Giữ trọn nghề cao quý

Truyện ngắn

Đêm khuya, cảnh vật chìm vào giấc ngủ say, chỉ có gió vẫn lao xao bên những lùm cây. Cô giáo Mai thẫn thờ ngồi cầm tờ giấy trên tay, mắt thẫm lệ. Giọt nước mắt vô tình nhỏ xuống làm nhòe mấy dòng chữ, cô giật mình vội vàng đến bên bếp lửa hơ tờ giấy cho mau khô…
Hóa ra tờ giấy đó là lá đơn cô xin thôi việc. Cô giáo Mai dạy học xa nhà đã mười mấy năm, nhà cách trường cả trăm cây số. Lúc con còn nhỏ, cả gia đình cô lên sinh sống trong gian nhà tập thể chật chội. Con lên 3, chồng cô đưa về quê sinh sống, còn lo vườn tược, đồi cây. Lý do cô xin nghỉ việc vì cần có thời gian dành cho gia đình, làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ, phần nữa chi phí đi lại cao, nếu tính chi ly lương chẳng còn là bao. Đơn đã viết xong, cô tính chiều mai tan trường sẽ đến gặp thầy hiệu trưởng nộp. Lá đơn hôm nay bị nhòe, mai cô sẽ viết lại lá đơn khác.
Sáng sớm, mặt trời vừa ló rạng, học sinh đã có mặt ở trường, bạn quét lớp, bạn quét sân, tiếng gọi nhau í ới vang vọng cả sân trường. Cô giáo Mai bước tới cửa lớp, học sinh chạy ra cầm cặp để lên bàn giúp cô. Thấy mắt cô đỏ, sưng tấy, cả lớp xúm lại hỏi:
- Cô bị ốm ạ?
Cô giáo Mai miễn cưỡng trả lời học sinh:
- Cô hơi mệt chút thôi. Trống vào lớp rồi, các em mau đi ôn bài!
Một bạn gái chạy tới sờ vào trán cô nói to:
- Cô bị ốm rồi. Cô Mai ốm rồi các bạn ơi!
Lớp cô dạy mọi ngày, học sinh nghịch ngợm, bướng bỉnh mà sao hôm nay lại trở nên ngoan ngoãn, biết quan tâm đến vậy. Học sinh nhất quyết khẳng định cô bị ốm, ở nhà bị nóng đầu là mẹ cho các em uống thuốc ngay. Bạn Hưng kéo cô đứng lên khuyên cô nhanh đi khám bệnh, uống thuốc cho mau khỏe. Cô mà ốm thì ai lên lớp thay cô. Lời nói ngây thơ, non nớt đó làm cô giáo Mai đỏ khóe mắt. Cô thật sự xúc động trước hành động của học trò. Trống vào lớp, học sinh về chỗ ngồi, cô mở cặp lấy giáo án, tờ đơn bên trong rơi ra theo. Cô nhặt tờ đơn lên trầm tư suy nghĩ giây lát rồi lại cất vào cặp. Giờ học hôm nay thật lạ, cô lên lớp trong nghẹn ngào, học sinh ngoan ngoãn ngồi lắng nghe cô giảng, học đến đâu hiểu bài đến đó, em nào băn khoăn lại giơ tay đặt câu hỏi nhờ cô giải thích. Trong bài có lồng ghép chủ đề biết ơn thầy cô. Một học sinh đứng lên hỏi cô:
- Cô ơi, tại sao lại nói nghề dạy học là nghề cao quý ạ?
Cô đứng lặng, cổ họng như có vật cản chắn lại rồi bình tĩnh giải thích: Tất cả con người muốn trưởng thành đều phải học. Nghề dạy học không chỉ truyền thụ tri thức trong sách cho học sinh mà còn dạy các em cách trở thành người có ích, sáng tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội văn minh. Thầy cô luôn coi học sinh như con của mình, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với các em, chính các em là người quyết định đất nước có phát triển và trường tồn hay không… Nghe cô giáo giải thích, học sinh nào cũng nói lớn lên muốn làm nghề dạy học. Cái nghề cô muốn từ bỏ mà giờ lại là ước mơ của thế hệ măng non. Đầu óc cô cứ chông chênh giữa khoảng không ở lại hay từ bỏ công việc mình mơ ước từ nhỏ, câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp.
