Giữ tinh hoa y học cổ truyền

Giữ gìn, phát huy giá trị tinh hoa y học cổ truyền đã khó nay lại càng khó hơn khi những năm qua, nhiều lương y không đủ điều kiện hành nghề vì vướng quy định.

Vốn xưa truyền lại

Chúng tôi tìm đến phòng khám đông y Tuệ Sanh Đường của lương y Nguyễn Học Thức (đường Trần Nguyên Hãn, TP. Nha Trang) vào một buổi trưa đầu tháng 10. Tranh thủ thời gian vãn bệnh nhân, ông Thức lấy ra một số vị thuốc và giảng giải cho con gái đang là y sĩ đông y (hiện thực tập tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng) về dược tính của từng vị thuốc, kèm theo là các bài thuốc gia truyền. Ngay từ nhỏ, ông đã được làm quen và tiếp xúc với thuốc, hàng ngày ngửi mùi thuốc sắc thân thuộc. Từ bé ông đã ấp ủ kế thừa nghiệp tổ tiên nên dành thời gian theo học nghề lương y. Ông Thức cho biết, cha ông là lương y Nguyễn Học Sanh có 18 người con, trong đó 15 người nối nghề gia truyền. Nếu tính đến hàng cháu, hiện nay, đại gia đình ông có hơn 20 người làm nghề đông y ở các phòng khám tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông thừa kế kinh nghiệm chữa bệnh của cha ông với nhiều bài thuốc quý, trong đó nổi tiếng với bài thuốc chữa hiếm muộn. Tiếng lành đồn xa, việc duy trì và phát triển nghề gia truyền đối với ông Thức là trách nhiệm của con cháu với tổ nghề và các bậc tiền bối.

Ông Nguyễn Học Thức hướng dẫn cho con gái phân biệt và bốc các vị thuốc.

Đến xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh), chỉ cần hỏi nhà lương y Ngô Viết Tường điều trị “trật đả chấn thương” theo phương pháp đông y, nhiều người dân nhiệt tình chỉ đường. Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Tường đang điều trị cho một bệnh nhân bị trật gân, ngoài sân vẫn còn 3 người bệnh ngồi chờ đến lượt điều trị. Ông mang ra một hộp cao thuốc gia truyền có tác dụng đặc trị trật đả, tỉ mỉ bôi thuốc ra tấm băng rồi buộc lên tay cho bệnh nhân. Hàng ngày, ngoài chữa bệnh tại nhà, ông Tường còn làm công tác phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, khám chữa bệnh từ thiện tại Hội Đông y huyện Diên Khánh. Với thâm niên 20 năm theo nghề của cha truyền lại, ông Tường luôn tâm niệm “nghề y lấy đức làm đầu”, cốt lõi là giữ gìn nghề thuốc quý báu và cứu người.

Ông Ngô Viết Tường điều trị cho bệnh nhân.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều gia đình cha truyền con nối trong hoạt động khám, chữa bệnh đông y. Với họ, đây không chỉ là một nghề nuôi sống bản thân mà hơn hết là trách nhiệm lưu giữ, phát huy truyền thống lâu đời của dòng tộc, lưu giữ tinh hoa của nền y học cổ truyền.

Chật vật giữ nghề

Trao đổi về câu chuyện giữ nghề hiện nay, ông Đặng Hữu Lộc - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, trước đây, những người là thế hệ con, cháu được cha ông truyền nghề, sau khi học xong lớp lương y thừa kế sẽ được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận lương y, có đủ điều kiện để mở phòng mạch khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo Thông tư số 13 ngày 6-7-1999 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền, các lớp lương y thừa kế không được Trường Trung học Y tế (nay là Trường Cao đẳng Y tế) tổ chức nữa. Tiếp đến, năm 2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 29 về quy định cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y. Theo đó, điều kiện được cấp giấy chứng nhận lương y là phải đủ chứng chỉ học phần trước ngày 30-6-2004 nên có rất ít người đáp ứng được.

Chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Quận (thị trấn Diên Khánh), là người có thâm niên làm nghề đông y gần 30 năm nhưng đang thực tập khóa học Y sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng. Ông kể, giai đoạn từ năm 2000, ông theo học lớp lương y thừa kế khóa 2 do Trường Trung học Y tế Khánh Hòa (nay là Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa) tổ chức cùng với hơn 40 người khác. Khi chỉ còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp, Bộ Y tế ban hành quy định không cấp giấy chứng nhận cho các học viên theo học lớp lương y thừa kế nữa. Khóa học phải dừng lại, các học viên chỉ được cấp giấy chứng nhận đã học các nội dung, không được cấp giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện để xin cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh đông y. Để nghề của cha ông không bị mai một, ông Quận đã xin làm tại Trạm y tế thị trấn Diên Khánh và chữa trị tại nhà cho người thân quen. Tuy vậy, giấc mơ có một phòng mạch riêng cho mình để phát triển nghề truyền thống của gia đình vẫn đau đáu trong ông. Đến năm 2021, ông quyết định đăng ký học lớp y sĩ tại TP. Hồ Chí Minh và hiện nay thực tập tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng.

Tương tự, bà Lâm Thùy Phương Thủy - Hội Đông y TP. Nha Trang cũng mất gần 3 năm theo học lớp lương y thừa kế nhưng không được cấp giấy chứng nhận để xin giấy phép hành nghề. Cơ quan làm việc khi đó (Trung tâm ứng dụng thừa kế y học cổ truyền tỉnh) vẫn chấp nhận việc bà đã hoàn thành chương trình học nên cho bà tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế, bà vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển chuyên môn. Tuy không xuất thân từ gia đình truyền thống làm đông y nhưng với đam mê và có duyên với nghề nên bà đã tự mày mò, nghiên cứu tài liệu và học hỏi thêm từ các bậc tiền bối. “Ngày đó, tôi rất buồn và không muốn từ bỏ, vì nghĩ mất gần 3 năm theo học mà không có giấy chứng nhận. Mãi đến năm 2012, khi Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa mở lớp y học cổ truyền khóa đầu tiên, tôi đã theo học và tiếp tục học liên thông ở một trường đại học mở. Đến bây giờ, bằng cấp gần như đã đầy đủ, tôi rất tự tin về chuyên môn của mình”, bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 quy định, lương y là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Với quy định này, sẽ có rất nhiều lương y chưa đủ điều kiện để hoạt động, bởi đối tượng lương y chưa có quy định về đào tạo.

Gỡ khó cho người hành nghề

Với những bất cập nêu trên, ngày 26-7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, giải quyết những khó khăn trong việc xin cấp phép hành nghề đông y. Theo đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung ương Hội Đông y nắm bắt tình hình tại các tỉnh, thành phố; đồng thời xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y. Ông Lộc cho biết thêm, Trung ương Hội đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giao Hội Đông y Việt Nam chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho hội viên trước khi trình cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y. Chương trình đào tạo gồm 150 tín chỉ, học trong thời gian 5 năm, dựa trên nền tảng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền của các trường đại học y dược trong cả nước, có bổ sung phần kiến thức đông y…

Được biết, Hội Đông y tỉnh có 575 hội viên, trong đó phần lớn là hội viên xuất thân từ gia đình truyền thống làm nghề đông y. Nếu chương trình đào tạo được chấp thuận, các thế hệ con cháu gia đình đông y có thể tiếp tục được đào tạo chính quy. Sau khi học đủ các tín chỉ, Hội đồng thi quốc gia sẽ tổ chức thi tốt nghiệp và được cấp bằng hành nghề. Đây thật sự là điều mong mỏi của không ít người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống khám, chữa bệnh bằng đông y nhằm góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của nền y học cổ truyền.

VÂN DUNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/giu-tinh-hoa-y-hoc-co-truyen-4f94df4/