Giữ nghề chế tác đàn tính ở Cao Bằng

Cây đàn tính là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Hiện nay, Cao Bằng chỉ còn số ít nghệ nhân hành nghề chế tác đàn tính và họ đang nỗ lực phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ, tạo ra sản phẩm văn hóa vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng.

Đàn tính (còn gọi là tính tẩu) là nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, gắn liền với đời sống tín ngưỡng, văn hóa dân gian và âm nhạc dân tộc của đồng bào nơi đây.

Nghệ nhân Triệu Đức Môn 59 tuổi, tổ 17, phường Sông Hiến (Thành phố Cao Bằng), người có hơn 30 kinh nghiệm trong việc chế tác đàn tính cho biết: hộp tạo âm là bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng của đàn, cần lựa chọn những quả bầu không quá to, không quá nhỏ, miệng tròn, chu vi từ 60 - 70 cm, phải là quả già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, tiếng kêu đanh thì đàn mới có âm sắc chuẩn. Khi lấy về phải cắt bỏ phần trên, bỏ ruột ra và ngâm nước một tuần rồi rửa sạch, phơi khô, sau đó ngâm vôi khoảng 2 - 3 ngày để không bị mọt.

Quả bầu sau khi được ngâm vôi để chống mối mọt sẽ khoan đục lỗ xung quanh thân bầu, giúp âm thanh khi đánh lên phát ra đều hơn.

Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, thường dùng gỗ cây hoa sữa (phần thân), có nơi làm bằng gỗ cây vông vì gỗ mềm để tạo tiếng vang. Nắp đàn dày khoảng 3 mm.

Tiếp đó là làm cần đàn để lắp vào hộp âm thanh. Cần đàn hoàn toàn làm bằng thủ công và được làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu.

Cần đàn có chiều dài trung bình từ 80 cm - 1 m, tùy theo sải tay của người chơi, cần sau khi hoàn thành được gắn vào bầu đàn, đánh bóng và phơi khô.

Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Đàn tính của người Tày, Nùng có thể có 2 hoặc 3 dây, dây đàn thường được làm từ dây dù hoặc dây cước.

Nghệ nhân Trương Văn Đức, tổ 3, phường Hòa Chung (Thành phố Cao Bằng) chia sẻ: Một cây đàn tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn cần có hội tụ đủ các yếu tố: Bầu đàn đủ kích cỡ, đục lỗ bầu và chỉnh dây chuẩn. Người thợ làm đàn ngoài đôi bàn tay khéo léo, còn cần phải biết hát các điệu then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn.

Các nghệ nhân tỉ mỉ chỉnh lại từng chi tiết để có được sản phẩm ưng ý nhất. Để hoàn thiện một cây đàn tính thì việc chỉnh trang có thể mất từ 1,5 đến 2 ngày.

Sau khi lắp ghép tất cả các bộ phận của đàn, cây đàn sẽ được phủ một lớp sơn bóng có màu nâu vàng đặc trưng. Mỗi cây đàn tính khi hoàn thiện thường được bán từ 700 nghìn- 1 triệu đồng.

Với mong muốn văn hóa dân tộc không bị mai một, bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, những nghệ nhân làm đàn tính như ông Trương Văn Đức, Triệu Đức Môn đã và đang nỗ lực trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày, Nùng cho lớp trẻ hôm nay và mai sau để lời Then, tiếng tính cùng với những làn điệu dân ca tiếp tục bay cao, bay xa và sống mãi với thời gian.

PV-CTV/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/giu-nghe-che-tac-dan-tinh-o-cao-bang-post1086749.vov