Giờ ra chơi, cô giáo Mai ngồi bên gốc cây trước sân trường nhìn tảng đá nằm giữa lòng suối. Tảng đá ấy hồi cô mới lên, mặt nước cách đỉnh đá bằng cánh tay, cuộn chảy quấn quanh ngày đêm, giờ suối cạn, nó đứng chỏng chơ, trắng bạch phơi mình dưới nắng cô đơn. Cô sợ cảm giác cô đơn ấy. Nhớ hồi mới đi làm một mình ở điểm trường phân hiệu, tối đến chỉ nghe tiếng lắc rắc của cành cây khô, thoang thoảng tiếng ếch ồm ộp, khi lên cơn sốt rét nằm co ro một mình, cô chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà với mẹ. Thời gian khó ấy cô đã vượt qua, gắn bó với lớp lớp học trò nơi vùng đất này.

Minh họa: Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)

Tuổi thanh xuân cô đã gửi lại nơi đây, vậy mà giờ cô muốn rời bỏ để thử vận may. Đầu óc cô đang lơ mơ thì cậu học trò đến đưa cho cô bức tranh vẽ những ngôi nhà cao tầng nằm hai bên đường nhựa phủ đầy cây xanh. Em mong muốn lớn lên làm nghề kiến trúc sư để xây nhiều ngôi nhà cao tầng, có con đường nhựa thẳng tắp để cô đi lại dễ dàng hơn. Cô đưa ngón tay lên ra hiệu khen ý tưởng thật tuyệt rồi xoa đầu cậu học trò nhỏ. Cậu bé nắm đôi bàn tay cô gật đầu bày tỏ lòng cảm ơn. Bàn tay nhỏ xinh, ấm áp của cậu học trò làm cô nhớ con trai nhỏ ở nhà. Mỗi lần mẹ đi làm, nước mắt giàn giụa đòi mẹ ở nhà với con. Nghĩ về con, cô lại có thêm quyết định cứng rắn hơn.
Buổi trưa, về đến nhà vừa đặt cặp xuống, cô bạn học thời phổ thông gọi điện hỏi cô giáo Mai:
- Thế nào rồi, bạn quyết định chưa? Thôi nghỉ đi về đây tôi giới thiệu việc làm cho. Nhanh nhẹn như bạn thiếu gì việc để làm, nhanh đấy không là hết chỗ ngon.
Cô ầm ừ rồi trả lời bạn:
- Để tôi tính rồi báo lại bạn nhé!
Trưa hôm ấy, cô giáo Mai thấy hơi mệt nên lên giường nằm nghỉ. Thời học trò lại hiện ra. Lúc nhỏ, cô Mai hay chơi trò làm cô giáo, giọng nói ấm áp, dễ nghe nên lần nào chơi cô cũng được các bạn chọn làm cô giáo. Mỗi lần chơi, cô đều được các bạn vỗ tay khen vì mình đóng vai cô giáo quá đạt. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ cô đã nuôi ước mơ làm nghề dạy học. Học xong lớp 12, cô thi vào Trường Cao đẳng sư phạm, gia đình nghèo nên bố mẹ chỉ cho tiền đóng học phí, còn tiền sinh hoạt, cô phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Ra trường vài năm, cô giáo Mai xây dựng gia đình, dịp nghỉ hè lại bồng con thơ học nâng cao lên đại học. Con nhỏ, đồng lương eo hẹp cô phải tính toán khéo léo để vừa có tiền đi học, vừa có tiền nuôi con. Ngày ấy khó khăn chồng chất mà cô vẫn vượt qua được. Thật ra cô cũng nuối tiếc khi bỏ nghề, bao công học hành vất vả, đến giờ chuyên môn đã vững vàng, nhưng giữa gia đình và công việc, cô phải chọn một.
