'Giữ lửa' nghề làm bánh truyền thống

Chị Đặng Thị Điệp (khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước) lựa chọn gắn bó với nghề làm bánh truyền thống. Chị luôn mong muốn những thức quà mang bản sắc quê hương sẽ được lưu giữ, phát triển.

Chị Điệp (trái) và các chị em đang làm bánh. Ảnh: Hội LHPN TP Đồng Xoài

Chị Đặng Thị Điệp có lò làm bánh gia đình. Ban đầu, chị chỉ làm nhỏ lẻ, bán vào ngày Tết, ngày rằm. Sau khi được sự hỗ trợ từ Hội LHPN địa phương, chị Điệp đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, cùng làm với các chị em hội viên trong Chi hội phụ nữ khu phố.

Qua 5 năm triển khai, mô hình khởi nghiệp làm bánh lá truyền thống không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình chị Điệp mà còn hỗ trợ 10 hội viên có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình của chị Điệp hiện có thể làm ra hàng ngàn chiếc bánh lá trong 1 tháng, với các loại bánh như: Bánh ít lá gai, bánh chưng, bánh tét, bánh bò, bánh nếp than, bánh ú tro…

Chị Điệp cho biết, tất cả sản phẩm ở mô hình làm bánh của chị được làm thủ công. Lá được dùng để gói bánh chưng, bánh tét là lá dong, còn bánh ít lá gai được sử dụng lá gai tươi. Điều này giúp cho chiếc bánh có hương vị ngon.

"Các chị em tham gia mô hình đều nắm được các khâu làm, còn tôi là người điều phối công việc. Mỗi chị em được phân công đảm nhận một khâu để công việc gói bánh được nhanh chóng, khoa học. Các nguyên, vật liệu dùng để làm bánh luôn được chuẩn bị sẵn sàng trước đó, các khâu từ trộn nhân, gói bánh đến nấu bánh được phân công cụ thể cho từng người.

Chị Đặng Thị Điệp khởi nghiệp thành công với mô hình làm bánh lá truyền thống

Thời điểm bận rộn nhất của chúng tôi là vào dịp lễ, Tết, khi đó, chúng tôi làm theo đơn đặt hàng của khách. Còn vào ngày thường, mỗi tháng, tôi gom đơn đặt hàng qua mạng, qua hội viên phụ nữ và tổ chức gói bánh theo từng đợt. Hiện nay, người mua đa số là khách quen, thích hương vị bánh do chúng tôi làm", chị Điệp chia sẻ.

Chia sẻ thêm về lý do gắn bó với nghề làm bánh thủ công giữa thời đại công nghiệp hóa hiện nay, chị Điệp tâm sự: "Khi chọn mô hình làm bánh truyền thống để khởi nghiệp, tôi không còn trẻ nữa. Ngoài vấn đề thu nhập, tôi còn ấp ủ mong muốn giữ lửa nghề làm bánh truyền thống để nó không bị mất đi.

Điều khiến tôi thấy vui là con gái, con dâu của tôi đã học được nghề và bí quyết để có những chiếc bánh ngon. Chị em hội viên trong Chi hội phụ nữ cũng có một nguồn thu nhập thêm".

Quá trình khởi nghiệp của chị Điệp luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Hội LHPN phường Tân Thiện. Vừa qua, Hội LHPN thành phố Đồng Xoài đã hỗ trợ mô cho vay 10 triệu đồng, giúp mô hình trang bị thêm đồ dùng để làm ra những chiếc bánh ngon và chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đồng Xoài, cho biết: "Từ ý tưởng khởi nghiệp hoặc những mô hình nhen nhóm từ quy mô nhỏ, nhận thấy tiềm năng phát triển, chúng tôi đã đồng hành và tiếp sức cho hội viên khởi sự kinh doanh.

Nhiều hội viên phụ nữ với sự năng động, sáng tạo đã phát triển được mô hình khởi nghiệp của mình. Mô hình làm bánh lá truyền thống của chị Điệp rất có ý nghĩa với cộng đồng. Mô hình đã giúp nhiều hội viên có việc làm ngay tại địa phương.

Mùa dịch Covid-19 đã đi qua nhưng tình hình kinh tế-việc làm còn khó khăn nên chị Điệp đã tạo thêm công ăn việc làm cho chị em xung quanh. Mô hình còn có ý nghĩa trong việc giữ gìn món bánh dân dã, thơm ngon".

Bạn đọc có nhu cầu đặt bánh, có thể liên hệ với chị Đặng Thị Điệp theo địa chỉ: Khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Số điện thoại: 091.667.6510

Phạm Hoài

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giu-lua-nghe-lam-banh-truyen-thong-20240329150149649.htm