Tương tự, ông Trần Quốc Huỳnh (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, đầu tháng 3-2022, ông đi máy bay từ TP.Hà Nội vào TP.HCM, khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, như bao lần ông thấy nhân viên tạp vụ sân bay phải đi gom từng chiếc xe đẩy hàng ở khắp nơi trong và ngoài sân bay về xếp vào chỗ đúng quy định. Bởi nhiều hành khách đẩy xe hàng ra lên xe đưa đón, nhưng mạnh ai nấy “vứt” xe đẩy hàng một cách bừa bãi khắp nơi tại những khu vực đón xe ngoài nhà ga.

Theo ông Huỳnh, tình trạng tương tự này cũng diễn ra tại các siêu thị. “Hôm rồi tôi đến Siêu thị MM Mega Market ở TP.Biên Hòa để mua hàng. Ngày chủ nhật ở trung tâm thương mại này khá đông người đến mua thực phẩm, đồ dùng. Khi đẩy xe hàng ra khu vực trống gần bãi đỗ xe, nhiều xe đẩy hàng bị vứt bừa bãi ở khu vực này gây cản trở lối ra. Qua quan sát tôi thấy chưa có một khách hàng nào đem xe trả về vị trí cũ sau khi dỡ hàng xuống. Tình trạng này diễn ra tại hầu hết các siêu thị ở Biên Hòa” - ông Huỳnh nói.

* Đừng bạ đâu vứt đó...

Ông Huỳnh chia sẻ, lâu nay việc dùng xe đẩy ở siêu thị, sân bay xong mà không đưa lại vị trí cũ đã trở nên quá đỗi bình thường nên không ai để ý. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, sân bay... đều phải có một nhân viên chuyên đi thu gom xe đẩy hàng được vứt bừa bãi đem về đúng vị trí quy định. Nhưng có dịp đi Singapore, ông Huỳnh thấy có cách làm rất hay để nâng cao ý thức người sử dụng dịch vụ. Cụ thể, tại sân bay Changi của Singapore, hành khách có hành lý muốn sử dụng xe đẩy thì đến khu vực để xe, đút 1 đô la Singapore vào một thiết bị đặt tại đó mới có thể lấy được xe đẩy hàng ra. Dùng xong hành khách đem trả xe về vị trí cũ, đặt đúng chỗ máy nhận diện và sẽ “nhả” ra 1 đô la Singapore hoàn lại cho hành khách.

Một tài khoản Facebook chia sẻ hình ảnh du khách vứt rác bừa bãi tại khách sạn sau khi trả phòng. Ảnh: Chụp màn hình

Theo ông Huỳnh, việc thu và hoàn lại tiền cho khách sử dụng xe đẩy đã khuyến khích hành khách đưa xe về vị trí quy định nhằm tạo sự an toàn, trật tự, gọn gàng cho nhà ga. Nhưng cũng có thể xem đó là “tiền phạt” tế nhị đối với người có thói quen vất xe đẩy hàng bừa bãi. Khoản tiền hành khách không được hoàn lại đó được dùng để thuê nhân viên dọn dẹp, thu gom những chiếc xe đẩy hàng về lại chỗ theo quy định. Rất nhiều người Singapore đã đem xe trả lại vị trí cũ sau khi dùng xong và lấy lại tiền. Việc này lâu ngày sẽ hình thành thói quen giữ cho môi trường công cộng ở nhà ga sân bay Changi luôn sạch đẹp, gọn gàng. Bởi thế, sân bay Changi của Singapore nhiều năm luôn đứng đầu tốp 10 sân bay sạch đẹp nhất thế giới.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, bà Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, đã chia sẻ mong muốn, gia đình và nhà trường, cha mẹ và những người lớn sẽ làm gương cho con trẻ về cách cư xử với người làm dịch vụ. Một lời cảm ơn, dọn dẹp trước khi rời đi, một nụ cười, thêm chút kiên nhẫn, giảm âm lượng khi yêu cầu, nói rõ ràng và đủ nghe, không dùng “chùa”; trong quán ăn, khi muốn gọi người phục vụ nên dùng tay ra hiệu..., tất cả những điều đó đều cần học. Nhưng quan trọng nhất là cử chỉ làm gương của cha mẹ. Chứ cho con đi nghỉ cùng rồi khi rời đi, con thấy cảnh tượng đó, làm sao mà nói với con được về sự tự trọng, về cách cư xử lịch lãm.

“Làm sao mà bạn dạy được con rằng, những cử chỉ mình làm với ý nghĩa là “giúp đỡ” ai đó, là “cho” đôi khi thật đơn giản. Dọn sạch để giúp người phục vụ đỡ mệt hơn là cho đi sự san sẻ. Và chỉ khi nào con biết cách “cho” thì con mới hạnh phúc. Thử một lần khi cả nhà đi nghỉ, trước khi trả phòng hãy cùng nhau để nhìn lại và đặt mọi thứ về vị trí, xếp lại ga gối, thu rác bỏ vào thùng. Bạn thấy niềm vui đó có khi cũng đáng giá chẳng kém gì trải nghiệm du lịch mà bạn muốn mang đến cho con. Kỳ nghỉ đang đến gần, chúc tất cả chúng ta đều ở tâm thế “cho” - bà Phan Hồ Điệp bày tỏ.

Phương Liễu - An An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202204/giu-van-minh-khi-su-dung-dich-vu-3113650/