Cô vùng dậy quyết định đi gặp thầy hiệu trưởng. Cô trình bày như trong đơn lý do xin nghỉ việc là muốn có thời gian chăm sóc gia đình. Thầy hiệu trưởng khuyên cô suy nghĩ lại, nhưng cô vẫn nhất quyết nộp đơn. Sau nhiều lần khuyên giải không thành, thầy hiệu trưởng nhận đơn và động viên cô cứ về tiếp tục công việc, rồi sẽ gửi đơn của cô lên cấp trên xử lý. Cô giáo Mai ra về, trong lòng không khỏi nghẹn ngào, vấn vương.
Từng ngày qua đi, chẳng mấy chốc đã đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô thướt tha trong bộ áo dài truyền thống cùng đồng nghiệp dự lễ tuyên dương, khen thưởng. Nghe lời động viên của lãnh đạo, lời tri ân của thầy cô, học sinh lay động lòng người, cô thấy nghề mình chọn thật cao quý. Đồng nghiệp biết cô xin nghỉ việc, ai cũng động viên cô cố gắng vượt qua thời điểm khó khăn này. Mỗi nghề đều có đặc thù riêng, nghề nào cũng có sự vất vả, gian nan mà người trong cuộc mới hiểu. Thật ra nghề giáo tuy gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực trong công việc nhưng nhìn lại đó là nghề vinh quang.
Nhờ bạn bè động viên, tinh thần cô giáo Mai khá hơn. Sau lễ tuyên dương hôm đó cũng là cuối tuần, cô đang thu dọn đồ về nhà thì nghe thấy tiếng rì rầm ngoài sân. Hóa ra là đám học trò đang đùn đẩy nhau đi trước, vào sau. Các em bước vào cửa, ôm một bó hoa rừng thật to tặng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Rồi tiếp đến là túi trứng, túi ngô, túi rau… lần lượt trao tay tặng cô. Học trò cảm ơn cô đã dạy dỗ các em trở thành con ngoan, trò giỏi và mong năm sau cô lại tiếp tục chủ nhiệm lớp. Cô giáo Mai nhận quà rưng rưng nước mắt, chỉ biết ôm các trò vào lòng.
Đầu tuần, khi cô giáo Mai đi làm, thầy hiệu trưởng thông báo sau giờ dạy học đến gặp thầy. Cô chờ đợi ngày này đã lâu nhưng khi nghe thông báo, cô lại thấy bồn chồn khó tả. Vừa bước vào phòng, thầy hiệu trưởng cười nói:
- Chúc mừng cô!
Khuôn mặt cô chùng xuống, có lẽ đây là câu trả lời. Thầy hiệu trưởng bảo cô bình tĩnh ngồi xuống ghế, thầy nói chúc mừng cô vì cấp trên không nhận đơn xin thôi việc của cô, nhưng xét về hoàn cảnh gia đình, về những năm cô công tác ở vùng khó khăn, cô sẽ được luân chuyển về dạy học ở trường học gần nhà vào thời gian gần nhất. Nghe xong, cô giáo Mai vỡ òa vui mừng khôn xiết. Điều may mắn ấy cô chưa bao giờ dám nghĩ đến vì hiểu rằng không chỉ cô mà còn rất nhiều thầy cô giáo cũng đang phải xa gia đình, ngày đêm gắn bó với nghề.
Cuối học kì I, cô giáo Mai được chuyển về gần nhà dạy học, đây là phần thưởng quý sau nhiều năm cô cống hiến cho ngành giáo dục vùng cao còn nhiều khó khăn. Vậy là cô vừa được gần gia đình mà vẫn giữ trọn được nghề cao quý.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362324-giu-tron-nghe-cao-quy