Giữ rừng mùa mưa

Mùa mưa tháng 8 là thời điểm rừng có nhiều măng lồ ô. Vì vậy, không ít người dân vào rừng phòng hộ để lấy măng làm thức ăn cho gia đình hoặc bán kiếm thêm thu nhập. Để tránh tình trạng xâm hại cũng như khai thác tài nguyên rừng trái phép, thời gian qua, ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai, huyện Bù Gia Mập còn đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống cạnh rừng.

Rừng phòng hộ Đắk Mai hiện có hơn 6.711 ha rừng tự nhiên, đặc thù là rừng hỗn giao với lồ ô, tre, nứa xen gỗ. Rừng luôn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lâm sản, dược liệu và thú rừng quý hiếm.

Sống dựa vào rừng, khai thác sản vật từ rừng, trong đó có măng, là tập quán của bà con DTTS từ bao đời nay. Tuy nhiên, lấy và chế biến măng rừng luôn có những ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng. Theo anh Điểu Pot ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, một người từng đi lấy măng rừng cho biết: “Những năm trước, do cuộc sống khó khăn, mình thường vào rừng lấy măng để bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần vào rừng từ 2-3 ngày, để lấy được 1 mụt măng, mình phải chặt đi nhiều cây rừng xung quanh. Để măng khô nhẹ, dễ di chuyển và có giá cao hơn, những cây gỗ có đường kính từ 10-15cm trở lên sẽ trở thành chất đốt để sấy măng, vì vậy những cây gỗ non cũng bị thiệt hại và nguy cơ cháy rừng rất cao. Khi được cán bộ, nhân viên giữ rừng và thôn đến vận động, tuyên truyền, mình đã hiểu vào rừng lấy măng là xâm hại đến rừng, là vi phạm. Do đó, nay mình không vào rừng lấy măng nữa mà theo cán bộ, nhân viên cùng chăm sóc, giữ rừng và cuộc sống đã ổn định hơn”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng mùa mưa để tránh trường hợp người dân vào rừng hái măng gây nguy hại đến rừng

Xác định mùa mưa hằng năm cũng là mùa măng, bà con DTTS sinh sống và làm rẫy gần rừng có nguy cơ tác động đến tài nguyên rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã huy động cán bộ, nhân viên tích cực đến từng nhà tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích của việc giữ rừng. Nhờ đẩy mạnh dân vận mà đến nay, hầu hết bà con DTTS sinh sống gần rừng không còn xâm hại rừng. Bà Thị Quân ở xã Đắk Ơ cho biết: “Trước kia, tôi thường vào rừng lấy măng nhưng giờ bà con ở đây cũng như tôi không đi lấy măng nữa. Chúng tôi đã hiểu vào rừng lấy măng là vi phạm nên bây giờ chỉ chăm lo trồng bắp, trồng lúa rẫy thôi”.

Tháng 8 mùa mưa, các lâm sản phụ như: tre, nứa, lồ ô… sinh trưởng, phát triển mạnh. Nếu mình kiểm tra, kiểm soát không tốt, người dân sẽ lén vào rừng lấy măng với mục đích thương mại. Có người đưa về nhà sấy rồi bán hoặc sấy tại chỗ nên nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra. Trước tình hình đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ cũng như các chốt bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp tuần tra, tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng lấy măng mà vi phạm lâm luật.

Ông HOÀNG HỒNG SƠN, Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai

Theo quy định, rừng phòng hộ cấm người dân vào rừng dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, vì cuộc sống, người dân vẫn lén vào rừng lấy măng và các lâm sản phụ. Với quyết tâm bảo vệ, không để người dân xâm hại tài nguyên rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã đề ra nhiều phương án hiệu quả. Một trong số đó là khoanh vùng, thường xuyên kiểm tra các tiểu khu trọng điểm như 37, 39, 41, 42, 43… là những nơi dễ xảy ra cháy rừng, mất rừng, nơi có nhiều rừng lồ ô, tre, nứa, gỗ quý và giáp ranh với các huyện. Đồng thời phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát người ra, vào rừng với quyết tâm không để rừng bị xâm hại.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai cho biết: “Qua tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, ban còn phối hợp với các đơn vị nhận khoán, cộng đồng nhận khoán thường xuyên kiểm tra tại các điểm, chốt; chú trọng tuyên truyền các hộ dân sống quanh khu vực lâm phần chấp hành tốt chủ trương, chính sách, quy định của ngành lâm nghiệp. Trong quá trình tuyên truyền, tập trung nâng cao nhận thức của người dân không xâm hại rừng, đảm bảo diện tích rừng ổn định và phát triển, nhất là những cây lồ ô đang sinh trưởng mạnh”.

Qua thực tế cho thấy, cán bộ, nhân viên Ban quản lý thể hiện được trách nhiệm, nỗ lực trong quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ban cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức và gắn quyền lợi với trách nhiệm bảo vệ rừng, đặc biệt là với những hộ sống gần rừng. Đó chính là sức mạnh để ngăn chặn xâm hại rừng và góp phần bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất.

Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/136138/giu-rung-mua-mua