Giữ 'lửa' nghề cho nhà báo nữ

Làm báo là một nghề khó nhọc, vất vả và càng vất vả, nghiệt ngã hơn đối với nữ giới khi làm báo. Bởi, với phụ nữ ngoài phải đáp ứng tốt yêu cầu công việc thì họ còn phải làm tròn nhiệm vụ người vợ và đặc biệt là thiên chức làm mẹ… Chính vì vậy, để làm sao các nữ nhà báo vừa khẳng định được năng lực nghề nghiệp, giữ được 'lửa' nghề và giành được những thành tựu trong sự nghiệp, đồng thời vừa giữ được một gia đình trọn vẹn thì bản thân họ phải không ngừng nỗ lực, cố gắng mỗi ngày.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí gồm: Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng thuộc Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh với khoảng 200 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên. Trong đó, số lượng nhà báo nữ chiếm gần 50%. Những năm qua, sự đóng góp của đội ngũ nữ nhà báo tại mỗi cơ quan báo chí đã từng bước khẳng định và ghi nhận nỗ lực của họ đối với công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

Phát thanh viên Đinh Thị Phương, Đài PTTH tỉnh (bên phải) nhận giải thưởng Giọng vàng phát thanh tại Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2022

Là biên dịch viên, phát thanh viên tiếng dân tộc Tày – Nùng “gạo cội” của Đài Phát thanh – Truyền hình (PTTH) tỉnh, chị Đinh Thị Phương (sinh năm 1968) đã có gần 30 năm công tác tại đài và gắn bó với nghề. Nhìn bề ngoài, ít ai đoán được tuổi của chị bởi dù đã ngoài 50 nhưng chị có sắc vóc gọn gàng, mái tóc dài đen óng, giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm và giọng nói, giọng đọc ấy đã được trao giải Giọng Vàng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2022 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kết quả ghi nhận và khẳng định nỗ lực của chị đối với nghề, cũng là phần thưởng cao quý, lần đầu tiên được trao tại Liên hoan nhằm tôn vinh những người phát thanh viên, dẫn chương trình có giọng đọc và dẫn chương trình phát thanh xuất sắc nhất.

Chị Đinh Thị Phương chia sẻ: Tôi là người dân tộc Tày của tỉnh Bắc Kạn nhưng có duyên gắn bó với mảnh đất Xứ Lạng bởi vì mẹ tôi là người gốc ở xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1989, tôi vào công tác tại Đài PTTH tỉnh Bắc Thái với vị trí phát thanh viên, đến năm 1994, tôi theo em gái ruột là ca sĩ đến Lạng Sơn lập nghiệp nên xin chuyển công tác đến Đài PTTH tỉnh Lạng Sơn, đảm nhận công việc biên tập, biên dịch và phát thanh viên tiếng Tày – Nùng. Cuộc sống khó khăn bởi vùng đất mới, đồng nghiệp mới, công việc cũng mới vì phát thanh viên tiếng dân tộc không phải chỉ đơn thuần đọc tin, dẫn chương trình như tiếng phổ thông mà tôi và đồng nghiệp còn phải đảm đương công việc của biên tập viên, biên dịch viên trước khi thể hiện giọng đọc trên sóng.

Không chỉ là giọng phát thanh tiếng dân tộc chủ lực của đài mà chị Đinh Thị Phương còn tham gia viết tin, bài bằng tiếng Tày – Nùng, tham gia xây dựng các chương trình văn hóa văn nghệ dân tộc phát trên sóng, được đồng bào đón nhận và suốt gần 30 năm công tác chị đã được cơ quan, đồng nghiệp, các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. “Lửa” nghề chị giữ được bền bỉ suốt những năm qua giờ rất mong muốn có các thế hệ kế cận thực sự yêu nghề, tâm huyết với tiếng nói của dân tộc mình, vì vậy, chị luôn canh cánh, đau đáu nỗi niềm có thể trao truyền lửa nghề ấy cho thế hệ trẻ hiện nay.

Khác với vẻ dịu dàng trong tà áo dài khi lên nhận giải A Giải Báo chí tỉnh lần III năm 2023 ở thể loại Ảnh báo chí, phóng viên La Tuyết Mai, (sinh năm 1991), Phòng Chính trị – Xã hội, Báo Lạng Sơn thường ngày “bụi bặm” với quần jean, áo phông, áo sơ mi “xông pha” các sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch theo mảng được lãnh đạo phân công. Trong đó, mảng văn hóa, du lịch đã đưa cô phóng viên trẻ đi rất nhiều vùng quê, làng bản của tỉnh, vì vậy, 3 năm liền, những phóng sự ảnh của nữ phóng viên La Tuyết Mai gắn với văn hóa, du lịch, khắc họa đời sống văn hóa đồng bào người Dao, người Mông đã giúp cô đoạt được những giải cao, trong đó có 2 giải A, 1 giải B, 2 giải C qua 3 mùa giải báo chí của tỉnh tổ chức – thành tích “khủng” đối với thâm niên nghề của cô. Nhưng để có được thành công ấy, nữ phóng viên La Tuyết Mai đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi phải sắp xếp thời gian chăm sóc mẹ chồng thường xuyên đau ốm cùng 2 con nhỏ và thực hiện chỉ tiêu định mức giao để có thể theo đuổi, bám trụ được với nghề.

