Giữ lại hay giải thể?

Nhiều phụ huynh có con học tập văn hóa tại Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc (gọi tắt là trung tâm) thuộc Trường đại học Đồng Nai đang lo lắng vì sắp tới có thể sẽ không được tiếp tục học tập tại trung tâm này nữa.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của các học sinh Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc. Ảnh: KIM KHÁNH

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của các học sinh Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc. Ảnh: KIM KHÁNH

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết, trung tâm hiện có 92 học sinh đang học văn hóa từ lớp 9 đến lớp 12. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tạm dừng cấp kinh phí hoạt động cho trung tâm do những vấn đề về pháp lý.

Mô hình giáo dục nhân văn

Trung tâm nằm trong khuôn viên của Trường đại học Đồng Nai được chính thức thành lập vào ngày 1-7-2014 theo Quyết định số 377/QĐ - ĐHĐN của Trường đại học Đồng Nai. Việc thành lập trung tâm dựa vào những thành quả trong hoạt động của dự án Giáo dục trung học và đại học cho người điếc Việt Nam.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Phải sớm giải quyết vấn đề dứt điểm, rõ ràng

Năm học mới 2023-2024 đang đến gần, do đó Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp với Trường đại học Đồng Nai giải quyết sớm, xử lý dứt điểm vấn đề của trung tâm. Việc bố trí các em học sinh của trung tâm như thế nào phải có hướng sớm để Sở GD-ĐT là đơn vị tiếp nhận có thời gian chuẩn bị về mọi mặt, tiếp tục đảm bảo tốt việc học tập và sinh hoạt của các em. Bên cạnh đó, cũng phải phối hợp làm rõ tình hình sử dụng tài chính của trung tâm này trong thời gian qua theo đúng quy định.

Trong những năm qua, trung tâm được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, còn có một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng tài trợ kinh phí cho trung tâm, trong đó từ năm 2008-2020, một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản đã tài trợ cho trung tâm trên 540 ngàn USD.

Theo lãnh đạo Trường đại học Đồng Nai, trung tâm là một mô hình giáo dục rất nhân văn, tạo điều kiện cho những học sinh bị khuyết tật có cơ hội học tập văn hóa và hòa nhập với cộng đồng. Chất lượng hoạt động của trung tâm những năm qua được rất nhiều phụ huynh trong và ngoài tỉnh tin tưởng và gửi gắm con em đến đây học tập.

Một số phụ huynh cho hay, con em họ được học tập tại trung tâm này là một may mắn, góp phần bù đắp cho các em những thiệt thòi của bản thân. Do đó, nếu như trường không đảm bảo được kinh phí hoạt động, phụ huynh sẵn sàng đóng góp để các em tiếp tục được học tập ở trung tâm này. Trong trường hợp theo quy định của pháp luật không thể duy trì hoạt động, rất mong nhà trường có giải pháp phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho những học sinh câm điếc được tiếp tục học tập.

Cần phương án phù hợp

Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với Trường đại học Đồng Nai mới đây, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai Lê Anh Đức cho biết, thời gian qua nhà trường đã tiến hành rà soát lại các thủ tục pháp lý của trung tâm. Từ tháng 4-2023, nhà trường đã có các văn bản gửi cơ quan đầu mối là Sở Nội vụ và một số sở, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết các vấn đề mà trung tâm này gặp phải, đảm bảo cho trung tâm hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật.

Sau khi rà soát lại hoạt động của trung tâm, Trường đại học Đồng Nai cho biết, có một số bất cập. Cụ thể, là căn cứ pháp lý của trung tâm để đào tạo văn hóa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 hầu như chưa có. Vì điều kiện pháp lý chưa đủ nên từ năm 2021 đến nay tỉnh không còn tiếp tục cấp kinh phí hỗ trợ cho trung tâm này. Vì vậy nên trong thời gian qua, nhà trường không tuyển dụng giáo viên cơ hữu cho trung tâm. Hiện giáo viên giảng dạy tại trung tâm chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng.

TS Lê Anh Đức cũng cho biết, ngày 28-12-2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đây chính là căn cứ pháp lý phù hợp để nhà trường có thể cơ cấu lại hoạt động của trung tâm cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Từ thông tư của Bộ GD-ĐT, Trường đại học Đồng Nai đã đề xuất với Sở Nội vụ là cơ quan đầu mối của UBND tỉnh chuyển 92 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 về các trường có đủ chức năng dạy trẻ khuyết tật thuộc Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, ông Lê Anh Đức cũng cho hay, hiện đang trong quá trình thống nhất phương án chuyển các em học sinh của trung tâm đến môi trường học tập mới phù hợp. Trong thời gian này, nhà trường sẽ tiếp tục chăm lo và đảm bảo môi trường học tập ổn định cho các em.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết, theo quy định, khi thành lập các đơn vị sự nghiệp phải có biên chế. Do đó, Sở Nội vụ đã có công văn gửi Trường đại học Đồng Nai, đề nghị cho biết hướng xử lý đối với trung tâm như thế nào. Trong trường hợp nếu giữ thì phải lấy biên chế từ các đơn vị khác của trường chuyển sang trung tâm, còn nếu không bố trí được thì bắt buộc phải giải thể. Nếu trường không tự làm được, Sở Nội vụ sẽ có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý phù hợp.

Thành Nam

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202305/trung-tam-nghien-cuu-va-thuc-day-van-hoa-diec-giu-lai-hay-giai-the-3166716/