Giữ nghề se lanh, dệt vải của đồng bào dân tộc Mông

Từ bao đời, nghề se lanh, dệt vải đã gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mông. Ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, bà con vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cây lanh rất dễ trồng, phát triển nhanh sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Mông là phải trồng mau cho cây thẳng và sợi dài, trồng thưa cây sẽ ra nhánh, sợi dễ bị đứt khi tước. Cây lanh cao từ 2,5m – 3m, sau khi thu hoạch bà con tuốt bỏ hết lá và bó thành bó đem phơi. Lanh được phơi nắng trong khoảng 10 ngày, sau đó đem tước vỏ thành từng sợi, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ những sợi lanh được nối với nhau mà không tạo ra mấu nối và cuốn thành từng cuộn. Muốn sợi lanh được trắng, mềm thì phải đem lanh luộc với nước tro bếp và nước vôi trong, mang đi giặt sau đó lại luộc tới 3 lần, mới phơi khô, cho vào guồng chia sợi trước khi đem đi dệt thành vải.

Phụ nữ dân tộc Mông bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ thu hoạch cây lanh

Nhà chị Mùa Y Múa ở bản Co Lóng, từng bó cây lanh dựng san sát trải khắp sân. Chị Múa chia sẻ: Lanh là loài cây gắn bó với đồng bào dân tộc Mông từ xa xưa. Năm nào tôi cũng trồng một khoảng nương để lấy sợi dệt vải. Khi thu hoạch, để lại một số cây cứng cáp đến cuối năm sẽ cho những hạt chắc mẩy làm giống tới mùa sau. Cây lanh ưa đất ẩm, vì vậy hay trồng chỗ đất trũng, từng vụ thay đổi đất trồng thì cây sẽ tốt hơn.

Chị Mùa Y Múa bản Co Lóng, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ phơi cây lanh

Đến thăm nhà bà Sồng Thị Chi ở bản Co Chàm, khi bà dệt vải. Khung cửi của đồng bào Mông khá đơn giản với một chiếc khung thẳng đứng như cái thang được buộc vào cột nhà để cố định, một đầu được giữ bằng chính người dệt vải. Ngoài cuộn sợi lanh, còn có một ống tre đường kính khoảng 20cm để chia 1 phần chỉ trên dưới và một chiếc phên tre đan mau chiếc lược để chia tách các sợi chỉ, hộp đựng con thoi dài khoảng 50cm rộng 10cm đồng thời làm bàn đập khít các sợi vải. Bà dệt vải thoăn thoăn, phối hợp tay và chân nhịp nhàng theo nhịp 2-1 dùng con thoi dập từng sợi vải đồng thời kéo chân để đảo chỉ lên xuống theo nguyên lý như đan lát.

Bà Chi chia sẻ về nghề: Năm nay, tôi 57 tuổi, tôi biết dệt vải khi còn nhỏ. Hằng năm, tôi đều trồng khoảng 100m2 cây lanh. Những lúc nông nhàn tôi tranh thủ dệt, mỗi năm tôi dệt được khoảng 60-70m vải có chiều rộng 30cm.

Bà Sồng Thị Chi, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ dệt vải lanh

Nghề se lanh, dệt vải của đồng bào dân tộc Mông đã có từ xa xưa, những người phụ nữ dân tộc Mông truyền tay từ thế hệ trước sang thế hệ sau, thể hiện sự khéo léo, kiên trì, cần cù, chịu thương, chịu khó. Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông ở xã Lóng Luông duy trì nghề se lanh dệt vải chủ yếu may các túi đồ thổ cẩm, trang phục để mặc trong những ngày lễ và đặc biệt theo phong tục của đồng bào dân tộc Mông, khi người khuất núi phải được mặc váy, áo làm từ vải lanh.

Anh Mùa A Tành, công chức văn hóa xã Lóng Luông, chia sẻ: Theo văn hóa tâm linh của đồng bào Mông ở Lóng Luông, sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn của người mất về với tổ tiên. Vì vậy, mỗi người dân tộc Mông khi mất phải có ít nhất 3 bộ quần áo làm bằng vải lanh, để tiện nhận ra người của dân tộc mình. Gia đình có cha mẹ già yếu, thì con cái phải chuẩn bị sẵn quần áo cho cha mẹ bằng vải lanh để tỏ lòng báo hiếu.

Chuyên kinh doanh đồ thổ cẩm, trang phục dân tộc, chị Mùa Thị Xay, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, chia sẻ: Tôi thường nhập vải, váy, áo làm từ vải lanh về bán. Giá bán 1m vải lanh khoảng 80 nghìn đồng, còn trang phục váy, áo có giá từ 7 triệu đồng đến 9 triệu đồng mỗi bộ. Không chỉ bán cho khách tại địa phương, tôi còn livestream trên facebook, xuất bán cho cả khách là đồng bào dân tộc Mông ở trong và ngoài nước.

Chị Mùa Thị Xay kinh doanh thổ cẩm, trang phục dân tộc phơi vải lanh

Với cách làm độc đáo, độ bền đẹp của vải lanh, giờ đây những chiếc váy của người Mông đã và đang trở thành mặt hàng được xuất khẩu qua nước ngoài. Cùng với nghề thêu may trang phục truyền thống, nghề se lanh, dệt vải đã trở thành nét văn hóa độc đáo được bà con lưu truyền, vừa tăng thêm thu nhập, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Phạm Hoa (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-nghe-se-lanh-det-vai-cua-dong-bao-dan-toc-mong-SYOVVcu4R.html