Phóng viên Tuyết Mai, Báo Lạng Sơn (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm với bà con người Mông, xã Cao Minh, huyện Tràng Định

Phóng viên La Tuyết Mai chia sẻ: Là phóng viên thường xuyên đưa tin về các hoạt động văn hóa của tỉnh, cũng là người dân tộc Tày, mỗi chuyến đi lại giúp tôi có nhiều cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của đồng bào mình cũng như các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Càng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều vùng đất tươi đẹp, tình yêu với văn hóa xứ Lạng trong tôi ngày càng lớn lên. Vì thế, mỗi ngày tôi đều nỗ lực sản xuất tin, bài, phóng sự ảnh chất lượng để lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Xứ Lạng đến bạn bè gần xa. Trung bình mỗi năm, tôi đã thực hiện khoảng 600 tin, bài, ảnh về lĩnh vực văn hóa, trong đó có các tác phẩm: Người gìn giữ “Báu vật” của bản Mông; Người Dao làm du lịch đều đoạt giải A Giải Báo chí tỉnh…

Không chỉ là biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, Vy Thị Ngọc Hằng (sinh năm 1991) còn là hội viên chuyên ngành văn xuôi thuộc Hội VHNT tỉnh. Tham gia công tác tại Tạp chí từ năm 2015, Vy Thị Ngọc Hằng được giao nhiệm vụ biên tập viên. Ngoài thời gian biên tập, Ngọc Hằng còn sắp xếp công việc, gia đình khoa học, hài hòa, hợp lý để đi cơ sở khai thác tư liệu viết báo, viết ký và sáng tạo nhiều tác phẩm dự thi các giải báo chí trong tỉnh và giải chuyên ngành, chuyên đề của trung ương, khu vực.

Biên tập viên Vy Thị Ngọc Hằng chia sẻ: Vốn học sư phạm văn lại cũng đam mê viết lách và tôi càng gắn bó với nghề viết hơn khi nhận công tác tại Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng. Với vị trí công tác của mình, tôi thường xuyên được đọc, biên tập các tác phẩm của hội viên, cộng tác viên gửi về tạp chí. Chính công việc ấy đã nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp trong tôi để tôi không ngừng đi, nghĩ và viết, góp tiếng nói của mình phản ánh hơi thở cuộc sống, lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp tới bạn đọc.

Biên tập viên Vy Thị Ngọc Hằng, Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng (thứ 5 từ trái sang) thuộc Hội VHNT tỉnh nhận giải khuyến khích với tác phẩm ghi chép “Giành lại sự sống” Giải báo chí viết về “An toàn giao thông quốc gia 2021” do Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tổ chức

Với 8 năm trong nghề, Vy Thị Ngọc Hằng đã giành được nhiều giải thưởng của trung ương, của tỉnh, được các cấp khen thưởng. Có thể kể đến một số giải thưởng như: Giải Khuyến khích Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ II-2022; giải Ba cuộc thi viết về người chiến sĩ giao thông “Sắc nắng trên những tuyến đường” do Bộ Công an tổ chức năm 2021; giải Khuyến khích tác phẩm ghi chép “Giành lại sự sống” Giải báo chí viết về “An toàn giao thông quốc gia 2021” do Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia tổ chức; giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I, giai đoạn 2021-2023…

Mỗi nhân vật là một câu chuyện nghề thể hiện sự đam mê, gắn bó với tinh thần lao động nghiêm túc, trách nhiệm, trong đó có cả sự hy sinh của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đằng sau thành công của các chị là sự vất vả với gánh nặng gia đình, chăm lo con cái nhưng đổi lại các chị luôn nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu của mỗi thành viên, đặc biệt là người chồng của mình. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh và cũng là nguồn động lực giữ mãi “lửa” nghề để các chị dấn thân, đam mê và cống hiến cho sự nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Nam, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Thời gian qua, báo chí đã trở thành cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới các tầng lớp Nhân dân, đồng thời, chính báo chí cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân tới Đảng, Nhà nước. Những kết quả, giải thưởng các nhà báo nữ của tỉnh đạt được trong thời gian qua như: Giải C cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần II – 2022 của biên tập viên Diệp Hằng, giải Giọng vàng phát thanh của phát thanh viên Đinh Phương, Giải vàng phóng sự ngắn Liên hoan truyền hình toàn quốc và giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2023 của nhóm phóng viên nữ Thúy Ngân – Phương Thúy của Đài Phát thanh và Truyền thỉnh tỉnh… đã khẳng định sự lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp của đội ngũ nữ nhà báo của tỉnh. Qua đó góp phần vào thành tích chung của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

Nói về lao động thì ngành nghề nào cũng có những khó khăn, đặc thù, nhất là với nữ giới và nghề báo cũng không ngoại lệ. Nhưng vượt lên trên những khó khăn ấy là sự say mê với nghề, cống hiến cho nghề và lan tỏa lửa nghề đến những người làm báo trẻ hiện nay. Trước thềm kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ôn lại chuyện nghề để cùng nhau tôn vinh những người làm báo nói chung, những người làm báo là nữ nói riêng nhằm động viên họ giữ mãi “lửa” nghề, tiếp tục vượt khó và thêm nhiều thành công trong thời gian tới.

PHONG LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/591149-giu-lua-nghe-cho-nha-bao-nu.html